“Thể trạng” DN rất yếu
Theo ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội DN TPHCM (HUBA), thời gian qua, hiệp hội đã tổ chức 2 cuộc khảo sát về tình hình sản xuất kinh doanh và đánh giá “sức khỏe” của DN, đồng thời khảo sát về tác động và khả năng tiếp nhận, hấp thụ các gói hỗ trợ của chính phủ đối với DN, những thuận lợi và khó khăn. Đánh giá chung về tình hình DN bị ảnh hưởng qua thời gian dịch bệnh từ đầu năm đến nay, các DN kinh doanh trọng điểm của TP như cơ khí, điện, cao su, nhựa, công nghiệp hỗ trợ, đồ gỗ, dệt may, da giày… không phân biệt quy mô lớn, vừa, nhỏ, siêu nhỏ đều trong tình trạng đã cạn kiệt các nguồn lực kinh doanh, thiếu nguyên liệu đầu vào sản xuất, xuất khẩu bị đình trệ, giảm đơn hàng, chậm thanh toán, dòng tiền kinh doanh bị bẻ gãy, nguy cơ mất tính thanh khoản cao. Từ đó, quy mô sản xuất bị thu hẹp, người lao động phải ngừng việc ngày càng cao và trên quy mô rộng. Dự báo sang quý 2 sẽ suy giảm nghiêm trọng, số lượng DN phải ngừng sản xuất, phá sản nguy cơ tăng cao. Số liệu khảo sát chỉ ra: có khoảng 21% DN tham gia khảo sát trả lời tiếp tục cầm cự được đến hết tháng 5; khoảng 12% DN tiếp tục duy trì đến hết tháng 6-2020; khoảng 12% DN có khả năng duy trì đến hết tháng 9-2020; khoảng 2% duy trì được đến cuối năm; khoảng 19% sẽ phá sản trong quý 2 và khoảng 34% số DN không xác định được tồn tại đến khi nào.
Theo HUBA, việc khảo sát với quy mô nhỏ chưa phản ảnh đầy đủ thực trạng tình hình DN nhưng có cơ sở để nhận định rằng, các chính sách hỗ trợ người lao động, hỗ trợ DN của Chính phủ đã rất khẩn trương được triển khai vào thực tiễn. Việc sử dụng ngân sách hỗ trợ đúng đối tượng, tránh thất thoát, có hiệu quả và phải thực hiện nhanh chóng là điều rất khó tránh khỏi sai sót hoặc bị lợi dụng. Về hạn chế, khoảng 61% số DN cho rằng, việc tiếp cận các chính sách chưa được thuận lợi. Hỏi về lý do chưa thuận lợi, 28% nêu ý kiến các loại thủ tục còn phức tạp; 14% cho rằng, cơ quan hướng dẫn chưa nhiệt tình; 9% số DN không có người làm do đã ngưng hoạt động; số còn lại không có ý kiến. Đây là những việc mà TP cần quan tâm chỉ đạo các cơ quan đầu mối giải quyết chính sách hỗ trợ chú ý cải thiện thêm.
Hỗ trợ DN hình thành chuỗi sản xuất, liên kết nội địa
Từ thực tế nêu trên, ông Chu Tiến Dũng đưa ra giải pháp và kiến nghị, chính quyền đồng hành cùng DN ổn định thị trường, tiếp cận thị trường mới, tái cấu trúc thị trường, mở rộng thị trường nội địa, chuẩn bị sẵn sàng cho xuất khẩu khi các nước nới lỏng cách ly xã hội. Trước mắt, cần nhanh chóng phục hồi lại môi trường sản xuất, kinh doanh trong nước bình thường, giúp DN nhanh chóng phục hồi thị trường trong nước. Cần chú trọng khai thông khâu vận chuyển lưu thông hàng hóa, nhất là tại cảng. Triển khai nhanh các dự án đầu tư công, có thêm tiêu chí ưu tiên cho DN trong nước tham gia đấu thầu, xét chọn nhà thầu đối với các dự án đầu tư công…
Đối với DN tham gia các lĩnh vực sản phẩm mới, nhất là sản phẩm phục vụ phòng chống dịch, các cấp các ngành tập trung giải quyết nhanh các thủ tục xác nhận điều kiện hợp quy sản phẩm, giải quyết nhanh các thủ tục để xuất khẩu sang các nước có nhu cầu (khẩu trang, bảo hộ y tế, máy thở…). Đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động của Ban Chỉ đạo thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tạo ra ý thức hệ và nề nếp của người dân tự nguyện ủng hộ hàng Việt Nam.
Tổ chức nhiều chương trình kết nối cung cầu, kết nối DN (B2B), kết nối sản xuất với các kênh tiêu thụ truyền thống, hiện đại. Cho phép các hiệp hội DN cũng được tổ chức chương trình riêng để chia sẻ sự quá tải của các sở ngành và tăng thêm hiệu quả xúc tiến thương mại của TP. Nhân dịp khôi phục sản xuất, TP khuyến khích DN chuyển đổi sử dụng nguyên liệu trong nước đồng thời với việc đổi mới thiết bị, công nghệ, ứng dụng kinh tế số phù hợp thời đại cách mạng công nghiệp 4.0. Nếu được, sẽ đẩy lên thành phong trào để tuyên truyền vận động DN trong nước đoàn kết, sử dụng sản phẩm, dịch vụ của nhau để phát huy nội lực phát triển. Có cơ chế hỗ trợ DN tiếp nhận chuyên gia nước ngoài đến làm việc để chuẩn bị cho các dự án, đơn hàng sản xuất, xuất khẩu khi điều kiện thông thương mở cửa.
TP cần hỗ trợ DN hình thành các chuỗi sản xuất, cung ứng, liên kết nội địa, chuyển đổi nguồn cung cấp nguyên liệu, hỗ trợ các DN đầu tư tăng mạnh quy mô các nhà máy chế biến nông sản thay cho xuất khẩu thô nông sản. Hỗ trợ mạnh cho các DN công nghiệp hỗ trợ trong nước. Ngân hàng cần ưu tiên cho vay đủ vốn và tạo thuận lợi cung cấp vốn cho các DN có dự án đầu tư cơ sở hạ tầng, đổi mới công nghệ, sản phẩm, thị trường. Gia tăng nghiên cứu hoàn thiện môi trường pháp lý để hỗ trợ và khuyến khích, thúc đẩy DN ứng dụng và chuyển đổi mạnh sang môi trường số hóa. Đảm bảo an ninh, an toàn cho các giao dịch số. Tạo điều kiện để giảm mạnh chi phí sử dụng dịch vụ số. Các giao dịch, thủ tục hành chính giữa DN và chính quyền cần được đẩy mạnh giao dịch qua môi trường số, chính phủ điện tử, tăng cường các ứng dụng thông minh. TP cần có chính sách phát triển mạnh DN ngành thương mại điện tử và DN giao nhận, shipper, logistic cho phù hợp với tình hình mới.
Vì dịch Covid-19 ảnh hưởng lên toàn xã hội và tác động tới tất cả các DN, khó có thể chứng minh được mức độ thiệt hại trực tiếp hay gián tiếp. Đề nghị cho tất cả các DN đều được hưởng các chính sách hỗ trợ mà không phải chứng minh bị tác động của dịch Covid-19, không phân biệt quy mô DN. Các chính sách và gói hỗ trợ DN cần phân chia ra làm 2 loại: Gói chính sách giải cứu, cứu trợ cần tức thì, không nên phân biệt về điều kiện vì đây là gói cấp cứu như gói tài khóa, giãn thời gian nộp thuế, giảm phí theo Nghị định 41 của Chính phủ, hay gói hỗ trợ người lao động nghèo, mất việc, cho DN vay tiền từ ngân hàng chính sách xã hội không lãi suất để trả lương cho người lao động. Gói chính sách đồng hành hỗ trợ DN vực dậy sản xuất thì ngân hàng cần sớm thẩm định trả lời cho DN được vay hay không với các điều kiện đảm bảo an toàn cho vay, khả năng trả nợ. Trên cơ sở đó, đáp ứng đủ nhu cầu vay vốn để DN nhanh chóng phục hồi sản xuất, mở rộng quy mô sản xuất, chuyển đổi công nghệ… Tiếp tục hỗ trợ các DN khởi nghiệp sáng tạo, tập trung vào các DN công nghệ thông tin, sản xuất hàng hóa có hàm lượng công nghệ cao, các DN khoa học - công nghệ. Chính quyền chỉ đạo các cơ quan hạn chế kiểm tra, thanh tra DN trong bối cảnh DN đang phải tập trung vượt qua khó khăn như hiện nay, để họ dồn sức vào phục hồi sản xuất.
Theo nhận định của HUBA, kết quả khảo sát cũng cho thấy, mức độ thiệt hại tùy theo mỗi ngành nghề có khác nhau, trong đó nhóm DN hoạt động trong lĩnh vực CNTT - công nghệ cao; DN hoạt động trong lĩnh vực lương thực thực phẩm, chế biến nông sản; một số DN trong lĩnh vực dệt may… đã có sự thích ứng khá nhanh với dịch. Nhưng đại đa số các DN còn lại phải ngừng hoạt động để phòng chống dịch (như lĩnh vực du lịch, dịch vụ, lưu trú, vận tải, trung tâm thương mại, y tế, giáo dục…) hiện đang gặp nhiều khó khăn. |