Cắt giảm chi phí, nhân sự
Hoạt động chuyên về lĩnh vực vận tải hành khách, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nặng nề đến Công ty Vận tải Nam Phong (quận 12, TPHCM). Thông thường trước đây, khi chưa xảy ra dịch, người dân các tỉnh Tây Nguyên đi khám sức khỏe định kỳ, đi thăm con cái học hành ở TPHCM hay du lịch các tỉnh Nam bộ, chủ yếu chọn phương tiện xe khách. Khi dịch Covid-19 xảy ra, lượng hành khách đi lại rất ít. “Trong hơn 10 năm hoạt động lĩnh vực vận tải hành khách tuyến TPHCM đi các tỉnh Tây Nguyên, chưa bao giờ xe khách tuyến đường dài khó khăn như hiện nay. Tuy Covid-19 đã lắng đi, nhưng có ngày mỗi chuyến xe chỉ vài hành khách. Nếu tính vé cầu đường, chi phí xăng dầu, lương lái xe và phụ xe, khấu hao phương tiện thì thu không đủ chi”, ông Nguyễn Tuấn Tú, Giám đốc Công ty Vận tải Nam Phong, than thở.
Theo ông Tú, DN bị lỗ nặng, sơ sẩy là phá sản, song phải duy trì hoạt động với hy vọng một vài tháng nữa, hành khách đi lại bình thường. Hoàn cảnh tương tự, ông Hắc Thanh Hoàng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Hợp nhất quốc tế (24H Logistics & EXPRESS) cho biết, lĩnh vực logistics, vận chuyển hàng hóa chịu ảnh hưởng nặng nhất từ Covid-19. Trong khi sản xuất bị đình trệ, tốc độ tăng trưởng kinh tế từ 6%-7% năm giảm xuống dưới 2% suốt nhiều tháng qua, kéo theo nhu cầu vận chuyển hàng hóa giảm mạnh.
Để duy trì hoạt động của hệ thống kho bãi, số lượng phương tiện lên đến hàng trăm chiếc trên toàn quốc là áp lực rất lớn đối với DN chuyên ngành logistics. Nhà nước có chính sách hỗ trợ DN nhưng chỉ áp dụng với DN sản xuất hàng hóa chứ lĩnh vực dịch vụ kho bãi, vận chuyển lại không thấy. Để duy trì hoạt động, công ty phải “thắt lưng buộc bụng”, tiết kiệm xăng dầu, vật tư và giảm lương, giảm chi phí quản lý.
Hầu hết các DN trên nhiều lĩnh vực đều rơi vào khó khăn, phải giảm chi phí, cắt bớt nhân sự, nhất là trong các ngành lữ hành, vận tải, logistics… Ngay cả tiểu thương các chợ, siêu thị cũng ráng cầm cự qua mùa dịch. Ông Lâm Sư Vinh, chủ vựa Hỏi Liên tại chợ đầu mối nông sản, thực phẩm Thủ Đức cho biết: “Kể từ khi phát sinh dịch bệnh đến nay, thu nhập của vựa bị giảm hơn 40%. Hiện nay, chúng tôi chỉ còn duy trì một số khách hàng ở chợ. Tuy nhiên, lượng tiêu thụ rau, củ, quả hàng ngày cũng trồi sụt thất thường, chúng tôi ráng cầm cự qua mùa dịch”. Còn ông Nguyễn Ngọc An, chủ sạp quần áo, vải sợi tại chợ Bến Thành, ngán ngẩm: “Mùa dịch, chợ rất vắng vẻ. Hơn 30 năm buôn bán ở chợ Bến Thành, chưa bao giờ tôi chứng kiến cảnh thưa vắng như thời điểm này. Do tiền thuê mặt bằng khá cao, nhiều tiểu thương kinh doanh các ngành hàng đã trả lại mặt bằng. Một số khác đóng cửa quầy”.
Cần hơn nữa các chính sách thiết thực
Trước những tác động khó khăn, nhiều DN mong muốn Chính phủ có các chính sách hỗ trợ thiết thực, thủ tục đơn giản, dễ dàng. Ông Võ Văn Quyết, Giám đốc Công ty TNHH phát triển SXTM Thuận Thiên (chuyên sản xuất, cung cấp các loại thùng nhựa phục vụ vệ sinh gia đình, cộng đồng khu dân cư và trong cơ sở y tế), khẳng định những khó khăn DN đang gặp phải nhưng DN vẫn cố gắng từng bước. Tuy nhiên, để giúp DN nhỏ và vừa phát triển, theo ông Quyết, Nhà nước cần có chính sách thúc đẩy đầu tư công, khuyến khích mua sắm hàng sản xuất trong nước. Còn theo ông Hắc Thanh Hoàng, DN không thể ngồi chờ những khoản hỗ trợ, mà mong muốn chung của DN là Nhà nước cần có chính sách khuyến khích đầu tư, thúc đẩy kinh tế tăng trưởng trở lại. Chỉ có nhiều nhà máy hoạt động, nhu cầu tiêu dùng trong nước tăng, hàng hóa xuất khẩu mạnh trở lại là cách giúp DN hiệu quả nhất.
Bà Phan Thị Thúy Phượng (Giám đốc Công ty TNHH SX-TM-XNK Phương Lan, chuyên sản xuất túi ni lông, hộp nhựa, ống hút nhựa sinh học tự hủy) cho rằng, trong lúc chờ đợi các gói hỗ trợ thiết thực của Chính phủ như giảm thuế thu nhập DN, thuế tiêu thụ đặc biệt, DN đã tự xoay xở như cắt giảm chi phí vận hành, cố gắng duy trì sản xuất, kinh doanh không vì mục đích lợi nhuận. Đồng thời, tích cực tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm, nắm bắt cơ hội mở rộng thị trường, bán hàng trên mạng xã hội, sàn thương mại điện tử…
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM: Không nên “siết” hoạt động phát hànhtrái phiếu doanh nghiệpHoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) đã bổ sung nguồn vốn đầu tư quan trọng của xã hội, thay thế một phần nguồn vốn tín dụng ngân hàng, nhất là hiện nay, Ngân hàng Nhà nước đang thực hiện lộ trình hạn chế dần tín dụng vào thị trường bất động sản. Hiệp hội Bất động sản TPHCM đề nghị Chính phủ không “siết” hoạt động phát hành TPDN, để tạo thêm kênh huy động vốn cho lĩnh vực bất động sản. Hiệp hội cũng đề nghị các ngân hàng hỗ trợ DN bất động sản trên địa bàn TPHCM được cơ cấu lại nợ đến hạn; đề nghị được xem xét giảm khoảng 30% - 50% lãi vay trong thời hạn 12 tháng (tối thiểu trong năm 2020); giãn tiến độ trả lãi vay, trả nợ gốc, không chuyển nhóm nợ xấu hơn khi đáo hạn. Ông Nguyễn Cảnh, Giám đốc Công ty CP Thiết bị công nghiệp Nam Thành: Sớm khai thông nguồn vốn FDI |