Đoàn ĐBQH TPHCM đề nghị nghiêm cấm làm phiền, quấy nhiễu khách hàng trong kinh doanh bảo hiểm

Sáng 25-10, trong kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa XV, các đại biểu Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TPHCM tham gia thảo luận ở tổ về dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi).
Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM tham gia thảo luận ở tổ về dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi). Ảnh: VIỆT DŨNG
Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM tham gia thảo luận ở tổ về dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi). Ảnh: VIỆT DŨNG

Tham gia thảo luận tại Đoàn ĐBQH TPHCM tại điểm cầu TPHCM, ĐB Lê Thanh Phong, Chánh án TAND TPHCM đồng tình việc sửa đổi, bổ sung Luật Kinh doanh bảo hiểm. Đại diện cho cử tri ở TAND TPHCM trong quá trình trực tiếp xét xử các tranh chấp liên quan đến hợp đồng bảo hiểm, ĐB Lê Thanh Phong đã có nhiều góp ý sâu cho dự thảo luật.

Về nguyên tắc cơ bản trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm, ĐB Lê Thanh Phong góp ý, cần bổ sung khái niệm “bảo hiểm qua biên giới”, “môi giới bảo hiểm qua biên giới”, “bán bảo hiểm qua biên giới” để phù hợp với thông lệ một số luật kinh doanh bảo hiểm trên thế giới và đảm bảo tính đồng bộ trong Luật Kinh doanh bảo hiểm. Đồng thời, dự thảo luật cần bổ sung các quy định liên quan nhằm đảm bảo tính pháp lý đồng bộ, nhất là việc chuyển ngoại tệ từ trong nước ra nước ngoài thanh toán phí bảo hiểm, tiền từ nước ngoài vào Việt Nam để thanh toán bồi thường tổn thất; điều kiện để hoạt động các dịch vụ bảo hiểm qua biên giới.

ĐB Lê Thanh Phong cũng đề nghị, cần bổ sung làm rõ việc doanh nghiệp bán bảo hiểm phải thanh toán lãi nếu chậm thực hiện nghĩa vụ.

Về hợp đồng bảo hiểm vô hiệu, điểm b khoản 1 Điều 22 dự thảo quy định “tại thời điểm giao kết hợp đồng, đối tượng bảo hiểm không tồn tại”, ĐB Lê Thanh Phong đề nghị cần làm rõ “đối tượng bảo hiểm không tồn tại” được hiểu là “không có đối tượng bảo hiểm” hay là “đối tượng bảo hiểm không tồn tại về mặt vật lý”? Theo ĐB, nếu được hiểu “không có đối tượng bảo hiểm” thì quy định hợp đồng vô hiệu là hợp lý. Nhưng, “đối tượng bảo hiểm không tồn tại về mặt vật lý” lại là chưa phù hợp, bởi vì có những tài sản hình thành trong tương lai (ví dụ là nhà ở), cũng được xem là một loại tài sản được bảo hiểm. Tại thời điểm giao kết hợp đồng, nhà ở chưa hề tồn tại (về mặt vật lý). “Việc làm rõ đối tượng bảo hiểm không tồn tại sẽ đảm bảo tính rõ ràng và phù hợp khi xác định các trường hợp hợp đồng vô hiệu”, ĐB Lê Thanh Phong góp ý. 

Đoàn ĐBQH TPHCM đề nghị nghiêm cấm làm phiền, quấy nhiễu khách hàng trong kinh doanh bảo hiểm ảnh 1 ĐBQH Lê Thanh Phong, Chánh án TAND TPHCM. Ảnh: VIỆT DŨNG
Đề cập đến người thụ hưởng, ĐB Lê Thanh Phong phân tích, khoản 2 Điều 39 dự thảo quy định người đại diện theo pháp luật hoặc người giám hộ có quyền chỉ định người thụ hưởng là chưa phù hợp với quy định tại khoản 13 Điều 3 dự thảo; quyền này thuộc về người mua bảo hiểm. ĐB đề nghị sửa đổi quy định tại khoản 2 Điều 3 thành: “Đối với người được mua bảo hiểm nhưng chưa thành niên, hoặc mất năng lực hành vi dân sự hoặc người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ năng lực hành vi, hoặc người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, thì bên mua bảo hiểm phải có sự đồng ý của người giám hộ, hoặc người đại diện theo pháp luật của người được bảo hiểm khi chỉ định người thụ hưởng”.
Liên quan đến điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm, ĐB Lê Thanh Phong nhận định, Luật Kinh doanh bảo hiểm không quy định giới hạn của các doanh nghiệp bảo hiểm khi xác định những trường hợp được loại trừ trách nhiệm bảo hiểm của mình. Điều này có thể dẫn đến tình trạng doanh nghiệp bảo hiểm sử dụng quy định “loại trừ trách nhiệm bảo hiểm” để né tránh nghĩa vụ chi trả khoản tiền bảo hiểm.

“Luật cũng không quy định về hậu quả pháp lý đối với những hợp đồng kinh doanh bảo hiểm thiếu điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm. Việc này sẽ gây lúng túng cho các chủ thể trong hợp đồng và gây khó khăn cho Tòa án trong giải quyết tranh chấp”, ĐB Lê Thanh Phong góp ý.

Cùng thảo luận, ĐB Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM, dẫn khoản 3 Điều 16 nêu “Không áp dụng điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm trong trường hợp bên mua bảo hiểm có lý do bất khả kháng trong việc chậm thông báo cho doanh nghiệp bảo hiểm về việc xảy ra sự kiện bảo hiểm”. Cho rằng thế nào là “bất khả kháng” lại chưa được quy định rõ, ĐB Trần Hoàng Ngân đề nghị, cần quy định, hướng dẫn cụ thể.

Đoàn ĐBQH TPHCM đề nghị nghiêm cấm làm phiền, quấy nhiễu khách hàng trong kinh doanh bảo hiểm ảnh 2 ĐBQH Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM. Ảnh: VIỆT DŨNG
Đối với khoản 2 Điều 19 nêu “Doanh nghiệp bảo hiểm có quyền hủy bỏ hợp đồng bảo hiểm, không phải bồi thường, trả tiền bảo hiểm và không hoàn lại phí bảo hiểm cho bên mua bảo hiểm…”. Về việc này, ĐB Trần Hoàng Ngân đề nghị, quy định này cần phải chặt chẽ hơn để không ảnh hưởng đến quyền của người mua bảo hiểm. “Cần lưu ý việc bảo vệ người yếu thế - người mua bảo hiểm”, ĐB Trần Hoàng Ngân nói.

Cùng ngày, Đoàn ĐBQH TPHCM có báo cáo đóng góp ý kiến góp ý cho dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi). Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TPHCM Văn Thị Bạch Tuyết cho biết, trước đó, để chuẩn bị cho kỳ họp, Đoàn ĐBQH TPHCM đã tổ chức lấy ý kiến góp ý cho dự thảo luật. Về các hành vi bị nghiêm cấm (Điều 10), có ý kiến đề nghị bổ sung vào Điều 10 quy định “Nghiêm cấm hành vi làm phiền, quấy nhiễu khách hàng trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm”.

Tin cùng chuyên mục