Sau khi Công ty Phát triển và Kinh doanh nhà TPHCM chuyển đổi thành công ty cổ phần, người dân không những không nhận được đất mà còn bị đơn phương hủy hợp đồng.
20 năm chờ nhận nền đất
Năm 1999, Thủ tướng Chính phủ có quyết định giao đất cho Công ty Phát triển và Kinh doanh nhà TPHCM để đầu tư hạ tầng cơ sở tại dự án Khu đô thị An Phú - An Khánh (nay là TP Thủ Đức). Tiếp theo, Kiến trúc sư trưởng TPHCM ký quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết sử dụng đất khu đô thị này. Dự án có pháp lý rõ ràng, chủ đầu tư là doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước, nên người dân tin tưởng ký hợp đồng mua nền đất, đóng tiền đầy đủ. Thế nhưng hơn 20 năm trôi qua, họ vẫn chưa nhận được nền đất.
Cầm tập giấy tờ, biên lai dày cộp trên tay, bà Trương Thanh Tâm (ngụ 17D đường Hồ Hảo Hớn, quận 1, TPHCM) bức xúc: “Tôi đặt mua nền đất số 1125 và đã đóng tiền đầy đủ. Ngày mua tóc hãy còn xanh, nay tóc đã bạc. Mấy chục năm nay gia đình đeo bám thắc mắc thì chủ đầu tư lấy lý do còn vướng đền bù giải tỏa nên chưa giao”.
Tương tự, ông Trần Công Thành (ngụ 214/B14 Nguyễn Trãi, phường Nguyễn Cư Trinh, quận 1, TPHCM) cho biết, ông ký hợp đồng mua nền đất số 780 với Công ty Phát triển và Kinh doanh nhà TPHCM từ năm 1998. Năm 2000, đến thời hạn giao đất, công ty không giao mà lại thu hồi nền đất đã bán với lý do điều chỉnh lại quy hoạch.
“Công ty ký lại hợp đồng, chuyển từ nền số 780 sang nền đất số 624, nhưng đã 23 năm vẫn không giao cho gia đình tôi. Nay đã già mà chưa có mảnh đất cắm dùi”, ông Thành chua chát kể.
Nhiều khách hàng ký hợp đồng với Công ty Phát triển và Kinh doanh nhà TPHCM mua nền đất tại dự án Khu đô thị An Phú - An Khánh giờ đã lớn tuổi. Người dân đã chờ đợi 20 năm để được nhận nền, xây cất nhà ở.
Chẳng hạn như trường hợp ông Hà Văn Cun (ngụ 67/36 Đào Duy Từ, phường 17, quận Phú Nhuận, TPHCM) hơn 21 năm nay cầu cứu khắp nơi nhưng không được giải quyết vì “lỡ” mua nền đất số 1126 ở đường số 3 (nay là đường Vũ Tông Phan).
“Đến ngày 9-6-2004, tôi đã đóng đủ 100% giá trị hợp đồng cho công ty nhưng “tiền trao mà cháo không múc”, mòn mỏi chờ đợi suốt hơn 20 năm nay”, ông Cun bất bình nói.
Việc làm trái quy định
Hồi đáp khiếu nại của khách hàng, Công ty cổ phần Phát triển và Kinh doanh nhà TPHCM nhiều lần đưa ra lý do “nền đất này hiện trạng vẫn còn vướng đền bù chưa giải tỏa, chưa đủ điều kiện bàn giao”. Tuy nhiên, tại công văn số 738/CV ngày 27-10-2017, trả lời đơn khiếu nại của ông Trần Công Thành, Công ty cổ phần Phát triển và Kinh doanh nhà TPHCM lại đưa ra lý do: “…Hiện nay công ty vẫn chưa hoàn tất quyết toán chuyển thể doanh nghiệp, trong đó có việc giải quyết các nền tồn đọng trong giai đoạn công ty Nhà nước vướng chưa bàn giao được cho khách hàng. Trong thời gian chờ kết luận giải quyết của cơ quan có thẩm quyền về các tồn đọng nêu trên, công ty tạm thời chưa xúc tiến giải quyết theo yêu cầu của khách hàng”.
Trước việc trả lời bất nhất, thiếu trách nhiệm của chủ đầu tư, ngày 25-12-2017, Tổng Công ty Địa ốc Sài Gòn (công ty mẹ của Công ty cổ phần Phát triển và Kinh doanh nhà TPHCM) đã có văn bản chấn chỉnh, đề nghị Công ty cổ phần Phát triển và Kinh doanh nhà kế thừa quyền và nghĩa vụ đối với hợp đồng kinh tế giữa Công ty TNHH MTV Phát triển và Kinh doanh nhà với khách hàng, và trực tiếp giải quyết khiếu nại khách hàng theo luật định. Thế nhưng, từ đó đến nay, chủ đầu tư vẫn không thực hiện hợp đồng, không giao nền cho khách hàng!
Thậm chí, sau nhiều lần khách hàng khiếu nại, chủ đầu tư đơn phương chấm dứt hợp đồng. Cụ thể như trường hợp bà Trương Thanh Tâm, chủ đầu tư trắng trợn hủy hợp đồng để không giao nền.
“Sau nhiều lần làm việc, chủ đầu tư đề nghị mua lại nền đất hoặc thẩm định để hoàn trả lại tiền nhưng gia đình không đồng ý. Đột nhiên, ngày 6-4-2021, ông Đinh Trường Chinh, Chủ tịch HĐQT công ty, ký thông báo đơn phương chấm dứt hợp đồng”, bà Tâm bức xúc.
Hơn 20 năm trước, khi người dân ký hợp đồng và đóng tiền mua nền đất, giá đất trung bình 2-3 triệu đồng/m2. Nhưng nay giá đất khu vực An Phú - An Khánh (TP Thủ Đức) đã tăng gấp nhiều lần. Tiền khách hàng đóng đủ, chủ đầu tư đã nhận nhưng tìm mọi cách để trì hoãn giao nền hoặc đơn phương hủy hợp đồng để không giao nền.
Về vấn đề này, Luật sư Lê Đức Thọ (Đoàn Luật sư TPHCM) cho rằng, khi chuyển đổi từ doanh nghiệp Nhà nước, công ty cổ phần thừa kế mọi quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm của doanh nghiệp cổ phần hóa đã bàn giao và các quyền, nghĩa vụ khác theo quy định pháp luật. Vì thế, Công ty cổ phần Phát triển và Kinh doanh nhà TPHCM phải thực hiện các hợp đồng đã ký trước đây, và việc chậm thực hiện hợp đồng, đơn phương chấm dứt hợp đồng là trái quy định pháp luật.