Thực phẩm tốt cho sức khỏe - xu hướng mới
Theo bà Nguyễn Cao Ngọc Dung, Quản lý cấp cao NielsenIQ Việt Nam, đại dịch Covid-19 đã khiến người tiêu dùng ngày càng có ý thức hơn về những yếu tố tác động đến cuộc sống, đặc biệt là vấn đề liên quan đến sức khỏe. Điều này dẫn tới xu hướng tiêu dùng các sản phẩm giúp ích cho sức khỏe. Đáng chú ý, các quy định về nhãn sản phẩm, lượng đường, calo...; các vấn đề về béo phì, dân số già... là những yếu tố tác động đến bức tranh toàn cầu về sức khỏe con người, đang ngày càng được nhiều người quan tâm.
Bà Nguyễn Cao Ngọc Dung nhận định, Việt Nam đang từng bước thay đổi và hướng đến thói quen sống xanh, sạch và lành mạnh hơn. Điển hình, ngành tiêu dùng nhanh (FMCG) đã và đang đẩy mạnh sử dụng nhựa tái chế, nguyên liệu bao bì tái chế... Người tiêu dùng Việt Nam ngày càng ưa chuộng hàng nội địa và ngày càng nhiều doanh nghiệp hàng Việt Nam cho phép người tiêu dùng truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Trong chia sẻ mới đây liên quan đến xu hướng thực phẩm tốt cho sức khỏe, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao Vũ Kim Hạnh cho biết, sau đại dịch Covid-19, quyết định mua hàng của người tiêu dùng có nhiều thay đổi. Họ quan tâm thực phẩm tốt cho sức khỏe hơn, đa dạng cho chế độ ăn uống, thân thiện với môi trường. Trong đó, các thực phẩm đạm thay thế có nguồn gốc từ tự nhiên đang là xu hướng dẫn dắt. Tuy nhiên, do xu hướng này còn mới mẻ nên nhiều nước tiên phong vẫn đang marketing mạnh kêu gọi đầu tư về vốn, công nghệ… Từ thực tế đó, bà Vũ Kim Hạnh cho rằng, các doanh nghiệp, nhà sản xuất cần chú ý xu hướng mới, nhu cầu mới của khách hàng để có hướng đi, tạo ra những sản phẩm mới phù hợp.
Tăng cường yếu tố xanh và sạch
Ở góc độ tiếp cận cao hơn, ông Huỳnh Minh Nhựt, Giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TPHCM, cho rằng, yếu tố xanh và sạch trong xu hướng tiêu dùng hiện nay còn đòi hỏi doanh nghiệp phải thực hành tốt công tác bảo vệ môi trường. Theo đó, chất thải phát sinh trong quá trình sản xuất phải được thu gom, phân loại, tái chế, tái sử dụng theo hướng ưu tiên cho tuần hoàn khép kín, giảm thiểu tối đa lượng chất thải. Thời gian qua đã có rất nhiều doanh nghiệp liên hệ với đơn vị để được hỗ trợ thực hành sản xuất xanh, tăng khả năng thu gom kết hợp tái chế chất thải. Điều này cho thấy nhiều doanh nghiệp đã có sự chuyển biến tích cực về nhận thức cần thiết phải bảo vệ môi trường trong quá trình sản xuất.
Thực tế tại Việt Nam nhiều doanh nghiệp đã bắt nhịp với xu hướng này từ trước thời điểm dịch bùng phát. Cụ thể, các doanh nghiệp đã tận dụng lợi thế của đất nước nông nghiệp với những tiềm năng về nuôi trồng heo, gà và cây cối tự nhiên để sản xuất ra những sản phẩm có nguồn gốc gần gũi thiên nhiên, tốt cho sức khỏe. Đơn cử như Công ty Vissan đã có phòng nghiên cứu phát triển sản phẩm và luôn quan tâm đến nguồn gốc mang tính tự nhiên từ các vùng nguyên liệu trong nước.
Tổng Giám đốc Vissan Nguyễn Ngọc An cho biết, doanh nghiệp quan tâm tạo ra các dòng sản phẩm mới như há cảo thanh long, thịt heo thảo mộc. Các sản phẩm này thơm ngon, nhiều dinh dưỡng được đưa ra thị trường trong thời gian qua đã giúp cho người dùng có thể cải thiện sức khỏe. Đồng thời, đáp ứng tốt nhu cầu thay đổi của người tiêu dùng khi muốn sử dụng sản phẩm đến từ thiên nhiên, sạch, tốt cho sức khỏe.
Ngoài Vissan, còn có những thương hiệu như Ba Huân, San Hà, Kinh Đô, Unilever, Pepsico… cũng đã và đang nỗ lực triển khai nhiều dự án sản xuất xanh, tạo ra sản phẩm sạch, hữu cơ. Có thể thấy sau đại dịch Covid-19, dù xu hướng tiêu dùng đã thay đổi nhanh song các doanh nghiệp Việt đã có sự thích ứng mạnh mẽ và tạo được sức cạnh tranh tốt hơn cho sản phẩm, qua đó tạo tiền đề để hàng Việt khẳng định vị thế vững vàng hơn trên thị trường.