Ưu tiên nguồn cung hàng hóa cho TPHCM
Đầu tiên phải kể đến là nhóm DN cung ứng sản phẩm tươi sống. Đại diện Công ty CP Việt Nam Kỹ nghệ súc sản (Vissan) cho biết, hiện lượng heo giết mổ bình quân của công ty là 1.200-1.300 con/ngày, tương đương 120 tấn/ngày. Trường hợp nhu cầu thị trường tăng mạnh, công ty đảm bảo nâng sản lượng lên cao nhất, thêm 40%. Bên cạnh đó, công ty luôn dự trữ gối đầu khoảng 300 tấn thịt tươi sống, sẵn sàng đưa ra khi thị trường có biểu hiện hút hàng. Còn với nhóm thực phẩm chế biến, lượng cung ứng mỗi ngày hơn 100 tấn và lượng dự trữ đảm bảo cung ứng trong 2 tháng. Tương tự, Công ty CP Chăn nuôi CP cũng cho biết, hiện công ty đã dành lượng thịt heo ổn định khoảng 350-400 con/ngày để cung ứng riêng cho thị trường TPHCM. Riêng những ngày qua, khi nhu cầu tiêu thụ thịt heo tại TPHCM tăng đột biến, công ty đã tăng lượng cung ứng khoảng 600 con/ngày.
Không chỉ DN cung ứng thịt heo mà các DN cung ứng thịt gia cầm như Công ty CP Ba Huân, Công ty CP Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt, Công ty TNHH San Hà… cũng gia tăng nguồn cung ứng cho thị trường TPHCM. Đại diện Công ty TNHH San Hà cho biết, hiện nay với quy mô cung ứng khoảng 200 tấn/ngày sản phẩm gia cầm, thủy cầm, công ty dư công suất để điều tiết lượng hàng cung ứng cho TPHCM. Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng, do phải thực hiện công tác “3 tại chỗ” (bố trí cho công nhân ăn, ở và làm việc tại chỗ) thành phố quy định nên lượng công nhân hoạt động trong nhà máy có giảm. Do đó, sản phẩm cung ứng cho thị trường chỉ đảm bảo dồi dào nhưng không đa dạng được như trong điều kiện bình thường.
Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TPHCM, nhấn mạnh, trong điều kiện dịch bệnh diễn biến phức tạp nhưng các DN trong lĩnh vực sản xuất lương thực thực phẩm, hàng hóa thiết yếu luôn “căng mình” để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân. Trên thực tế, các DN này đã xác định không được phép đứt gãy nguồn cung ứng thị trường nên luôn có phương án dự phòng với tình huống dịch bệnh diễn biến xấu, gây ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường.
Đầu tiên, các DN tăng nguồn dự trữ nguyên liệu sản xuất, yếu tố quan trọng để đảm bảo sản xuất không đứt gãy. Riêng DN sản xuất thực phẩm tươi sống có gặp chút khó khăn. Bởi phần lớn nhà máy giết mổ gia súc gia cầm, nguồn nuôi trồng nông, thủy hải sản đều ở các tỉnh lân cận TPHCM nên việc lưu thông hàng hóa có phần gián đoạn, chậm hơn bởi phải kiểm soát dịch bệnh. Điều này lý giải tình trạng thiếu cục bộ hàng hóa thiết yếu tại một số khu vực.
Cần sự chia sẻ của người dân
Ở góc độ nhà phân phối chủ lực trên thị trường, Liên hiệp Hợp tác xã thương mại TPHCM (Saigon Co.op) cho biết, hiện đơn vị đã bắt tay chặt chẽ với các DN cung ứng để gia tăng lượng hàng bổ sung cho thị trường. Các đơn vị cũng cam kết duy trì giá bán ổn định. Tuy nhiên, phải thấy rằng, dịch bệnh diễn biến phức tạp tại TPHCM và các tỉnh thành đã gây ảnh hưởng nhất định đến hoạt động cung ứng hàng hóa, nhất là khâu phân phối, giao hàng.
Bà Lý Kim Chi nhấn mạnh, hiện ngoại trừ một số DN chủ lực sản xuất mì tôm như Công ty CP Acecook Việt Nam, Công ty CP Kỹ nghệ thực phẩm Việt Nam (Vifon)…, nhóm mặt hàng thủy hải sản chế biến đang gặp khó khăn ngắn hạn vì chỉ có thể đáp ứng 50% yêu cầu “3 tại chỗ” cho công nhân, kéo theo sản lượng sản xuất giảm tương ứng. Tuy nhiên, tình trạng này sẽ sớm tháo gỡ ngay khi dịch bệnh được kiểm soát hoặc công ty hoàn thiện kịp thời hạ tầng phục vụ công tác ăn ở cho công nhân.
Bà Bùi Thị Giáng Thu, Giám đốc Co.opmart Chu Văn An, cho biết thêm, để tránh tình trạng người dân dồn dập mua hàng vì tin đồn, hiện các siêu thị Co.opmart nói chung và Co.opmart Chu Văn An nói riêng đã chủ động phát phiếu hẹn giờ cho khách mua hàng ở siêu thị. Song song đó, siêu thị bố trí chỗ ngồi và mời 10 khách vào mua sắm/lượt và khách mua sắm từ 20-40 phút để nhường cho lượt khách kế tiếp. Mô hình phát phiếu hẹn giờ đang tỏ ra khá hiệu quả, giảm lượng khách dồn về cùng lúc. Theo siêu thị, bất kỳ người dân nào cũng có thể đến siêu thị để nhận phiếu hẹn giờ. Khi nhận được phiếu, khách chỉ cần đến đúng giờ sẽ được siêu thị tạo điều kiện tối đa để mua sắm. Một số khung giờ thấp điểm, ít khách, siêu thị sẽ linh động giải quyết cho khách vãng lai.
Như vậy, trung mình mỗi ngày Co.opmart chủ động chia khách ra khoảng 12 khung giờ để hẹn giờ phục vụ mua sắm giúp giảm tải rất nhiều cho công tác điều phối chung và tuân thủ 5K tại siêu thị, thuận lợi hơn trong việc đưa hàng lên kệ.
Saigon Co.op, đơn vị chủ quản của hệ thống siêu thị Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food, Co.opSmile cho biết, lượng hàng hóa tươi đang nhập về TPHCM ngày càng nhiều do giao thông được khai thông, cộng với lượng dự trữ hàng mát, hàng đông lạnh, hàng bình ổn giá… đảm bảo cung ứng ổn định nhiều tháng tới nên người dân không sợ thiếu hàng. Chỉ cần có sự phối hợp hỗ trợ mua sắm tiêu dùng vừa phải, trách nhiệm của người dân thì ai cũng sẽ mua được lương thực thực phẩm với giá tốt và an toàn khi đến siêu thị.