Đoàn đại biểu đã đến tham quan Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Quảng Ngãi, nơi trưng bày các hiện vật từ các nền văn hóa Chămpa , Sa Huỳnh,…
Cách đây 110 năm những phát hiện đầu tiên của M.Vinet tại vùng biển Sa Huỳnh (Quảng Ngãi) đến nay đã có hơn 100 di tích văn hóa Sa Huỳnh được phát hiện và nghiên cứu miền Trung Việt Nam…
Những hiện vật phát hiện đã được bảo quản, trưng bày tại Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Quảng Ngãi gồm gốm, đá, đặc biệt là Bảo vật Quốc gia Tượng Tu sĩ Chămpa và Bảo vật Quốc gia bộ sưu tập bình gốm đất nung Long Thạnh văn hóa Sa Huỳnh.
Bên cạnh đó, Đoàn đại biểu đã tham quan các hiện vật của 9 tàu đắm cổ trên vùng biển Việt Nam. Đây là những hiện vật được khai quật trong thời gian dài, thể hiện nét giao thương văn hóa trên đường biển đến các nước.
Hiện vật tàu đắm cổ Bình Thuận (thế kỷ XV), những hiện vật được sưu tầm từ ngư dân địa phương gần như toàn bộ hiện vật của con tàu đắm cổ ở độ sâu 63m tại Lagi- Bình Thuận.
Hiện vật tàu đắm cổ Hà Tiên - Kiên Giang (thế kỷ XVIII), năm 1991, bà Võ Thị Hạnh Dung sưu tầm từ các ngư dân địa phương toàn bộ 200 hiện vật của con tàu đắm cổ trong vùng thương cảng Hà Tiên. Tất cả hiện vật được Bảo tàng Lịch sử TPHCM giám định là cổ vật ở thế kỷ XVIII.
Hiện vật tàu đắm cổ Cà Mau (thế kỷ XVIII), đầu năm 2007, qua phiên đấu giá tại Amsterdam - Hà Lan đã mua về 1.000 cổ vật niên đại thời nhà Thanh thế kỷ XVIII từ con tàu đắm cổ được khai quật ở Cà Mau vào năm 1998-1999.
Hiện vật tàu đắm cổ Hòn Cau - Bà Rịa Vũng Tàu (thế kỷ XVIII), năm 1991, bà Võ Thị Hạnh Dung cũng đã sưu tầm từ con tàu đắm cổ Hòn Cau.
Hiện vật tàu đắm cổ Bình Định (thế kỷ XIV), sưu tầm từ ngư dân địa phương, hiện vật thu được gốm sứ thuộc thời kỳ Tống Nguyên (Trung Quốc) khoảng thế kỷ XIII - XIV.
Hiện vật tàu đắm cổ Cù Lao Chàm - Quảng Nam (thế kỷ XV), hiện vật của 2 tàu đắm cổ Cù Lao Chàm được khai quật ở độ sâu 72m, thu được 15.934 hiện vật, chủ yếu dòng gốm Chu Đậu có nguồn gốc Hải Dương và có niên đại vào khoảng nữa cuối thế kỷ XV.
Hiện vật tàu đắm cổ Phú Quốc - Kiên Giang (thế kỷ XIV), con tàu này giáp biên giới Campuchia và Việt Nam, trong vịnh Thái Lan, hiện vật gồm có dòng gốm Trung Quốc, Thái Lan, Việt Nam, đặc biệt là gốm Chu Đậu (Hải Dương).
Hiện vật tàu đắm cổ Hòn Dầm - Kiên Giang (thế kỷ XV), năm 1990 bà Võ Thị Hạnh Dung sưu tầm tại vùng biển Phú Quốc, Kiên Giang, hiện vật thu được chủ yếu là gốm sứ Sawankhalok của Thái Lan có niên đại vào khoảng thế kỷ XV.
Hiện vật tàu đắm cổ Bình Châu - Quảng Ngãi (thế kỷ XIII), khai quật vùng biển Vũng Tàu, thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu, thu về gần 5.000 hiện vật.
Đặc biệt là mảnh gỗ tàu đắm cổ Cù Lao Chàm - Quảng Nam (thế kỷ XV), tàu đắm cổ có chiều dài 29,4m, rộng 7,2m, trong lòng chia 19 khoang. Cấu trúc tàu cổ Cù Lao Chàm có những nét tương đồng với các con tàu cổ Trung Quốc hoặc Đông Nam Á từ thế kỷ XV đến thế kỷ XVIII. Loại gỗ Tếch được dùng để đóng tàu đắm cổ Cù Lao Chàm từ khoảng thế kỷ XVIII trở về trước, chỉ có ở khu vực Ấn Độ, Thái Lan, Myanmar và Lào.