Chương trình tập huấn từ ngày 18 đến 30-8, dành cho 15 học viên là cán bộ, giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền cùng một số nhà báo công tác tại các cơ quan báo chí, xuất bản của Việt Nam.
Trong 2 tuần tham gia chương trình, học viên được các giáo sư đầu ngành, chuyên gia của Hàn Quốc giới thiệu về sự hình thành các kênh quan hệ công chúng trong khu vực công tại Hàn Quốc, quá trình phát triển của từng kênh; báo chí dữ liệu và Chính phủ dữ liệu lớn. Bên cạnh đó là công tác quản lý chiến lược thương hiệu quốc gia, ngành công nghiệp quảng cáo và quảng bá lĩnh vực công cộng, phương án thực hiện và nỗ lực trong tương lai.
Đoàn nhà báo Việt Nam tìm hiểu về ngành truyền thông thông minh; cơ cấu, đặc thù, nội dung ngành truyền thông thông minh tại Hàn Quốc... Trong khuôn khổ khóa học, đoàn đã có các hoạt động tham quan thực tế một số trung tâm đào tạo báo chí, cơ quan truyền thông, công ty sáng tạo nội dung lớn của Hàn Quốc. Chương trình giúp các học viên nâng cao năng lực xây dựng kế hoạch hành động nhằm giải quyết một số vấn đề thực tiễn về truyền thông chính sách tại Việt Nam.
Kết thúc khóa học, các học viên đã hoàn thành hai kế hoạch hành động liên quan đến nâng cao năng lực cho các nhà quản lý truyền thông ở địa phương của Việt Nam; nâng cao năng lực chuyển đổi số cho đội ngũ thực hiện truyền thông chính sách ở Việt Nam hiện nay. Các học viên đã được KOICA cấp Chứng chỉ hoàn thành chương trình đào tạo.
Phát biểu tại lễ bế giảng, PGS-TS Mai Đức Ngọc, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Trưởng đoàn công tác, bày tỏ cảm ơn sâu sắc đối với sự hỗ trợ tích cực và hiệu quả của KOICA.
Chương trình tập huấn đạt được kết quả cao với nhiều nội dung rất thiết thực, phù hợp với nhu cầu của Việt Nam. Thông qua các bài giảng và quá trình tham quan thực tế một số trung tâm đào tạo báo chí, cơ quan truyền thông, công ty sáng tạo nội dung lớn của Hàn Quốc, các học viên có thể nghiên cứu và vận dụng trong công tác chuyên môn tại Việt Nam, cũng như các cơ quan báo chí địa phương.
“Dự án đã góp phần nâng cao năng lực của cán bộ, giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền cũng như các nhà báo của Việt Nam về truyền thông chính sách, mở rộng mạng lưới hợp tác với các đối tác Hàn Quốc và nâng cao vị thế của Học viện”, PGS-TS Mai Đức Ngọc bày tỏ.
Năm 2024 là năm kết thúc dự án giai đoạn 2, PGS-TS Mai Đức Ngọc mong muốn Học viện Báo chí và Tuyên truyền và KOICA đẩy mạnh phát triển mối quan hệ hợp tác; hy vọng KOICA sẽ tiếp tục hỗ trợ mở thêm những dự án tiếp theo để Học viện cũng như các cơ quan báo chí Việt Nam được tham gia những khóa tập huấn, đào tạo trong thời gian tới.
Trước đó, trong khuôn khổ chương trình tập huấn, chiều 29-8, đoàn nhà báo Việt Nam do PGS-TS Mai Đức Ngọc, Chủ tịch Hội đồng Học viện làm trưởng đoàn đã đến thăm và làm việc với Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc.
Tiếp đoàn, Tham tán Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc Lê Anh Tuấn, thông tin, Việt Nam và Hàn Quốc đang trong giai đoạn phát triển nồng ấm nhất từ trước đến nay, đặc biệt từ năm 2022 khi hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện.
Hàn Quốc coi Việt Nam là thị trường tiềm năng hàng đầu đóng góp tích cực vào công cuộc phát triển kinh tế và quảng bá những giá trị của xứ sở kim chi. Tại Việt Nam, hiện có hơn 10.000 doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư làm ăn còn tại Hàn Quốc, có gần 300.000 người Việt Nam đang sinh sống, học tập và khởi nghiệp.
PGS-TS Mai Đức Ngọc cảm ơn sự đón tiếp của đại diện Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc. Trưởng đoàn nhà báo Việt Nam cũng thông tin đến đại diện đại sứ quán hoạt động của đoàn trong những ngày tập huấn nghiệp vụ báo chí tại Hàn Quốc.
Đồng thời, thông tin công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Qua đó, đóng góp tích cực cho đất nước nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu đổi mới báo chí trong thời đại hội nhập và phát triển, cùng góp phần vào công cuộc phát triển kinh tế xã hội của đất nước trong giai đoạn phát triển mới.