Sáng 28-8, nhóm kiến trúc sư của TP Barcelona (Tây Ban Nha) và Đại học RMIT Việt Nam đã có chuyến tham quan, tìm hiểu về quy trình tiếp nhận, xử lý rác tại Khu Liên hợp xử lý chất thải Đa Phước…
Đoàn tham quan có 7 thành viên là những kỹ sư xây dựng, kỹ sư công nghiệp và kiến trúc sư đến từ TP Barcelona (Tây Ban Nha) cùng 2 thành viên đến từ Đại học RMIT Việt Nam.
Thay mặt lãnh đạo, ông Kevin Moore, Giám đốc Điều hành của Công ty TNHH Xử lý chất thải Việt Nam (VWS), chủ đầu tư Khu Liên hợp xử lý chất thải Đa Phước đã chia sẻ về quá trình đầu tư, vận hành của dự án. Đồng thời, ông Kevin Moore cũng thẳng thắn trả lời những câu hỏi của các thành viên khi đến tham quan, tìm hiểu.
Ông Kevin Moore, Giám đốc Điều hành của VWS trao đổi với các kỹ sư, kiến trúc sư đến từ Barcelona
Các thành viên đều rất quan tâm và đặt câu hỏi về chất lượng nguồn rác thải của TPHCM, rác đã được phân loại chưa trước khi đưa vào bãi chôn lấp, số lượng rác tiếp nhận mỗi ngày, thời gian tiếp nhận và đóng cửa nhận rác như thế nào… Đặc biệt, câu hỏi được các thành viên đến từ Barcelona đặt ra là trong rác thải đưa về Đa Phước liệu có tồn tại chất thải nguy hại và pin cũ hay không?
Ông Kevin Moore cũng đã thẳng thắn chia sẻ thông tin cho các thành viên. Đầu tiên, ông cho biết với khối lượng rác đang tiếp nhận trên 5.000 tấn rác/ngày như hiện nay thì có thể sẽ đóng bãi sớm hơn so với thời gian dự kiến. Tuy nhiên, sau khi đóng bãi rác, chúng tôi vẫn tiếp tục làm việc vì phải vận hành hệ thống xử lý nước rỉ rác, thu hồi khí Metan, an toàn PCCC… cho bãi. Bên cạnh đó, Khu Liên hợp xử lý chất thải Đa Phước vẫn tiếp tục mở cửa đón chào các em học sinh, sinh viên trong nước và quốc tế đến tham quan, tìm hiểu và nghiên cứu khoa học môi trường.
Các thành viên tham quan khu xử lý nước rỉ rác với công nghệ thẩm thấu bằng màng lọc Nano
Kết thúc buổi tham quan, trao đổi, giao lưu, cô Manuela Spiga (Quản lý Cấp cao vùng của Trường ĐH RMIT Việt Nam) nói: “Thật tuyệt vời. Rất thú vị và cởi mở. Chúng tôi thấu hiểu được sự khó khăn của nhà đầu tư và những nỗ lực của các con người làm việc tại đây. Tôi khá bất ngờ khi ở ngay trung tâm TPHCM có một khu xử lý chất thải lớn như vậy…”.