Theo Hội Lương thực thực phẩm TPHCM (FFA), do ảnh hưởng của dịch Covid-19, kinh tế khó khăn nên mức tiêu thụ các sản phẩm thiết yếu dịp Tết năm nay dự đoán có thể giảm 15-20% so với năm ngoái. Tuy vậy một số doanh nghiệp lớn trong ngành bánh kẹo, thực phẩm của TPHCM đã sản xuất gối đầu cho 1 tháng trước Tết và 1 tháng sau Tết để đảm bảo phục vụ tốt nhất cho người tiêu dùng.
Công ty CP Bánh kẹo Bibica đã lên kế hoạch đưa ra thị trường Tết 2022 gần 80 chủng loại bánh kẹp, từ bình dân đến cao cấp để cạnh tranh với hàng nhập khẩu. Không dừng lại đó, để kịp tung hàng phục vụ Tết, Bibica đang tuyển thêm lao động thời vụ nhằm đáp ứng yêu cầu tăng công suất sản xuất và phân phối trên thị trường. Dự kiến theo kế hoạch năm nay, Bibica sẽ đưa ra thị trường lượng sản phẩm khoảng 3.000 tấn, tương đương sản lượng năm 2021, nhằm phục vụ đa dạng nhu cầu của người dân trong dịp Tết Nguyên đán 2022.
Tương tự, các doanh nghiệp thực phẩm lớn như Vissan, C.P, Ba Huân… cũng đang tăng tốc để phục vụ mùa hàng cuối năm. Cụ thể Công ty CP Chăn nuôi C.P Việt Nam dự kiến sản lượng chăn nuôi heo giữ mức tăng trưởng từ 5-7% so với năm trước. Công ty Vissan dự kiến sản lượng thịt heo và chế biến tăng 8%. Ngoài ra, Vissan chủ động dự trữ nguồn cung lên 30% để đảm bảo tăng nguồn cung trong trường hợp nhu cầu tiêu dùng tăng mạnh, cao điểm những tháng cuối năm và dịp Tết Nguyên đán.
Cũng theo các doanh nghiệp, thông thường càng về cuối năm, nhu cầu thị trường sẽ tăng trưởng nóng. Do vậy ngay từ bây giờ, hệ thống đại lý, đối tác của doanh nghiệp sản xuất đã đặt hàng sớm để lên kế hoạch cung ứng ra thị trường. Do vậy, ngoài việc tập trung sản xuất, chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết Nhâm Dần 2022, các doanh nghiệp ngành bánh kẹo, thực phẩm cũng sẽ đánh giá lượng hàng dự trữ, dự báo sức mua, xu hướng giá cả một số mặt hàng thiết yếu vào dịp Tết tại cơ sở kinh doanh. Từ đó, xây dựng phương án mạng lưới phân phối, dự kiến mở điểm phân phối phù hợp, phương án đưa hàng đến các điểm bán khi có biến động về giá, đảm bảo công tác bình ổn giá, niêm yết giá…
Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TPHCM cho hay, hội đã trực tiếp trao đổi và khuyến nghị các doanh nghiệp chủ động xây dựng kế hoạch, thu mua chuẩn bị nguồn hàng, dự trữ nguyên liệu sản xuất đảm bảo đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân trong thời gian tới, kể cả tình huống nhu cầu tăng cao. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp chủ động bám sát chủ trương bình ổn giá mà TPHCM đã ban hành để giữ ổn định mức giá cung ứng trên thị trường. Trường hợp bắt buộc phải tăng giá hàng hóa, cũng sẽ được các doanh nghiệp xem xét thận trọng, có lộ trình dài hơi, tránh gây ảnh hưởng đến cuộc sống người dân. Theo chia sẻ từ Sở Công thương TPHCM, các mặt hàng thực phẩm thiết yếu như gạo, thịt heo, thịt gà, trứng gia cầm, thủy hải sản, rau củ quả, mì gói, muối ăn, đường, bột ngọt, bánh kẹo… đều nằm trong nhóm hàng bình ổn cuối năm.
Nhiều doanh nghiệp cho biết thêm, nhu cầu tiêu dùng trên thị trường sẽ tác động đáng kể đến giá bán hàng hóa. Trong bối cảnh kinh tế gặp nhiều khó khăn của năm nay, doanh nghiệp tăng giá sẽ rất khó bán hàng, rủi ro nên doanh nghiệp tổ chức khuyến mãi để “làm nóng” sức mua của thị trường và tập trung vào các mặt hàng ở phân khúc bình dân.
Ở góc độ khác, Bà Lý Kim Chi cho rằng, dịch bệnh được kiểm soát chủ động hơn, hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp đã trở lại ổn định. Tuy nhiên, doanh nghiệp sản xuất vẫn chưa qua khỏi giai đoạn khó khăn sau thời gian dịch bệnh kéo dài nên rất cần hỗ trợ nguồn tài chính. Hội đang tiếp tục kiến nghị UBND TPHCM và Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM hỗ trợ, kết nối để doanh nghiệp sản xuất, phân phối hàng thiết yếu phục vụ Tết tiếp cận các tổ chức tín dụng trên địa bàn với vốn vay lãi suất ưu đãi, đặc biệt là vốn vay lưu động. Có như vậy, doanh nghiệp mới có có đủ nội lực để tăng tỷ lệ dự trữ hàng hóa, nguyên liệu sản xuất, đảm bảo duy trì nguồn cung và mức giá bình ổn thị trường dịp trước, trong và sau tết Nguyên đán.