Phát biểu tại buổi gặp mặt, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Phạm Tấn Công cho biết, cách đây 19 năm, ngày 20-9-2004, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 990/QĐ-TTg lấy ngày 13-10 hàng năm là Ngày Doanh nhân Việt Nam. Đây cũng là ngày mà vào năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư cho giới công thương Việt Nam, nhấn mạnh vai trò của giới doanh nhân và mối liên hệ chặt chẽ giữa sự thịnh vượng của doanh nghiệp với sự phát triển của đất nước.
Theo ông Phạm Tấn Công, khu vực kinh tế tư nhân chính thức đã có gần 900.000 doanh nghiệp, cùng với các doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp FDI, hợp tác xã tạo thành lực lượng hùng hậu thúc đẩy kinh tế Việt Nam phát triển.
Với việc xác định doanh nghiệp là lực lượng chủ lực trong xây dựng kinh tế, thì doanh nhân chính là lực lượng nòng cốt giữ vai trò lãnh đạo, quản lý, điều hành đội ngũ doanh nghiệp của đất nước.
Theo ông Phạm Tấn Công, việc mà các doanh nghiệp đề xuất làm ngay lúc này chính là tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận tín dụng thuận lợi, dễ dàng hơn nữa; đồng thời chấn chỉnh và phục hồi thị trường bất động sản; tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính sách miễn, giãn thuế, phí và các nghĩa vụ tài chính khác với thời gian đủ dài để doanh nghiệp phục hồi…
Các doanh nghiệp cảm ơn Thủ tướng Chính phủ về việc vừa ban hành quyết định tiếp tục giảm 30% tiền thuê đất cho năm 2023, kịp thời gỡ khó phần nào khó khăn cho các doanh nghiệp.
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới dự buổi gặp mặt của Thường trực Chính phủ với đại diện doanh nhân Việt Nam |
Về các giải pháp trung và dài hạn, các doanh nghiệp mong muốn các chính sách mang tính tái cấu trúc, hướng tới phát triển bền vững cần được quan tâm hoạch định xây dựng ngay từ bây giờ. Cụ thể là trong các lĩnh vực đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; có chương trình hành động cụ thể nhằm nâng cao khả năng tận dụng ưu đãi thuế tại các hiệp định thương mại tự do, giúp các doanh nghiệp Việt Nam phát huy lợi thế so với các đối thủ cạnh tranh. Song song, Chính phủ đẩy mạnh cải thiện hạ tầng logistics cũng như thủ tục hành chính để giảm chi phí vận chuyển, tăng tính cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam.
Về chính sách và môi trường kinh doanh, cần tập trung cải cách một số lĩnh vực thủ tục hành chính còn nhiều phiền hà theo phản ánh từ các doanh nghiệp, đó là các lĩnh vực đất đai, thuế, bảo hiểm xã hội, xây dựng, quản lý thị trường, giao thông, phòng cháy, môi trường, kho bạc và lao động.
Các doanh nghiệp mong muốn Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành tập trung rà soát và tối ưu hóa quy trình thủ tục hành chính liên ngành, đặc biệt các thủ tục liên quan đầu tư, xây dựng, đất đai, môi trường...
Tại buổi gặp mặt, báo cáo về hình hoạt động của doanh nhân, doanh nghiệp, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng thông tin, số doanh nghiệp gia nhập và quay trở lại thị trường có xu hướng tăng trở lại, niềm tin đầu tư kinh doanh tiếp tục được củng cố.
Tính riêng trong quý 3, cả nước có gần 60.000 doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2022. Tính chung 9 tháng đầu năm, cả nước có 165.000 doanh nghiệp, gấp 1,2 lần mức bình quân giai đoạn 2018-2022. Kết quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp ở cả khu vực nhà nước và ngoài nhà nước đạt mức tăng trưởng tích cực so với cùng kỳ và duy trì đóng góp tốt cho ngân sách.
Trong 9 tháng đầu năm, các khoản nộp ngân sách qua thuế giá trị gia tăng đạt hơn 97.000 tỷ đồng, thuế thu nhập doanh nghiệp đạt gần 248.000 tỷ đồng, tăng lần lượt 6% và 17% so với cùng kỳ.
Khu vực doanh nghiệp nhà nước cơ bản đã nỗ lực tổ chức sản xuất kinh doanh đạt kế hoạch đề ra, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô. Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới và trong nước gặp nhiều khó khăn, các kết quả nêu trên là rất đáng ghi nhận.
Tháng 5-2022, VCCI đã công bố và phát động thực hiện 6 quy tắc đạo đức doanh nhân Việt Nam, gồm: tạo ra giá trị kinh tế cho xã hội; tuân thủ pháp luật; minh bạch, công bằng, liêm chính; sáng tạo, hợp tác, cùng phát triển; tôn trọng thiên nhiên, bảo vệ môi trường; yêu nước, có trách nhiệm với xã hội và gia đình.
Ngày 11-10-2023, VCCI công bố ca khúc truyền thống chung của cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam - "Tự hào doanh nhân Việt Nam" của tác giả Phạm Tiến Dũng, viết trong thời gian cả nước gồng mình chống dịch Covid-19. Ca khúc thể hiện tinh thần yêu nước và khát vọng cống hiến của doanh nhân Việt Nam; lan tỏa hình ảnh đẹp về doanh nhân cùng tâm tư, nguyện vọng được cống hiến dựng xây Tổ quốc.