Hội nghị đào tạo nhân lực cho ngành nông nghiệp ngày 10-7 |
Ngày 11-7, tại Hà Nội, Bộ NN-PTNT và Học viện Nông nghiệp Việt Nam tổ chức hội nghị hợp tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực nông nghiệp, nông thôn.
Nêu thực trạng tỷ lệ học sinh, sinh viên đăng ký các ngành lâm nghiệp, thủy lợi và thủy sản liên tục sụt giảm qua các năm, một số ý kiến cho rằng, nguyên nhân chính là do thu nhập của lao động trong các ngành này khá thấp, chỉ bằng 50% các ngành công nghiệp, xây dựng và dịch vụ.
Bên cạnh đó, một số trường còn chưa quyết liệt trong công tác tuyển sinh, chủ động đổi mới công tác quản trị, nội dung và phương pháp giảng dạy để đáp ứng yêu cầu người học và thị trường lao động. Do đó, cùng với sắp xếp, kiện toàn hệ thống các trường, đổi mới hiệu quả đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên, nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành thì cũng cần khuyến khích sinh viên đăng ký học các ngành nông nghiệp; nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu, thương mại hóa sản phẩm khoa học công nghệ, đồng thời đẩy mạnh truyền thông để nâng cao nhận thức của xã hội về các cơ hội học tập, cơ hội việc làm, cơ hội khởi nghiệp trong nông nghiệp…
Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam Nguyễn Thị Lan phát biểu tại hội nghị |
Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam Nguyễn Thị Lan cho biết, hiện nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao trong ngành nông nghiệp rất lớn. Sự kết hợp giữa các trường đào tạo với doanh nghiệp là mối quan hệ quan trọng. Mô hình tam giác vàng “Chính phủ - Doanh nghiệp - Đại học” sẽ tạo nên sự phát triển bền vững và thúc đẩy quốc gia phát triển với nguồn nhân lực chất lượng cao.
“Để tạo động lực cho các doanh nghiệp và cơ sở đào tạo tìm đến nhau thì cần hoàn thiện cơ chế, chính sách để tạo được sự động viên, hỗ trợ doanh nghiệp nếu họ tham gia vào quá trình đào tạo", bà Lan chia sẻ.
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan phát biểu |
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực vừa là tiền đề quan trọng để nâng cao trình độ sản xuất, năng suất lao động, năng lực cạnh tranh và bảo đảm phát triển bền vững, vừa là xu hướng tất yếu và mang lại giá trị lâu dài cho các trường, cơ sở đào tạo và doanh nghiệp nông nghiệp.
Bộ trưởng cho rằng, không chỉ bó hẹp trong hợp tác giữa doanh nghiệp và trường đại học, cơ sở đào tạo mà còn phải kiến tạo nguồn lực mới. Ngoài nguồn lực đầu tư từ ngân sách cho nghiên cứu khoa học hay cho giáo dục và đào tạo, cần xã hội hóa nguồn lực đó với sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp. Doanh nghiệp cần không gian để chứng minh trách nhiệm xã hội, doanh nghiệp đến các trường để kích hoạt tư duy, bổ sung vào những giáo trình bài giảng những nội dung phù hợp xu thế thị trường.
“Chúng ta chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp mà tư duy kinh tế là tư duy thị trường, kinh tế thị trường hiện nay gắn liền với doanh nghiệp”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói, đồng thời khẳng định, chúng ta đưa “luồng gió mới” của thị trường, của tư duy kinh tế vào nhà trường, mở ra phương thức đào tạo mới với một nửa thời gian học trên ghế nhà trường và thời gian còn lại học thực tế ở doanh nghiệp.
Như vậy các trường sẽ gắn liền với các hoạt động nghiên cứu, hoạt động kinh tế của các doanh nghiệp, và doanh nghiệp cũng không phải đầu tư những cái mà các trường đã có như: phòng thí nghiệm, nghiên cứu khoa học... Hai bên lúc đó sẽ “cộng sinh” để không lãng phí nguồn lực đầu tư của doanh nghiệp, Nhà nước.
Ngay tại sự kiện, 60 doanh nghiệp và 18 trường đại học, cao đẳng đã ký thỏa thuận hợp tác về đào tạo nguồn nhân lực, nghiên cứu khoa học trong nông nghiệp.