Chuyển đổi xanh đã trở thành yêu cầu pháp lý bắt buộc
PGS-TS Phùng Chí Sỹ, Phó Chủ tịch Hội Nước và Môi trường TPHCM, Thành viên Hội đồng quốc gia EPR, nhấn mạnh, theo Luật Bảo vệ môi trường 2020 và các văn bản hướng dẫn mới nhất, doanh nghiệp sản xuất và nhập khẩu hàng hóa như bao bì, phương tiện giao thông, điện tử, dầu nhớt… sẽ phải tuân thủ trách nhiệm tái chế hoặc đóng góp tài chính cho việc xử lý chất thải – gọi tắt là EPR. Lộ trình đã bắt đầu từ đầu năm 2024 và sẽ mở rộng đến năm 2027, tùy loại sản phẩm.

Không còn như giai đoạn “tự nguyện cho có” trước đây, luật mới quy định rõ ràng về tỷ lệ tái chế bắt buộc, quy cách tái chế, cũng như trách nhiệm kê khai, báo cáo và đóng góp tài chính. Doanh nghiệp không tuân thủ sẽ phải đối mặt với mức phạt lên tới 2 tỷ đồng, bị đình chỉ hoạt động hoặc công khai vi phạm. "Việc thực hiện EPR không còn là "khuyến khích" mà đã trở thành quy định bắt buộc", PGS-TS Phùng Chí Sỹ nói thêm.
Không dừng lại ở EPR, quy định mới còn yêu cầu doanh nghiệp áp dụng kỹ thuật hiện có tốt nhất (BAT) – tức là cải tiến công nghệ để giảm phát thải và sử dụng tài nguyên hiệu quả. Những ngành có nguy cơ gây ô nhiễm cao như dệt nhuộm, giấy, hóa chất, luyện kim… bắt buộc phải triển khai BAT từ năm 2030, theo lộ trình chia theo quy mô sản xuất.
Chuyển đổi xanh tuy bắt buộc, nhưng cũng mở ra cơ hội nếu doanh nghiệp đi trước. PGS Nguyễn Hồng Quân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tuần hoàn phân tích, việc thực hiện EPR và BAT đúng hạn không chỉ giúp doanh nghiệp tránh phạt mà còn là điều kiện để tiếp cận các dòng vốn xanh trong và ngoài nước.
Hiện nay, nhiều tổ chức tài chính quốc tế và các ngân hàng nội địa đã ưu tiên giải ngân cho các dự án chuyển đổi công nghệ sạch, giảm phát thải, tiết kiệm năng lượng. Ngay cả khoản đóng góp vào Quỹ Bảo vệ môi trường quốc gia, nếu được thực hiện minh bạch cũng là cơ sở để doanh nghiệp nhận hỗ trợ tài chính từ Nhà nước.
Cần có chính sách hỗ trợ thực chất hơn
Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng đủ lực. Rào cản lớn nhất hiện nay chính là chi phí. GS Nguyễn Văn Phước, Chủ tịch Liên hiệp hội Khoa học và Kỹ thuật TPHCM nhìn nhận thẳng thắn, nhiều doanh nghiệp đang đứng giữa hai lằn ranh nếu không chuyển đổi thì không tồn tại được, nhưng để chuyển đổi thì thiếu cả tiền lẫn nguồn nhân lực.
Trong khi đó, các doanh nghiệp vừa và nhỏ – vốn chiếm phần lớn trong cơ cấu kinh tế lại càng gặp khó khăn. Ông Phạm Văn Việt, Phó Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan TPHCM, chia sẻ, chuyển đổi xanh là sống còn, nhất là khi thị trường xuất khẩu đòi hỏi tiêu chuẩn môi trường ngày càng gắt. Nhưng chi phí đầu tư công nghệ mới rất cao, nguồn vốn lại tiếp cận khó, nhân lực thì thiếu.
Ông Việt kiến nghị cần có chính sách hỗ trợ thực chất hơn từ nhà nước. Phải có gói tín dụng xanh dễ tiếp cận, ưu đãi thuế cho doanh nghiệp đầu tư công nghệ sạch, và quan trọng nhất là đào tạo nhân lực. Không ai có thể làm chuyển đổi xanh nếu chỉ đi một mình.
Tại cuộc họp, các chuyên gia cũng khuyến nghị, cộng đồng doanh nghiệp cần sớm thực hiện quy định về EPR và BAT. Đây cũng là cơ hội tái cấu trúc sản xuất, tăng năng suất, tiết kiệm chi phí vận hành, và quan trọng hơn là tồn tại bền vững trong chuỗi cung ứng toàn cầu. “Doanh nghiệp nào hành động sớm sẽ chiếm được lợi thế. Còn nếu chờ đến khi bị ép buộc, thì không chỉ tốn kém gấp nhiều lần mà còn có thể bị loại khỏi thị trường,” PGS-TS Phùng Chí Sỹ cảnh báo.