PHÓNG VIÊN: Thưa đồng chí, hiện nay, MTTQ đã phát huy truyền thống lịch sử 90 năm ra sao?
* Đồng chí TRẦN THANH MẪN: Công tác mặt trận đã hướng mạnh về cơ sở. Ban công tác mặt trận ở khu dân cư là hạt nhân nòng cốt vận động nhân dân và là cầu nối liên kết hiệu quả trong hệ thống chính trị ở cơ sở. Các chương trình hoạt động, phối hợp giữa các tổ chức thành viên, giữa MTTQ Việt Nam với cơ quan chính quyền ngày càng thiết thực, hiệu quả. Các cuộc vận động, phong trào thi đua như “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” được triển khai có trọng tâm, trọng điểm, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần lao động sáng tạo của nhân dân và sự chung sức của cả cộng đồng tham gia phát triển kinh tế; giải quyết các vấn đề xã hội, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, giảm nghèo bền vững.
Bên cạnh đó, MTTQ các cấp đã tích cực vận động nhân dân phát huy dân chủ ở cơ sở, góp ý xây dựng Đảng, chính quyền; tham gia phòng chống tham nhũng, lãng phí; hiệp thương, lựa chọn các ứng viên ứng cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp; lắng nghe kiến nghị, nguyện vọng của nhân dân để phản ánh với Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế, văn hóa, chăm lo đời sống nhân dân, công tác dân tộc, tôn giáo, đối ngoại và kiều bào. Có thể khẳng định, các kết quả mặt trận đạt được có ý nghĩa to lớn và quan trọng, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc.
* Theo đồng chí, để thực hiện tốt chức năng và nhiệm vụ của mình, trong giai đoạn tới, mặt trận cần chú trọng đến những vấn đề gì?
* Thứ nhất, hoạt động của mặt trận phải luôn bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là chủ trương, đường lối về đại đoàn kết toàn dân tộc để thực hiện tốt chức năng và nhiệm vụ của mình.
Thứ hai, hoạt động của mặt trận phải xuất phát từ nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân. Cán bộ mặt trận cần gắn bó, sâu sát với nhân dân để lắng nghe và phản ánh ý kiến, kiến nghị của nhân dân. Ủy ban mặt trận các cấp phải thực sự là người đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân.
Thứ ba, mặt trận các cấp phải không ngừng đổi mới nội dung, đa dạng, linh hoạt về phương thức hoạt động; xác định nhiệm vụ có trọng tâm, trọng điểm, rõ địa bàn và đối tượng, lấy khu dân cư làm địa bàn hoạt động chủ yếu, chú trọng phát triển, nhân rộng các điển hình, nhân tố mới.
Cùng với đó, mặt trận phải xây dựng và nâng cao năng lực hoạt động, uy tín của đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ chủ chốt. Cán bộ mặt trận phải có năng lực, tâm huyết với công việc, có bản lĩnh chính trị vững vàng, nắm vững chuyên môn, nghiệp vụ; đồng thời cần phát huy tốt lực lượng cộng tác viên, chuyên gia... Đây là nhân tố quan trọng hàng đầu để hoàn thành nhiệm vụ chính trị của mặt trận.
* Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang làm biến đổi sâu sắc các lĩnh vực của đời sống xã hội và đặt ra những vấn đề mới trong phát triển đất nước, trong đó có tác động tiêu cực đến khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Các thế lực thù địch không ngừng chống phá, chia rẽ mối quan hệ giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân. Trong thời gian tới, mặt trận sẽ thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm nào?
* Trước hết phải tiếp tục xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết, bảo đảm sự đồng thuận, thống nhất cao về tư tưởng và hành động; tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Song song đó, mặt trận phải bám sát thực tiễn của đất nước, dự báo sát tình hình, chủ động phối hợp tốt với các cơ quan của Đảng và Nhà nước, địa phương, giải quyết những thách thức, vấn đề mới phát sinh, nhất là từ cơ sở; lắng nghe, tiếp thu ý kiến xây dựng, phản biện tích cực của nhân dân để kịp thời tham mưu cho Đảng, Nhà nước, thể hiện rõ vai trò là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân, đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân.
Mặt trận cần phải tiếp tục làm nòng cốt trong vận động, tổ chức thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, tham gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, giảm nghèo bền vững, chăm lo người có công với đất nước, gia đình chính sách, gia đình có hoàn cảnh khó khăn; xây dựng nếp sống văn minh, tôn vinh những nghĩa cử cao đẹp; phê phán những việc làm xấu, hành vi thiếu văn minh, trái với truyền thống văn hóa của dân tộc. Đặc biệt, MTTQ các cấp cần triển khai tốt hơn quy chế giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và tổ chức chính trị - xã hội, quy định về tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, phối hợp giải quyết hiệu quả đơn, thư khiếu nại, tố cáo của công dân, tham gia công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí.
Chúng tôi sẽ giám sát, phản biện xã hội theo hướng có trọng tâm, trọng điểm và tập trung nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân để kịp thời giải quyết những vấn đề phát sinh ở cơ sở; từ đó báo cáo kịp thời với cấp ủy, chính quyền nhằm xử lý và hạn chế điểm nóng ở cơ sở.
Tôi muốn nhấn mạnh điều này, củng cố, phát huy đại đoàn kết dân tộc bao giờ cũng hết sức quan trọng, thời điểm hiện nay càng quan trọng. Chỉ có đoàn kết mới đủ sức đối phó với những khó khăn, thách thức hiện nay. Đảng, nhân dân đang đặt niềm tin vào mặt trận. Mặt trận phải thể hiện rõ là cầu nối vững chắc để thắt chặt mối quan hệ máu thịt Đảng, Nhà nước, nhân dân. Đảng làm cho dân và dân làm theo Đảng. Thông qua mặt trận để Đảng gần dân hơn, để người dân tham gia ngày càng hiệu quả vào quản lý xã hội, phát triển của đất nước.
Để lắng nghe được nhiều ý kiến thiết thực của nhân dân, bài học từ thực tiễn là phải phát huy dân chủ, nhất là dân chủ trong Đảng, trong hệ thống chính trị, trong nhân dân. Do đó, mặt trận phải đổi mới chính mình, đổi mới phương thức hoạt động theo hướng năng động, sáng tạo, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có chính kiến, gần gũi với cuộc sống nhân dân để biết nhân dân mong muốn, nghĩ gì. Như vậy mới làm tốt được vai trò đại diện của nhân dân.