Doanh nghiệp cần sẵn sàng kịch bản Mỹ không giảm thuế đối ứng

Chiều 7-4, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy đã chủ trì cuộc họp với các đơn vị chức năng và nhiều doanh nghiệp, hiệp hội xuất khẩu nông sản chủ lực sang Hoa Kỳ, trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa công bố chính sách thuế đối ứng mới. Theo đó, Mỹ có thể áp mức thuế lên tới 46% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam.

Bộ trưởng Đỗ Đức Duy nhấn mạnh rằng mục tiêu cao nhất của Việt Nam vẫn là đàm phán để hạ mức thuế xuống ngưỡng hợp lý. Tuy nhiên, trong trường hợp xấu nhất là phía Mỹ kiên quyết giữ mức thuế cao và không trì hoãn áp dụng, các ngành hàng và doanh nghiệp cần chủ động chuyển hướng chiến lược ứng phó. Giải pháp cấp bách được đưa ra là tận dụng tối đa thời gian còn lại để đẩy mạnh giao hàng trước ngày 9-4, thời điểm dự kiến chính sách thuế mới có hiệu lực. Bộ cũng cam kết hỗ trợ về logistics và thủ tục hải quan để giúp doanh nghiệp hoàn tất xuất hàng đúng hạn.

IMG_8080.jpg
Bộ trưởng Đỗ Đức Duy chủ trì cuộc họp chiều 7-4. Ảnh: NNVN

Theo ông Ngô Hồng Phong, Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường, trong quý I-2025, xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam sang Mỹ đạt 3,21 tỷ USD, tăng 14,9%, trong khi nhập khẩu từ Mỹ là 914 triệu USD, tăng 7,1% so với cùng kỳ. Các mặt hàng chủ lực gồm gỗ, hạt điều, hạt tiêu, thủy sản, cà phê và rau quả. Nếu mức thuế trung bình 10% hoặc cao hơn được áp dụng, cán cân thương mại song phương sẽ chịu ảnh hưởng lớn, kéo theo nguy cơ giảm tốc tăng trưởng toàn ngành nông nghiệp.

Mức thuế đối ứng 46% chỉ là con số trung bình, trên thực tế sẽ được phân hóa theo từng mặt hàng cụ thể. Do vậy, việc sớm phân tích chi tiết biểu thuế để đánh giá tác động và xây dựng kịch bản riêng cho từng ngành hàng là rất cấp thiết. Trong ngắn hạn, các doanh nghiệp cũng được khuyến nghị chủ động đàm phán lại hợp đồng xuất khẩu để chia sẻ nghĩa vụ tài chính khi thuế tăng đột biến.

Về lâu dài, Bộ Nông nghiệp và Môi trường yêu cầu kiểm soát chặt xuất xứ hàng hóa nhằm tránh các cáo buộc gian lận thương mại liên quan đến hàng hóa từ Trung Quốc. Đồng thời, cần đẩy mạnh chiến lược chuyển hướng sang các thị trường có hiệp định thương mại tự do với Việt Nam như Trung Quốc, châu Âu, Nhật Bản – những thị trường có ưu đãi thuế quan ổn định hơn và dư địa tăng trưởng lớn.

Tin cùng chuyên mục