Chiều 17-4, Đoàn trợ lý Nghị sĩ Hoa Kỳ do bà Terra Lynn Sabag, Phó Chánh văn phòng Hạ Nghị sĩ Hoa Kỳ Rick Larsen làm trưởng đoàn đã đến thăm địa điểm Dự án "Xử lý môi trường ô nhiễm dioxin tại sân bay Đà Nẵng".
Thiếu tướng Bùi Anh Chung, Phó tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân (PK-KQ), đại diện Ban chỉ đạo quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc dioxin sau chiến tranh tiếp và làm việc với đoàn.
Tại buổi gặp mặt, Thiếu tướng Bùi Anh Chung giới thiệu một số kết quả chính của dự án “Xử lý môi trường ô nhiễm dioxin tại sân bay Đà Nẵng” qua hai giai đoạn.
Theo đó, ngày 17-6-2011, hoạt động rà phá bom mìn, vật liệu nổ - hoạt động đầu tiên của dự án, chính thức được triển khai. Đến tháng 12-2015 kết thúc giai đoạn 1, đã xử lý thành công 45 ngàn m3 đất, bùn nhiễm dioxin nồng độ cao trên 1000 ppt về mức 100 ppt đạt mục tiêu đề ra.
Từ tháng 1-2016 bắt đầu giai đoạn 2, dự án đã đào xúc, vận chuyển đất nhiễm dioxin tới Mố IPTD và tiến hành xử lý mẻ 2, xử lý triệt để 90 ngàn m3 đất, bùn nhiễm dioxin nồng độ cao trên 100 ppt, chôn lấp cô lập khoảng 50 ngàn m3 đất bùn nhiễm dioxin dưới 1000 ppt vào khu vực an toàn và kết thúc vào tháng 11-2018.
Việc hoàn thành Dự án hợp tác Việt Nam - Hoa Kỳ xử lý ô nhiễm dioxin tại sân bay Đà Nẵng đã đánh dấu mốc quan trọng trong nỗ lực khắc phục hậu quả chiến tranh của Việt Nam
“Dự án đạt được kết quả hôm nay, trước hết là nhờ sự hợp tác chặt chẽ giữa Quốc hội cũng như Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Hoa Kỳ. Đồng thời, có sự quan tâm chỉ đạo của các bộ, ngành của Việt Nam và sự hợp tác chặt chẽ của Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ tại Việt Nam. Thay mặt cho chủ dự án, tôi xin trân trọng cảm ơn Quốc hội, Chính phủ Hoa Kỳ, cảm ơn đoàn đã đến thăm quan kết quả của dự án. Rất mong sự tiếp tục quan tâm của đoàn để góp phần thúc đẩy hợp tác Việt Nam và Hoa Kỳ ngày càng sâu sắc và hiệu quả”, Thiếu tướng Bùi Anh Chung cho biết.
Việc hoàn thành Dự án hợp tác Việt Nam - Hoa Kỳ xử lý ô nhiễm dioxin tại sân bay Đà Nẵng đã đánh dấu mốc quan trọng trong nỗ lực khắc phục hậu quả chiến tranh của Việt Nam.
Kết quả dự án đã chứng minh tính hiệu quả và ý nghĩa trên nhiều lĩnh vực: Môi trường, kinh tế - xã hội, sức khỏe cộng đồng, đối ngoại...
Dự án cũng đã đem lại những bài học kinh nghiệm quý báu trong công tác quản lý, giám sát, vận hành và ứng dụng công nghệ trong hoạt động khắc phục hậu quả chất độc hóa học/dioxin.