Doanh nghiệp cần được đối xử công bằng, minh bạch

Nghị quyết Trung ương 5 khóa XII về kinh tế tư nhân (KTTN) thể hiện quan điểm của Đảng, Nhà nước về thành phần KTTN với cách nhìn hoàn toàn mới, thể hiện sự coi trọng đặc biệt với vai trò, sứ mệnh của KTTN. 
 
Bà Phạm Thị Ngọc Thủy
Bà Phạm Thị Ngọc Thủy
Trao đổi với Báo SGGP sau khi kết thúc loạt bài về vấn đề này, bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Phó tổng thư ký Diễn đàn KTTN Việt Nam (VPSF) cho rằng, đây là cơ hội cũng đồng thời là trách nhiệm trọng yếu trong phát triển kinh tế đất nước, cùng các loại hình doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế khác kiến tạo một nền kinh tế Việt Nam mạnh, tăng trưởng bền vững. 
° Phóng viên: Theo bà, để đưa tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 vào cuộc sống thì doanh nghiệp tư nhân (DNTN) cần điều gì từ cơ chế, chính sách, pháp luật để có động lực mạnh mẽ đóng góp vào phát triển kinh tế đất nước?
° Bà PHẠM THỊ NGỌC THỦY: Muốn nền kinh tế mạnh thì cần phải có một thị trường không méo mó để phát huy tối đa nguồn lực của cả tư nhân và Nhà nước, tức là một thị trường mà các DN được đối xử công bằng, bình đẳng, minh bạch để cạnh tranh lành mạnh theo đúng nghĩa. Đây chính là động lực thực sự, cơ hội để các DNTN thể hiện vai trò, tạo đột phá về hiệu quả kinh doanh, thúc đẩy KTTN, đóng góp vào phát triển và tăng trưởng mạnh mẽ nền kinh tế đất nước. Chương trình hành động để phát triển KTTN từ tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 chính là quá trình thực hiện và hoàn thành mục tiêu xây dựng nền kinh tế thị trường với các yếu tố nói trên. 

° DNTN đã được nhìn nhận là động lực quan trọng để phát triển kinh tế. Bà kỳ vọng gì về những thay đổi sắp tới, nhất là cơ chế phân bổ nguồn lực?

° Cơ chế phân bổ nguồn lực hiện đang có sự không công bằng, bình đẳng và thiếu hợp lý. Cơ chế phân bổ các nguồn đầu tư công tuy đã siết chặt hơn nhưng chưa có quy định và biện pháp giám sát thực thi hiệu quả, minh bạch nên không gắn với chiến lược phát triển kinh tế để đầu tư trọng tâm, trọng điểm dẫn tới việc dàn trải nguồn lực hoặc lệch trọng tâm phát triển kinh tế; hình thành cơ chế “xin - cho”, tình trạng “chạy dự án”, “lợi ích nhóm” và tham nhũng khiến nguồn lực đầu tư nhiều nhưng lại kém hiệu quả.

Doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) được đầu tư nhiều nguồn lực nhất, nhận nhiều ưu đãi về nguồn vốn, đất, thuế, lãi suất, bảo lãnh từ Chính phủ... nhưng hiệu quả hoạt động lại thấp nhất. Các DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thì không chỉ nhận ưu đãi theo chính sách chung mà còn được các địa phương đưa ra rất nhiều ưu đãi riêng nhằm thu hút trong khi việc đánh giá và kiểm soát các vấn đề môi trường, xã hội, nộp thuế... đều chưa đảm bảo nên nhiều hậu quả đã xảy ra. Đồng thời, tính lan tỏa và sự liên kết giữa các DN FDI và DNTN trong nước hầu như không đạt kỳ vọng. Còn DNTN do không được công bằng trong phân bổ nguồn lực và đầu tư từ phía Nhà nước, các chính sách ưu đãi lại thiếu thực tiễn, ít đi vào cuộc sống và không dựa trên hiệu quả nên hầu hết tồn tại dạng nhỏ và vừa, siêu nhỏ. Do đó, ngành nghề kinh doanh cũng phần lớn lựa chọn dịch vụ, thương mại, ít sản xuất, nghiên cứu và ít có cơ hội/năng lực kết nối các chuỗi giá trị khu vực, toàn cầu.

Về giải pháp cho vấn đề này, theo tôi là cần ban hành cơ chế phân bổ nguồn lực và nguồn đầu tư công theo chiến lược phát triển kinh tế quốc gia, ưu tiên cho các ngành/khu vực trọng tâm, trọng điểm chứ không duy trì phân bổ theo loại hình DN; quyết liệt và nhanh chóng khai thác vốn của Nhà nước đang nằm trong các DNNN và tài sản công đang nằm ở các cơ quan hành chính cung cấp dịch vụ công. Cụ thể, Chính phủ chỉ đạo thoái vốn 100% tại các DNNN đã tiến hành cổ phần hóa để không tiếp tục lãng phí nguồn lực Nhà nước, thay đổi tư duy quản lý để vận hành nền kinh tế theo cơ chế thị trường và phát huy tối đa nguồn lực sau khi chuyển đổi.

° DNNN nắm nhiều nguồn lực nhưng hoạt động chưa hiệu quả phải chăng là do động lực kinh doanh của họ khác DNTN?

° Đúng vậy. Động lực kinh doanh của DNNN và DNTN khác nhau nên vai trò, giá trị với tăng trưởng kinh tế cũng khác nhau nhưng các cơ quan quản lý nhà nước nhận thức chưa chính xác dẫn tới ban hành những quy định hạn chế phạm vi đầu tư, kinh doanh của DNTN hoặc tạo ra những lĩnh vực DNNN độc quyền trong khi hiệu quả kinh doanh không đảm bảo hoặc không vượt trội, thậm chí kìm hãm kinh tế phát triển và cũng không phục vụ cho vai trò điều tiết, quản lý nhà nước của các bộ, ngành liên quan. Bởi lẽ, DNTN phải phát triển vì sự sống còn của chính mình để tạo ra sự tăng trưởng kinh tế còn DNNN thì chỉ bảo toàn được vốn là mục tiêu và ưu tiên tối đa (của cá nhân được giao trách nhiệm) nên không hoặc ít khả năng tạo tăng trưởng kinh tế.

Tôi cho rằng, từ quy định DNTN được phát triển ở tất cả các ngành, lĩnh vực mà pháp luật không cấm thì cần đột phá thêm một bước là DNNN không làm những gì tư nhân có thể làm. Đây là quy định hoàn toàn phù hợp với tinh thần của Luật Cạnh tranh cũng như các yêu cầu minh bạch hoạt động kinh doanh của DNNN, thúc đẩy cạnh tranh, chống độc quyền trong các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết. 

° Nhìn tổng thể thì những rào cản cho môi trường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam hiện nay là gì?

° Doanh nghiệp tư nhân, DN FDI trên thực tế còn vô cùng vất vả với các rào cản trong môi trường đầu tư, kinh doanh, đặc biệt chi phí từ các loại thuế hành chính, chi phí chính thức và không chính thức chiếm tỷ lệ rất lớn trong chi phí kinh doanh của DN. Trong đó chi phí không chính thức theo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2016 chỉ ra là lên tới trên 10% doanh thu của DN. Điều này là cơ sở để tạo ra xin - cho, tham nhũng và hệ quả là DNTN không thể phát triển.

Bên cạnh đó là sự bất định và thay đổi đột ngột trong chính sách và quy định pháp luật cũng như sự kém minh bạch liên quan tới mọi thay đổi đó làm ảnh hưởng rất lớn tới các quyết định đầu tư, kinh doanh của DN và bản thân sự bất định này cũng chính là nội dung quan trọng khiến DN phát sinh nhiều chi phí không chính thức không thể kế hoạch hóa/xác định rõ ràng trong quá trình vận hành doanh nghiệp.

Qua khảo sát chỉ số Niềm tin doanh nhân 2017, có tới 44% tỷ lệ DN trả lời cho biết bị bỏ lỡ các cơ hội kinh doanh do nhóm rào cản nêu trên. Đây là tỷ lệ quá cao và cần phải giảm xuống dưới 25% thì kinh tế sẽ tăng trưởng tốt hơn nhiều và Nhà nước không bị sức ép trong việc cắt giảm thuế… Cụ thể, đó là các rào cản về điều kiện kinh doanh và giấy phép con; các yêu cầu kiểm tra chuyên ngành với hàng hóa xuất nhập khẩu khi tỷ lệ kiểm tra lên tới 35% nhưng tỷ lệ phát hiện vi phạm lại rất thấp (ví dụ Cục Hải quan TPHCM chỉ phát hiện 0,04% lô hàng vi phạm an toàn thực phẩm); các quy định tăng phí đột ngột và không minh bạch về căn cứ thu làm ảnh hưởng nặng nề về niềm tin và hoạt động đầu tư, kinh doanh của DN nhưng lại không rõ ràng, minh bạch trong giải trình, đánh giá tác động và đối thoại công - tư (ví dụ như quyết định thu phí sử dụng hạ tầng cửa khẩu cảng biển Hải Phòng gây phản ứng mạnh mẽ trong toàn bộ cộng đồng DN xuất nhập khẩu và dịch vụ logistics suốt thời gian từ tháng 1 đến nay)…

Bên cạnh đó, thái độ cư xử, mối quan hệ giữa chính quyền và DN cũng là rào cản lớn cho hoạt động của DNTN thể hiện qua: sự tùy nghi trong giao tiếp, xử lý các thủ tục hành chính; lạm dụng hoạt động thanh tra, kiểm tra…

° Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đang nỗ lực để cải thiện môi trường kinh doanh hiện nay với nhiều biện pháp mạnh mẽ. Song nhìn từ góc độ DNTN, theo bà cần phải có thay đổi gì?

° Chúng tôi kiến nghị Thủ tướng tiếp tục chỉ đạo thực thi quyết liệt Nghị quyết 19 (về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia) thông qua việc phát huy vai trò của Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính và chú trọng việc bổ sung thêm vai trò, sự hiện diện thật sự của đại diện DNTN trong hội đồng. Bởi tình trạng hiện nay, thành viên hội đồng còn nhiều tiếng nói mang tính “nói thay”, nói hộ DN nhưng lại chưa hiểu so với bản thân DN nên tiếng nói còn chưa hiệu quả. Cùng với đó là, kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo cơ chế giao ban/đối thoại công - tư định kỳ giữa hội đồng với các đại diện công - tư trong hội đồng để đánh giá tiến độ và kết quả thực thi; đề xuất giải pháp…

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng cho rằng cần tăng cường vai trò khu vực tư nhân trong hoạt động xúc tiến thị trường, quy hoạch ngành, vùng… Đồng thời thiết lập cơ chế thông tin nhanh, phản hồi mạnh mẽ và rõ ràng liên quan tới hiện trạng của các cấp thực thi pháp luật.

° Xin cảm ơn bà! 

Tin cùng chuyên mục