
Dưới cái nắng gay gắt của tháng 4, dù đa số thành viên trong đoàn tuổi đã cao nhưng khuôn mặt vẫn ánh lên niềm vui khi được đến thăm chiến khu rừng Sác, Cần Giờ, TPHCM.
Ông David DeVoss, 77 tuổi, cựu phóng viên chiến trường của tạp chí Time (Mỹ) đến Việt Nam lần đầu vào năm 1972 và sau đó đã có 25 lần đến Việt Nam với tư cách phóng viên, biên tập viên các cơ quan thông tấn của Mỹ như tạp chí Asia Inc, trang tin East-West. Được hỏi về cảm nhận về rừng Sác, ông cho biết rất thích phong cảnh thiên nhiên nơi đây và giờ càng ấn tượng hơn với những gì diễn ra tại đây. Ông David DeVoss đánh giá cao Việt Nam phát triển ngày càng hiện đại, muốn có thêm thời gian dạo quanh TPHCM để tiếp tục cảm nhận thêm nhiều điều mới lạ của nơi này.

Cũng cảm nhận về rừng Sác, Cần Giờ, ông Richard Palfreyman, biên tập viên Cơ quan truyền thông POI (Press Operations International, Australia) xem đây là một nơi tuyệt đẹp, không chỉ xét về rừng ngập mặn và động vật hoang dã mà còn góp phần quan trọng trong tiến trình giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Ông Palfreyman có mặt trong thời điểm giải phóng Sài Gòn với tư cách là phóng viên đài truyền hình ABC, Australia. Khoảng 4 tháng cuối cùng trước khi chiến tranh kết thúc, mỗi ngày, ê kíp của ông cập nhật thông tin về cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975. Bản thân ông, cũng như hầu hết các phóng viên chiến trường lúc đó, đều muốn mau chóng kết thúc cuộc chiến. Ông nói với niềm xúc động: “Vì vậy, tất cả chúng tôi đều cảm thấy nhẹ nhõm khi Việt Nam một lần nữa trở thành một quốc gia có lịch sử lâu dài về chia cắt đã thống nhất”. Giờ đây, trở lại TPHCM, ông cảm thấy rất vui vì nơi đây đã có sự thay đổi lớn, trở thành một trong những thành phố hiện đại và đẹp trên thế giới.

Cùng cảm nhận với nhà báo Australia Richard Palfreyman, ông Mohammed Rasoodeen, Tổng biên tập tờ Colombo Times, Sri Lanka cho biết, đây là lần đầu tiên ông đến Việt Nam, đất nước xinh đẹp và người dân rất tốt bụng, có thể gọi một cách ngắn gọn là “đất nước của những con người luôn mỉm cười”. Mọi người đều hiếu khách, rất tốt bụng, tử tế và hay giúp đỡ người khác. Ông nói: “Tôi cảm thấy rất thoải mái ở Việt Nam. Mặc dù đây là lần đầu tiên tôi đến thăm, nhưng giờ tôi không còn là người lạ nữa, tôi đã là bạn của Việt Nam rồi”. Trong không khí chuẩn bị lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, có thể nhận thấy niềm hạnh phúc trên khuôn mặt họ, từ những người lưu thông trên đường phố đến các trường học, từ nhiều tầng lớp khác nhau, tận hưởng lễ kỷ niệm ngày thống nhất.

Một khuôn mặt quen thuộc trong đoàn là ông Nick Út, cựu phóng viên chiến trường hãng tin AP, hiện là nhiếp ảnh gia của hãng Getty Images. Ông chia sẻ: “Khi tôi từ tòa nhà Landmark nhìn xuống, tôi không nghĩ đó là TPHCM. Tôi nghĩ đó là một quốc gia khác. Đó là lý do tại sao tôi chụp ảnh về TPHCM đưa nhiều lên Facebook”. Nhiều người hỏi ông chụp ảnh ở đâu, Singapore hay Hồng Kông? Và rất bất ngờ khi biết đó là TPHCM. Thông qua các bức ảnh này, ông muốn cho mọi người biết TPHCM phát triển như thế nào, đồng thời tin rằng TPHCM sẽ tiếp tục phát triển hơn nữa trong tương lai.

