Nâng cao kỹ năng truyền thông chính sách
Tham gia chương trình đào tạo, bồi dưỡng về truyền thông chính sách tại Hàn Quốc gồm lãnh đạo, giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền, cùng đại diện một số cơ quan báo chí, nhà xuất bản của Việt Nam.
Tham gia khóa học, các học viên sẽ tìm hiểu về việc thi hành chính sách của Chính phủ, ngành công nghiệp quảng cáo và quan hệ công chúng, ngành truyền thông thông minh, công nghiệp truyền thông và nội dung tại Hàn Quốc... Học viên cũng sẽ nghiên cứu thực tế tại Thành phố truyền thông số, Bảo tàng Quảng cáo Hàn Quốc, Quỹ Báo chí Hàn Quốc, Đài MBC...
Khóa học nhằm chia sẻ kinh nghiệm về hệ thống báo chí hiện đại và chuyển giao công nghệ tiên tiến tại Hàn Quốc; xây dựng chiến lược phát triển báo chí - truyền thông đại chúng và xây dựng chính sách; xây dựng cơ sở đào tạo đội ngũ cán bộ phụ trách hệ thống báo chí - truyền thông.
Tham gia khóa học, các học viên Việt Nam được đội ngũ giáo sư, chuyên gia giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực truyền thông chính sách của Hàn Quốc hướng dẫn phương pháp xây dựng kế hoạch truyền thông chính sách và tham quan thực tế một số cơ quan truyền thông, công ty sáng tạo nội dung lớn của Hàn Quốc.
Kết thúc khóa học, các học viên được KOICA cấp giấy chứng nhận.
Những năm qua, dự án đã góp phần nâng cao năng lực của cán bộ, giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền, cũng như các nhà báo của Việt Nam về truyền thông chính sách, mở rộng mạng lưới hợp tác với các đối tác Hàn Quốc và nâng cao vị thế của học viện.
Chương trình có nhiều nội dung hấp dẫn, với các xu hướng truyền thông chính sách hiện đại của Hàn Quốc, các học viên có thể nghiên cứu và vận dụng trong công tác chuyên môn tại Việt Nam.
Hợp tác ngăn chặn tin độc, tin giả
Trong khuôn khổ chương trình, đoàn nhà báo Việt Nam do PGS-TS Mai Đức Ngọc, Chủ tịch Hội đồng Học viện Báo chí và Tuyên truyền (AJC) làm Trưởng đoàn, đến trải nghiệm và học tập tại Quỹ Xúc tiến truyền thông Hàn Quốc (KPF) ở Thủ đô Seoul.
KPF thành lập năm 1962, là trung tâm đào tạo báo chí trực thuộc Bộ VHTT-DL Hàn Quốc. Nhiệm vụ chính của KPF là tăng cường năng lực báo chí, đào tạo cơ bản cho người mới vào nghề; đào tạo các nhà quản lý, người làm việc trong các toà soạn báo; đào tạo theo ủy thác của các tòa soạn báo, chủ yếu là dạy lý thuyết; hợp tác quốc tế trong đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí…
Mục tiêu của KPF là nâng cao nhận thức người dân trong tiếp cận báo chí, lan tỏa giải pháp đúng đắn, phù hợp nhằm tạo ra những thông tin hữu ích và chân thực nhất phục vụ độc giả.
Tại buổi làm việc, nhà báo Nam Chan Ho, Giám đốc mảng truyền thông KPF cho hay, ông đã đến Việt Nam nhiều lần và rất ấn tượng khi thăm Văn miếu Quốc Tử Giám, trường đại học đầu tiên của Việt Nam.
Nhấn mạnh Việt Nam và Hàn Quốc có nhiều điểm tương đồng về văn hóa, lịch sử, nhất là truyền thống hiếu học và tự lực tự cường, Giám đốc mảng truyền thông KPF tin tưởng, Việt Nam với hướng phát triển đúng đắn sẽ có nhiều bước tiến vượt bậc trong tương lai gần.
Theo Giám đốc mảng truyền thông KPF, trong thời đại số, hệ thống báo chí 2 nước đang phải đối mặt với vấn nạn tin giả, tin xấu, độc tràn lan trên các nền tảng mạng xã hội. KPF mong muốn cùng trao đổi, hợp tác ngăn chặn nạn tin giả đang là nỗi lo của tất cả các quốc gia nói chung, Việt Nam và Hàn Quốc nói riêng trong thời đại số.
Cũng như Việt Nam, báo in tại Hàn Quốc đang ở giai đoạn thoái trào, tiến tới là truyền hình cũng mất đi đáng kể lượng khán giả, các thông tin thời sự được người dân tiếp cận qua báo điện tử, mạng xã hội và các nền tảng số khác.
Hiện KPF hỗ trợ 150 tòa báo tại Hàn Quốc bảo hộ bản quyền và hỗ trợ kinh phí cho những người phát báo in.
Bên cạnh đó, những năm qua, KPF và AJC đã phối hợp rất chặt chẽ trong các hoạt động liên quan.
KPF có các chức năng chính sau: giáo dục và hỗ trợ tài chính; nghiên cứu tổ chức hội nghị, hội thảo; thông hiểu truyền thông (media literacy); kỹ thuật và chuyển đổi số trong các hoạt động báo chí…