Tiếp tục chương trình làm việc nhằm thực hiện Chương trình công tác năm 2019 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, ngày 4-12, Đoàn Công tác Ban Chỉ đạo Trung ương do đồng chí Trần Thanh Mẫn, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Ủy viên Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng làm trưởng đoàn đã có cuộc làm việc với Ban Bí thư Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh.
Theo cáo cáo của đoàn công tác về kết quả kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống tham nhũng tại Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trong năm 2019, các chương trình, dự án xây dựng do Trung ương Đoàn làm chủ đầu tư đều được thực hiện theo đúng quy định, không xảy ra tham nhũng. 100% cán bộ, công chức, viên chức thuộc diện phải kê khai tài sản thu nhập đã kê khai và công khai bản kê khai tài sản, thu nhập đều không có hiện tượng tham ô, tham nhũng. Công tác cán bộ nhất là quy hoạch, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại cán bộ lãnh đạo quản lý luôn được Ban Bí thư Trung ương Đoàn quan tâm, chỉ đạo các ban, đơn vị liên quan thực hiện nghiêm túc, đồng thời lấy ý kiến của các đơn vị có liên quan về nhân sự được quy hoạch, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại. Năm 2019, Trung ương Đoàn đã tiến hành luân chuyển, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại các vị trí theo đúng quy định đối với 73 đồng chí.
Bí thư Thứ nhất Trung ương Đoàn Lê Quốc Phong thẳng thắn thừa nhận, một số cán bộ đoàn viên thanh niên thiếu tinh thần đấu tranh phê bình và tự phê bình. Do đó, thời gian tới cần khắc phục những hạn chế đó để giới trẻ mạnh dạn trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Trong đó, chú trọng công tác tuyên truyền cần đặc biệt coi trọng để khơi dậy tinh thần đấu tranh trong thanh niên, coi đây là quá trình rèn luyện nhân cách để khi trưởng thành, mỗi đoàn viên thanh niên sẽ không vướng vào tham nhũng và củng cố niềm tin của thanh niên vào sự lãnh đạo của Đảng.
Kết luận buổi làm việc, đồng chí Trần Thanh Mẫn, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Ủy viên Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng cho rằng, Ban Bí thư Trung ương Đoàn luôn phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu trong việc thực hiện “cần, kiệm, liêm, chính” và đưa nội dung phòng, chống tham nhũng vào kế hoạch, chương trình công tác năm của các ban, đơn vị trực thuộc, nhất là các đơn vị được phân cấp quản lý và sử dụng ngân sách nhà nước theo hướng minh bạch, công khai, dân chủ. Tuy nhiên, trong thời gian tới, Ban Bí thư Trung ương Đoàn cần thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế, bất cập trong công tác phòng, chống tham nhũng, phát hiện những hiện tượng tham nhũng, xác định rõ đâu là nguyên nhân chủ quan, khách quan và đưa ra giải pháp thực hiện cụ thể để huy động đông đảo lực lượng thanh niên tham gia. Đoàn Thanh niên phải là lực lượng xung kích đối với công tác phòng, chống tham nhũng. Từ đó nêu cao tinh thần phòng ngừa tham nhũng trong tổ chức và trong quần chúng nhân dân, nêu cao tinh thần phát hiện những hiện tượng tham nhũng.
Trung ương Đoàn cần phải quan tâm đến công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, lý tưởng, hoài bão, ý thức chấp hành pháp luật cho thế hệ trẻ để mỗi thế hệ luôn tin tưởng vào đường lối chủ trương của Đảng, chính sách Pháp luật của Nhà nước và đưa đất nước ngày càng phát triển. Bên cạnh đó, làm tốt hơn nữa công tác phòng ngừa, kiểm tra, giám sát, thanh tra và tự kiểm tra, giám sát; nhất là các lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng như chi tiêu ngân sách, đấu thầu, chỉ định thầu các dự án, công trình. Hướng tới Đại hội Đảng lần thứ XIII, mỗi cán bộ Đoàn phải là những người có uy tín, năng lực, trách nhiệm để xứng đáng được giới thiệu vào cấp ủy. Chỉ khi tổ chức Đoàn trong sạch, vững mạnh thì mới vận động được đoàn viên, đội viên.