Bùng nổ mua sắm qua TMĐT
Theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương), thị trường TMĐT nước ta đang có những bước phát triển nhảy vọt đáng kinh ngạc. Cụ thể, quy mô thị trường dự báo sẽ đạt được 16,4 tỷ USD năm 2022. Về doanh thu, đến năm 2025 con số này được dự đoán là có thể lên đến 39 tỷ USD, tăng gấp 3 lần so với năm 2021.
Những con số trên cho thấy tốc độ tăng trưởng “thần tốc” của thị trường TMĐT Việt, nhất là từ khi xảy ra đại dịch Covid-19, TMĐT càng bùng nổ mạnh mẽ hơn.
Một điều đáng chú ý khác, theo nghiên cứu của Hootsuite cho thấy, hiện nay 96,9% người dân sử dụng điện thoại thông minh. Trong đó, 68,5% mục đích sử dụng điện thoại thông minh là dành cho các ứng dụng mua sắm trực tuyến.
Thống kê khác của Global Analysis mang tên Trends and Prediction (giai đoạn 2020-2025) cho biết, 49% người tiêu dùng sử dụng điện thoại thông minh cho việc mua sắm của mình. Và những người từ độ tuổi từ 18-24 đã dành 66% thời gian của họ để sử dụng các ứng dụng trên điện thoại thông minh.
Có thể thấy, lượng người sử dụng điện thoại di động lớn, quy mô thị trường TMĐT tăng trưởng rất nhanh và nhiều doanh nghiệp bán lẻ đã nhanh chóng ra mắt giải pháp tối ưu hóa người dùng bằng Shopping app.
Bán lẻ nhập cuộc
Trước xu hướng mua sắm của người tiêu dùng, không chỉ các sàn TMĐT như Shopee, Lazada, Tiki, TikTok… phát triển app mua sắm mà các “ông lớn” bán lẻ như Saigon Co.op, Lotte Mart, Wincommer… cũng không nằm ngoài cuộc chơi.
Đơn cử là Saigon Co.op. Trong chiến lược phát triển đa kênh, trở thành nhà bán lẻ hàng đầu khu vực, giữa năm 2020, Saigon Co.op đã hoàn thiện hệ sinh thái bán lẻ của mình bằng việc tung ra app Saigon Co.op. Không chỉ là kênh bán hàng, app Saigon Co.op còn là nơi để nhà bán lẻ, nhà cung cấp chăm sóc khách hàng tốt hơn, trong khi người mua sẽ có cơ hội săn khuyến mãi.
Theo chia sẻ của ban lãnh đạo Saigon Co.op, bán hàng trên nền tảng TMĐT không quá mới mẻ, nhưng các giao dịch trên sàn TMĐT thời gian qua đã phát sinh ra nhiều vấn đề về chất lượng hàng hóa, dịch vụ hậu mãi. Và app mới của Saigon Co.op sẽ giải quyết được những lo lắng này vì hàng được đưa lên bán cũng chính là những món hàng đang được kinh doanh tại hệ thống siêu thị hiện hữu, nơi đã xây dựng được chuẩn mực chất lượng hàng hóa, dịch vụ, các chương trình hậu mãi tốt nhất cho người tiêu dùng. Vì thế, điểm khác biệt của app Saigon Co.op chính là người mua hàng hoàn toàn yên tâm về chất lượng. Đưa hàng lên app sẽ tiện hơn cho người mua lẫn người bán.
“Không những vậy, giá niêm yết trên nền tảng này sẽ được đảm bảo thấp hơn hoặc bằng giá bán tại các siêu thị của hệ thống Saigon Co.op. Đặc biệt, Saigon Co.op cũng thiết kế các hình thức khuyến mãi online như tặng e-voucher, điểm tích lũy để giúp người tiêu dùng trải nghiệm mua hàng online, thanh toán không tiền mặt”, đại diện Saigon Co.op cho biết.
Vào thời điểm mới ra mắt, app Saigon Co.op có khoảng 1.000 mặt hàng nhưng tới nay đã bổ sung đa dạng hơn nhằm đáp ứng nhu cầu đặt hàng online giao hàng tận nhà của người tiêu dùng.
Chị Nguyễn Thùy Trang (ngụ quận Gò Vấp, TPHCM) chia sẻ, do đặc thù công việc phải đi sớm, về muộn nên chị thường chọn mua sắm qua online để tiết kiệm thời gian. “Trước đây, tôi thường hay mua trực tiếp ở các siêu thị Co.opmart nhưng từ khi siêu thị này có app online tôi đã chuyển qua mua trên ứng dụng để tiết kiệm thời gian”, chị Trang nói. Theo chị Trang, ngành hàng trên ứng dụng này cũng khá đa dạng, từ thực phẩm tươi sống, thực phẩm công nghệ, hóa phẩm, may mặc cho tới đồ dùng nhà bếp.
Có thể thấy, việc phát triển bán hàng qua app hiện nay không chỉ là cách thức các nhà bán lẻ hoàn thành hệ sinh thái bán hàng của mình mà đây cũng là cách tăng cường chăm sóc khách hàng trong thời đại 4.0. Và điều đáng mừng là những app mua sắm này đều đón nhận sự ủng hộ tích cực của người tiêu dùng. Cụ thể, ghi nhận của Saigon Co.op cho thấy, doanh số bán qua kênh online, bao gồm app Saigon Co.op trong năm 2021 đã tăng gấp 5 lần so với thời điểm chưa có dịch.