Đoàn đại biểu có các đồng chí: Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM; Lê Tiến Châu, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam.
Trong không khí trang nghiêm, đoàn đại biểu đã dâng hoa, dâng hương tưởng nhớ, bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc Chủ tịch Hồ Chí Minh, các anh hùng Liệt sĩ đã hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Đoàn đại biểu Trung ương và TPHCM đến dâng hoa, dâng hương các anh hùng liệt sĩ tại Khu di tích lịch sử Láng Le - Bàu Cò và Khu Truyền thống cách mạng cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 tại huyện Bình Chánh. Ảnh: VIỆT DŨNG
Trong những năm đầu Nam Bộ kháng chiến, địa danh Láng Le - Bàu Cò thuộc Căn cứ Vườn Thơm đã nổi tiếng khắp miền Đông Nam Bộ với thắng lợi của trận chống càn bảo vệ căn cứ kháng chiến và lực lượng vũ trang Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định.
Đó là, trận chống càn ngày 15-4-1948, Trung đoàn 308 - Nguyễn An Ninh, Trung đoàn 306 - Phạm Hồng Thái, Trung đoàn 312, cùng các chiến sĩ Quốc vệ đội, dân quân du kích của Trung Huyện đã đẩy lùi và bẻ gãy nhiều đợt tấn công càng quét quy mô lớn với gần 3.000 quân tinh nhuệ, thiện chiến của thực dân Pháp, có vũ khí tối tân, có xe lội nước, lội bùn, tàu chiến, súng đại bác và có cả máy bay yểm hộ...
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên dâng hương, tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ. Ảnh: VIỆT DŨNG
Lực lượng của ta đã loại khỏi vòng chiến đấu gần 300 tên, bắt sống 30 tên, phá hủy nhiều phương tiện quân sự, bảo vệ được Nhân dân, bảo vệ được căn cứ Tỉnh ủy Chợ Lớn và Ủy ban Kháng chiến Hành chính Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định.
Trận Láng Le - Bàu Cò khẳng định sự lớn mạnh, trưởng thành trong phối hợp tác chiến của các đơn vị vũ trang ở Nam Bộ. Tầm vóc của trận Láng Le - Bàu Cò tạo sự cổ vũ tinh thần rất lớn cho chiến sĩ, đồng bào Trung Huyện.
Đồng chí Nguyễn Văn Nên và đồng chí Lê Tiến Châu thăm phòng truyền thống tại Khu di tích lịch sử Láng Le - Bàu Cò. Ảnh: VIỆT DŨNG
Chiến công nối tiếp chiến công, mảnh đất Láng Le - Bàu Cò trở thành nơi hiểm hóc gây nhiều bất an cho Mỹ và ngụy quyền Sài Gòn. Ngày 14 tháng 10 năm 1966, Mỹ và ngụy quyền Sài Gòn đã dùng trực thăng đổ xuống vành đai Ấp 1, xã Tân Nhựt một tiểu đoàn Biệt động quân hiếu chiến. Hỗ trợ cho lực lượng này có máy bay phản lực, pháo binh, với ý đồ dùng lực lượng có số quân đông để áp đảo, tiêu diệt lực lượng có quân số ít hơn.
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên thăm Khu Truyền thống cách mạng cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Ảnh: VIỆT DŨNG
Tại nơi đây, Đại đội 2, Tiểu đoàn 6 Bình Tân đã làm nên chiến thắng oai hùng, tiêu diệt và làm tan rã Tiểu đoàn Biệt động quân, thu được 50 súng các loại, diệt 144 tên, bắt sống 8 tên. Quân ta từ thế bị tấn công chuyển sang thế chủ động tấn công, thắng lợi ở Láng Le - Bàu Cò một lần nữa gây tiếng vang lớn trên khắp chiến trường miền Đông Nam Bộ. Làm bàn đạp tiến công của lực lượng cách mạng phía Tây Nam Thành phố, giành thắng lợi trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 và chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Khu Truyền thống cách mạng cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 là nơi tưởng niệm các vị anh hùng liệt sĩ đã hy sinh trong chiến dịch Tổng tiến công Xuân Mậu Thân 1968.
Đoàn đại biểu Trung ương và TPHCM đến dâng hoa, dâng hương và chụp ảnh lưu niệm tại Khu Truyền thống cách mạng cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Ảnh: VIỆT DŨNG
Đồng thời là nơi lưu giữ, trưng bày các hiện vật, tài liệu, phim ảnh hỗ trợ cho việc học tập, tham quan, nghiên cứu lịch sử cuộc đấu tranh cách mạng của quân và dân huyện Bình Chánh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Các hạng mục kiến trúc cảnh quan khu truyền thống cách mạng cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 tọa lạc trên diện tích 12ha tại xã Tân Nhựt.
Sau đó, đoàn đại biểu đến dâng hoa, dâng hương Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Di tích kiến trúc nghệ thuật Đình Bình Trường (huyện Bình Chánh). Đình Bình Trường xây dựng vào đầu thế kỷ 19. Năm 1852, năm thứ 5 đời vua Tự Đức đã ban sắc phong cho Thần Thành Hoàng thôn (làng) Bình Trường và được thờ cúng tại Đình.
Trải qua gần 200 năm, Đình vẫn lưu giữ được những nét kiến trúc cổ, truyền thống. Cùng với giá trị vật thể, Đình còn lưu giữ những giá trị văn hóa phi vật thể như lễ hội Kỳ Yên, lễ cúng Thần Nông, lễ cúng Cầu Bông.