Tuổi thơ không đầy đặn
Cả tuổi thơ và thời niên thiếu chị Hòa sống trong mặc cảm tự ti vì hình hài khác thường của mình. Đến năm 19 tuổi, sau một cơn bạo bệnh tưởng không qua khỏi, chị bỗng nhiên biết đọc chữ. Thế giới của cô gái tội nghiệp được khai mở, chị biết nhiều điều hơn về cuộc sống, về những số phận quanh mình. Chị tự nhủ với lòng: “Trời không thể khiến mình chết thì từ giờ trở đi, không trở ngại nào có thể quật ngã mình được nữa!”.
Hành trình tự khẳng định giá trị bản thân của chị Hòa bắt đầu bằng cuộc chiến đấu âm thầm với gia đình để học viết chữ. Chưa từng được đến trường, chị phải len lén học “chui”, bởi bố mẹ chị quan niệm đơn giản “học để rồi cũng nằm góc nhà thì học làm gì!”. Tối tối khi cả nhà đi ngủ thì mình chị lọ mọ ngồi đánh vật với chiếc bút chì trơn tuột.
Câu chuyện về cô gái hàng chục năm lăn lóc từ đầu giường đến cuối giường như nguyên mẫu truyện “Sọ Dừa” giờ biết đọc, biết viết đã khiến nhiều người cảm phục ý chí và nghị lực vô biên. Song, mọi người càng bất ngờ hơn khi chị Hòa còn tự mày mò học cách làm hoa đá, hoa giấy, đài sen bằng kẹo. Dấu tích để lại là chi chít những vết cắt, vết xước, sẹo trên đôi bàn tay quắp queo của cô gái giàu nghị lực, nhưng những bình hoa, bức tranh xinh xắn, ý nghĩa trong tiệm “Gấu bông Nguyễn” ít nhiều được cộng đồng mạng truyền tai nhau.
Lúc đầu, khách hàng mua vì thương cảm và muốn giúp đỡ chị. Nhưng vốn là người cá tính, không trông chờ vào lòng tốt của mọi người, chị Hòa muốn khách mua hàng vì sản phẩm đẹp và chất lượng. Chị đặt mục tiêu không chỉ đa dạng sản phẩm của mình và còn giúp đỡ được nhiều người khác. Để thực hiện mục tiêu đó, chị chủ động rủ thêm các bạn khuyết tật về cùng làm, tạo công ăn việc làm cho 5 đến 7 người khuyết tật gần đấy. Dù rằng, thu nhập khoảng 1,2 đến 1,5 triệu đồng không phải là số tiền lớn, nhưng với những người có hoàn cảnh đặc biệt “khỏe thì làm, không khỏe thì về ngủ”, mức thu nhập đó cũng không hề nhỏ.
Chị Phạm Thị Thanh Dung, cán bộ chính sách xã Kiến Quốc bày tỏ sự cảm phục: “Tuy bị khuyết tật nặng nhưng chị Hòa rất thông minh, hóm hỉnh và khéo tay. Vượt qua hoàn cảnh bản thân, chị còn có nhiều việc làm ý nghĩa giúp ích cho những người đồng cảnh ngộ. Mọi người biết đến đều rất yêu mến và nể phục chị”.
Chị Hòa bắt đầu ấp ủ mong muốn làm việc thiện nguyện vào dịp tết năm 2015, khi tình cờ gặp một cô bé 13 tuổi bị liệt não, hoàn toàn sống thực vật. Nhìn em nuốt từng muỗng nước cháo một cách vô thức, chị thương lắm mà chẳng biết làm sao. Đưa bao lì xì nhờ người bạn chuyển cho gia đình cô bé, dặn đừng nói tên, chị nặng lòng ra về. Hình ảnh cô bé cứ đeo đẳng theo chị suốt mấy ngày trời: “Trên đời này còn có nhiều người bất hạnh hơn cả mình nữa!”. Sự cảm thông chiến thắng nỗi sợ hãi, tự ti, chị Hòa quyết tâm thoát ra khỏi giới hạn lũy tre làng.
Từ nỗi buồn đến hành động
Tranh thủ những ngày nghỉ cuối tuần, chị nhờ bạn bè, nhờ các bạn đoàn viên thanh niên chở đi lòng vòng quanh xã, quanh huyện thăm gia đình này, đến cơ quan nọ. Nhiều khi thấy chị đến, người ta còn tưởng chị đi xin hỗ trợ, không ai nghĩ rằng cô gái bé nhỏ, yếu ớt kia đang “khảo sát thực địa”, ghi nhận thông tin cụ thể, chính xác để kêu gọi mọi người chung tay giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn.
Chị nói: “Mình không có nhiều tiền để giúp người khác như mong muốn, nhưng mình có thể đứng ra kêu gọi sự chung tay của cộng đồng. Trong nhiều trường hợp, giúp tiền không bằng giúp họ xốc lại tinh thần. Có những hoàn cảnh, nhất là những người tàn tật, họ rất mong muốn nhưng lại mặc cảm, e ngại khi hòa nhập cộng đồng. Mình muốn truyền cảm hứng sống tích cực cho họ”.
Mọi người thường bắt gặp hình ảnh chị Hòa khi thì được bế trên tay, khi lại lọt thỏm trên chiếc xe lăn, từ khu vực này sang khu vực khác, bất kể nắng mưa. Cứ nghe thấy người tàn tật nào đó cần giúp đỡ hay cụ già neo đơn, em nhỏ mồ côi bệnh tật, chị lập tức ghi nhớ để nhờ bạn bè đưa đến tận nơi tìm hiểu. Những lần như thế, chị gọi vui là đi “vi hành”.
Nắm rõ từng trường hợp, chị Hòa quay clip, chụp ảnh rồi đăng lên trang Facebook cá nhân kêu gọi mọi người chung tay giúp đỡ. Ít ai đi xin những món đồ bình thường như bát đũa, bình sữa, gạo, muối, xoong nồi, áo quần, chăn màn… như chị. Bởi có đi đến nơi, tận mắt chứng kiến những hoàn cảnh như cháu bé thiếu sữa, 3 bà cháu chia nhau 1 gói mì tôm đựng trong cái tô sứt mẻ, mới thấu hiểu chị Hòa đi xin những thứ “vớ vẩn”, như nhiều người vẫn nghĩ, để làm gì.
Một người lành lặn, khỏe mạnh đi làm thiện nguyện đã gặp nhiều khó khăn, với thân hình nhỏ xíu, quắp queo như chị Hòa, nỗi vất vả càng tăng thêm gấp bội. Nhưng có lẽ trở ngại lớn nhất của chị không phải là sự khó khăn khi di chuyển mà chính ở sự nghi ngại của nhiều người. Chị đã phải đấu tranh tư tưởng, vượt qua mặc cảm bản thân trước những ánh mắt xem thường, mỉa mai, thậm chí có khi phải đối diện với những câu nói xúc xiểm, cay nghiệt.
Biến nỗi buồn thành động lực, chị bỏ ngoài tai những điều không đáng nghe, những người không đáng gặp. Cách đây 3 năm, có đài truyền hình về quay một hoàn cảnh đáng thương ngay ở xã chị để vận động nhiều người giúp đỡ, khiến cả làng quê xôn xao. Mọi người không nghĩ rằng, chị Hòa chính là người liên lạc, cung cấp thông tin cho nhà đài. Đến bây giờ, chị Nguyễn Thị Thanh (cháu ruột bà Đỗ Thị Vạn - ở thôn 7, xã Kiến Quốc, Kiến Thụy, Hải Phòng) vẫn còn xúc động: “Nhà em lâm vào cảnh bi đát: bố mất sớm, em trai em bị ung thư đường ruột, em dâu bị tim bẩm sinh. Túng quẫn, cả nhà em dọn về ở nhờ nhà bác ruột. Không may, bác em bị đột quỵ, mấy con người nhìn nhau không lối thoát. Không biết bằng cách nào mà chị Hòa liên lạc được với đài truyền hình, để mọi người biết đến và giúp đỡ bác em. Công ơn của chị Hòa, chúng em không biết làm thế nào trả được. Em chỉ có thể đáp lại bằng cách sắp xếp thời gian chở chị Hòa đi trao quà cho những hoàn cảnh khó khăn khác”.
Bằng sự chân thành và nhiệt tâm của mình, chị Hòa đã khiến bạn bè, người quen và cả không quen cảm động, tin cậy, sẵn lòng sát cánh mỗi khi chị kêu gọi hỗ trợ. Qua trang Facebook cá nhân của chị, nhiều hoàn cảnh đáng thương đã được cộng đồng mạng quan tâm, nào đồ đạc, lương thực, tiền bạc, có cả một căn nhà tình thương đang trong quá trình xây dựng, chuẩn bị được trao tặng cho hộ bà Hoàng Thị Sánh (83 tuổi, ở thôn 1, xã Kiến Quốc, Kiến Thụy, Hải Phòng). Bà Sánh có 2 con trai đều bị bệnh tâm thần, con gái thì thần kinh không ổn định.
Dịch Covid kéo dài ảnh hưởng không nhỏ tới cơ sở sản xuất tranh ảnh, làm hoa của chị Hòa và các bạn. Ước mơ thành lập một trung tâm cho người khuyết tật được học văn hóa, học nghề trên mảnh đất quê hương vẫn chưa thành hiện thực. Điều chị khao khát nhất lúc này là “bệnh teo tim, hẹp phổi đừng trở chứng, để tôi có thể làm được nhiều hơn cho những phận đời thiệt thòi hơn mình”.
Điều tâm huyết nhất mà chị Nguyễn Thị Hòa muốn nhắn nhủ đến những người có hoàn cảnh không may mắn đang sống bi quan: “Chúng ta không được quyết định hình hài của mình lúc sinh ra, nhưng sống một cuộc đời hạnh phúc hay khổ đau lại phụ thuộc vào suy nghĩ tích cực hay tiêu cực của chính mình. Chúng ta có thể tàn nhưng không được phế”. |