Quang cảnh buổi làm việc |
Qua 9 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW và Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư, tỉnh Sóc Trăng đã triển khai cho hơn 377.700 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn, với doanh số cho vay hơn 8.800 tỷ đồng, bình quân 978,7 tỷ đồng/năm.
Tính đến cuối tháng 5-2023, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách tại Ngân hàng Chính sách xã hội đạt 4.637 tỷ đồng (tăng 2.389 tỷ đồng, tăng 2,06 lần so với năm 2014). Số lượng khách hàng Ngân hàng Chính sách xã hội đang theo dõi và quản lý là 152.367 hộ, chiếm 45,86% số hộ dân của tỉnh được vay vốn các chương trình tín dụng chính sách xã hội. Nợ quá hạn và nợ khoanh 329 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 7,09% trên tổng dư nợ.
Nguồn vốn các chương trình tín dụng ưu đãi trong 9 năm qua đã giúp cho hơn 85.059 hộ vượt qua ngưỡng nghèo; hơn 36.800 học sinh, sinh viên được vay vốn trang trải chi phí học tập; hơn 260.000 lao động được tạo việc làm và hơn 1.000 lao động được đi làm việc ở nước ngoài. Đồng thời, từ nguồn tín dụng chính sách đã giúp xây mới, sửa chữa hơn 145.500 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường; xây dựng 30.228 nhà ở hộ nghèo…
Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương Đỗ Ngọc An phát biểu tại buổi làm việc |
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương Đỗ Ngọc An đánh giá cao những nỗ lực của tỉnh trong thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội”. Qua đó, tạo nên tác động mạnh mẽ, tích cực đối với hoạt động tín dụng chính sách; góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo, giải quyết việc làm, an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới...
Tuy nhiên, kết quả giám sát chỉ ra những hạn chế của tỉnh như việc bố trí nguồn vốn ủy thác từ ngân sách địa phương sang Ngân hàng Chính sách xã hội còn hạn chế. Hộ gia đình có mức sống trung bình làm nghề nông nghiệp ở Sóc Trăng rất lớn, song chưa có chính sách tín dụng ưu đãi cho nhóm đối tượng này; một số địa phương trong tỉnh trước đây thuộc vùng khó khăn, nhưng do đạt chuẩn nông thôn mới nên không được thụ hưởng chính sách tín dụng đối với vùng khó khăn, dẫn đến người dân sinh sống trên địa bàn không tiếp cận vốn vay để đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, tạo sinh kế, việc làm, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số.