Đồng chí Phan Nguyễn Như Khuê phát biểu, đánh giá cao những đóng góp của tập thể cán bộ nhân viên đại sứ quán trong việc thúc đẩy quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam - Đan Mạch trên nhiều lĩnh vực.
Về mối quan hệ giữa TPHCM với Đan Mạch, đồng chí Phan Nguyễn Như Khuê chia sẻ, kim ngạch thương mại 2 chiều TPHCM - Đan Mạch những năm gần đây duy trì ổn định khoảng 133 triệu USD/năm. Tính đến hết tháng 4-2019, Đan Mạch có 46 dự án đầu tư tại TPHCM với tổng vốn đầu tư đạt gần 38 triệu USD, xếp thứ 31/106 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại TPHCM. Ngoài ra, hai bên đang xem xét phát triển hợp tác trên các lĩnh vực tiềm năng như giao thông thông minh, năng lượng, tăng trưởng xanh, chống ngập.
Chiều 12-9 giờ địa phương (tối 12-9 giờ Việt Nam), đoàn ĐBQH TPHCM làm việc với Ủy ban Chăm sóc xã hội của Hội đồng Thành phố Copenhagen (Đan Mạch). Bà Heidi Wang, đại diện Hội đồng Thành phố Copenhagen chào mừng đoàn đến thăm, làm việc tại Đan Mạch.
Chia sẻ kinh nghiệm về chăm lo các đối tượng xã hội, ông Emil Đyred đại diện Ủy ban Chăm sóc xã hội của Hội đồng Thành phố Copenhagen cho hay, ủy ban có 8.000 nhân viên được trả lương để chăm sóc các đối tượng xã hội với kinh phí chi cho các hoạt động khoảng 740 triệu EUR/năm. Đối với người trên 65 tuổi nhưng không tự chăm sóc được bản thân, ủy ban có trung tâm hỗ trợ tại gia giúp mọi người.
Hệ thống camera được lắp đặt để giám sát nhân viên tới hỗ trợ các đối tượng xã hội tại gia, phòng tránh trường hợp người nhận hỗ trợ phải chịu đối xử không tốt từ nhân viên hỗ trợ. Khi xây dựng các chính sách xã hội, ủy ban đều đề xuất chính sách một cách rõ ràng, minh bạch, đánh giá tác động cả mặt được, mặt chưa được của chính sách nếu được thông qua; nêu nhiều phương án thực hiện; dự toán ngân sách chi cho các chính sách xã hội ngay từ khi đề xuất chính sách…
Trước đó, khép lại chuyến thăm và làm việc tại Cộng hòa Liên bang Đức vào ngày 12-9, đoàn ĐBQH TPHCM thăm Đại sứ quán Việt Nam tại Đức.
Đại sứ Nguyễn Minh Vũ chia sẻ, mối quan hệ Việt Nam - Đức được xây dựng, vun đắp từ lâu đời và giữa hai dân tộc có “tài sản quý giá” là 170.000 người Việt Nam đang sinh sống, làm việc tại Đức cộng với khoảng 100.000 người trước đây từng sống, học tập, làm việc tại Đức. Cộng đồng người Việt Nam tại Đức được coi là cộng đồng hòa nhập thành công, đại đa số người Việt ở Đức đã ổn định cuộc sống, đóng góp cho nước sở tại.