Doanh nghiệp bình ổn thị trường TPHCM : Tất bật lo hàng tết

Như thường lệ, vào tháng 11 hàng năm, các doanh nghiệp (DN) tại TPHCM nói chung, DN tham gia chương trình bình ổn thị trường (BOTT) nói riêng lại tất bật chuẩn bị hàng hóa cung ứng mùa mua sắm cuối năm và Tết Nguyên đán. Dự báo, nguồn hàng năm nay rất dồi dào, phong phú, đa dạng về chủng loại mẫu mã, với giá bán tiếp tục ổn định so với cùng kỳ. 
Công ty V.Food chế biến trứng gia cầm tham gia bình ổn thị trường. Ảnh: CAO THĂNG
Công ty V.Food chế biến trứng gia cầm tham gia bình ổn thị trường. Ảnh: CAO THĂNG

Lượng hàng tăng nhiều so với kế hoạch

Theo ông Lê Huỳnh Minh Tú, Phó Giám đốc Sở Công thương, công tác chuẩn bị hàng hóa tết năm nay diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới và thương mại toàn cầu suy giảm do tác động tiêu cực từ Covid-19. Trong nước, hiện tượng xâm nhập mặn tại một số tỉnh thành ĐBSCL; tác động từ Covid-19 khiến DN và người lao động gặp rất nhiều khó khăn. Nhu cầu mua sắm, du lịch và thương mại giảm mạnh; chuỗi cung ứng và các liên kết sản xuất gián đoạn; việc học tập, sức khỏe của người dân bị ảnh hưởng. Do dịch bệnh, nhiều DN phải cơ cấu lại tổ chức, thay đổi cách thức kinh doanh cho phù hợp.

Tuy nhiên, bám sát các nội dung chỉ đạo của Trung ương về các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, lãnh đạo TPHCM đã chỉ đạo các sở ngành tập trung tháo gỡ khó khăn trong sản xuất - kinh doanh, thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ phát triển DN, nâng cao năng suất lao động, sức cạnh tranh, cơ cấu lại nền kinh tế. Đồng thời, tiếp tục thực hiện cải cách hành chính, ổn định kịp thời thị trường bất động sản, thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, định hướng phát triển các ngành dịch vụ có sức lan tỏa cao. 

10 tháng năm 2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn TPHCM ước đạt 1.058.140 tỷ đồng, giảm 2,1% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu bán lẻ ước đạt 680.602 tỷ đồng, chiếm 64,3% trong tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ, tăng 9,9% so với cùng kỳ. Trong đó, nhóm hàng đồ dùng, dụng cụ trang thiết bị gia đình đạt 127.710 tỷ đồng, chiếm 18,8% trong doanh thu bán lẻ, tăng 9,5%; lương thực, thực phẩm đạt 116.073 tỷ đồng.
(Nguồn: Sở Công thương TPHCM)


Trong 10 tháng qua, diễn biến giá cả các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn tương đối ổn định, không xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá. Riêng đối với chuỗi cung ứng hàng BOTT, do có sự liên kết chặt chẽ giữa nhà phân phối, nhà sản xuất, nông trại, các hợp đồng được lên kế hoạch và ký kết từ trước, cam kết ổn định giá trong thời gian dài nên hoạt động nuôi trồng, thu nhập của người nông dân trong chuỗi về cơ bản không bị ảnh hưởng nhiều. Các DN BOTT như Vissan, Saigon Co.op, Saigon Food, Vifon… đã làm tốt công tác hỗ trợ cung ứng hàng hóa cho các địa phương, nhất là các tỉnh miền Trung, với nguồn hàng dồi dào, giá ổn định để đáp ứng tốt nhất nhu cầu mua sắm, sử dụng trong thời điểm lũ lụt vừa qua.

Về nguồn hàng cung ứng cho nhu cầu mua sắm cuối năm và Tết Tân Sửu 2021, sở đã phối hợp các sở ngành, làm việc với DN, chuẩn bị nguồn hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu. Cụ thể, các DN chuẩn bị sản xuất, dự trữ hàng hóa cho 2 tháng tết là 19.679,7 tỷ đồng, tăng 652,4 tỷ đồng (3,43%) so với nguồn vốn chuẩn bị Tết Canh Tý 2020 (19.027,3 tỷ đồng), trong đó trị giá hàng hóa chuẩn bị nguồn hàng BOTT là 7.132,6 tỷ đồng. Riêng tháng cao điểm phục vụ tết (từ ngày 1 đến 30 tháng Chạp âm lịch), tổng trị giá hàng hóa của các DN chuẩn bị là 10.425,6 tỷ đồng, hàng BOTT là 4.172,4 tỷ đồng.

 Lượng hàng chuẩn bị tăng 4,4% - 17,3% so với kế hoạch thành phố đã giao và tăng 12% - 21,2% so với kết quả thực hiện Tết Canh Tý 2020. Nhiều nhóm hàng chuẩn bị lượng lớn, chi phối 22% - 54,5% nhu cầu thị trường như: thịt gia cầm 7.488,2 tấn (chiếm 54,5%), trứng gia cầm 67,9 triệu quả (47%), thực phẩm chế biến 1.051,8 tấn (28,1%), thịt gia súc 5.594,4 tấn (21%), dầu ăn 1.671,8 tấn (27,5%), gạo 3.943,2 tấn (31,5%)...

Về giá cả hàng hóa phục vụ tết, các DN tham gia chương trình BOTT cam kết giữ ổn định giá, không điều chỉnh tăng giá bán trong 1 tháng trước tết và 1 tháng sau tết; đồng thời thực hiện giảm giá sâu trong 2 ngày cận tết đối với các mặt hàng thiết yếu như thịt heo, thịt gà, trứng gia cầm…

Theo dõi sát sức mua, giá cả 

Ông Phan Văn Dũng, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Vissan, cho biết, công ty đã hoàn thành việc lên kế hoạch chuẩn bị hàng hóa cung ứng cho thị trường tết, trong đó sản lượng thực phẩm chế biến là 5.200 tấn và thực phẩm tươi sống các loại như heo, bò là 2.300 tấn. Tại thời điểm này, giá heo hơi đã giảm nên công ty chủ động được nguyên liệu đầu vào cho sản xuất các mặt hàng chế biến. Tuy vậy, vào dịp cận tết, do nhu cầu tiêu dùng tăng cao nên nhiều khả năng giá heo hơi sẽ khó giữ mức như hiện nay. Vissan cũng đang lập các phương án như tăng cường hợp tác với trang trại để tăng sản lượng heo, đồng thời tăng khả năng tự cung ứng nguồn cung cho giết mổ để chủ động hơn về giá bán. 

Ở nhóm hàng trứng gia cầm,  ông Trương Chí Thiện, Giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt, cho biết, năm nay công tác chuẩn bị hàng hóa tết diễn ra khá thuận lợi. Hiện công ty đã hoàn thành việc liên kết, hợp tác với các đối tác để đầu tư, phát triển tổng đàn, nâng sản lượng trứng gia cầm các loại cung ứng cho thị trường tết tăng khoảng 10% so với cùng kỳ. Ngoài ra, công ty cũng dự trữ nguồn hàng ứng phó với tình trạng nhu cầu thị trường tăng đột biến. Theo dự báo của ông Thiện, giá trứng gia cầm vào dịp tết sẽ tiếp tục ổn định do nguồn cung rất dồi dào, phong phú. 

Bên cạnh các nhóm hàng thiết yếu, theo kế hoạch của Sở Công thương về nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng khác như bia, nước giải khát, dự báo thành phố sẽ tiêu thụ khoảng 48,5 triệu lít/tháng tết (khoảng 6 triệu thùng), tăng khoảng 20% so với tháng thường. Hiện các DN đã và đang tích cực chuẩn bị triển khai kế hoạch cung ứng, giá cả ổn định như Heineken 405.000 đồng/thùng, Tiger 335.000 đồng/thùng, bia 333 Sài Gòn 255.000 đồng/thùng, bia Budweiser 320.000 đồng/thùng (loại 20 lon), Coca Cola 180.000 đồng/thùng.

Đối với các mặt hàng bánh, mứt, kẹo, hạt các loại, các công ty sản xuất bánh kẹo như Kinh Đô, Bibica, Hải Hà, Hải Châu… tiếp tục tập trung cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng và có nhiều mức giá khác nhau để đáp ứng nhu cầu mua sắm đa dạng của người tiêu dùng. Đối với hoa, dự kiến dịp tết, thị trường TP tiêu thụ khoảng 600.000 - 700.000 chậu mai, 250.000 - 300.000 chậu bonsai, 135 triệu cành các loại hoa cúc, hồng, cát tường, ly, cẩm chướng... Trong đó, 4 chợ chuyên doanh hoa lớn là Hồ Thị Kỷ, Đầm Sen và 2 chợ đầu mối Bình Điền, Thủ Đức cung ứng khoảng 80% thị phần hoa cắt cành. 

Điều khiến DN lo lắng nhất trong mùa kinh doanh tết năm nay chính là sức mua. Dù đã có dấu hiệu cải thiện nhưng ở bình diện chung, mãi lực còn rất thấp so với cùng kỳ. Việc hạn chế đến những nơi tiếp xúc, tập trung đông người còn ảnh hưởng tiêu cực đến nhu cầu tham quan, mua sắm, vui chơi, giải trí tại chợ và trung tâm thương mại. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý chuẩn bị hàng hóa tết của DN. 

Song, để chủ động nguồn cung và ổn định giá cả cho thị trường hơn 10 triệu dân, các sở ngành và DN của thành phố đang theo sát diễn biến thị trường, cung cầu hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu, chủ động có phương án hoặc đề xuất bộ ngành có liên quan biện pháp nhằm ổn định thị trường. TPHCM cũng đang lên kế hoạch thực hiện đồng loạt nhiều biện pháp, như kiểm tra chặt chẽ tiến độ tạo nguồn và cung ứng hàng hóa của các DN bình ổn; tăng và kéo giãn thời gian mở cửa bán hàng tại các siêu thị; kiểm tra trực tiếp các điểm bán hàng BOTT, đánh giá việc chấp hành quy định về quy cách bảng hiệu, niêm yết giá; kiểm tra đột xuất các điểm bán hàng lưu động theo danh sách; tăng cường phối hợp giữa các sở ngành chức năng trong việc kiểm tra, kiểm soát thị trường về giá, an toàn vệ sinh thực phẩm. Thành phố cũng tạo điều kiện tốt nhất cho DN bình ổn tổ chức các chương trình khuyến mãi kích cầu tiêu dùng, nhất là nhóm thực phẩm thiết yếu.  

Sở Công thương sẽ tổ chức các chương trình khuyến mãi tập trung, các hội chợ tiêu dùng để hỗ trợ DN tăng cường bán hàng vào thời điểm cuối năm. Tổ chức các đợt bán hàng lưu động trên toàn địa bàn, vừa tạo điều kiện cho người tiêu dùng mua sắm những mặt hàng có chất lượng, giá ổn định, vừa tạo thêm các kênh cho DN mở rộng đầu ra cho hàng Việt.

Hàng hóa lương thực, thực phẩm thiết yếu cung ứng cho người tiêu dùng TPHCM chủ yếu từ 3 nguồn chính: Các DN tham gia chương trình BOTT chiếm 30% - 40% thị phần; các chợ đầu mối (mặt hàng rau củ quả, thủy hải sản, thịt gia súc) chiếm 60% - 70% thị phần; các DN khác chiếm 10% - 20% thị phần.

Thông thường, vào thời điểm cận tết, lượng hàng nhập về 3 chợ đầu mối là Bình Điền, Hóc Môn và Thủ Đức tăng khoảng 80% so với ngày thường (lên đến 15.000 - 16.000 tấn/ngày). Hiện các chợ đầu mối đã xây dựng kế hoạch chuẩn bị tết, đồng thời tăng cường kiểm tra, theo dõi số lượng hàng hóa xuất nhập; tình hình giá cả hàng hóa tại nguồn và về chợ; nắm bắt tình hình kinh doanh, kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng của thương nhân trong chợ. Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát; đảm bảo hoạt động kinh doanh tại chợ thực hiện nghiêm túc quy định về niêm yết giá; hàng hóa kinh doanh có nguồn gốc xuất xứ, đảm bảo an toàn thực phẩm. 

Tin cùng chuyên mục