Trong ngày 10-10, tình trạng cửa hàng xăng dầu đóng cửa do hết hàng để bán tiếp diễn tại TPHCM và nhiều địa phương ĐBSCL. Ở những cửa hàng còn xăng, lượng người đến đổ tăng đông nghẹt, có chỗ phải xếp hàng chờ.
TPHCM: 121 cửa hàng tạm hết xăng dầu
Theo Cục Quản lý thị trường (QLTT) TPHCM, ngày 10-10, trên địa bàn thành phố có 121/550 cửa hàng xăng dầu không còn xăng để bán; số cửa hàng còn lại vẫn hoạt động bình thường, không có tình trạng găm hàng, bán không đúng giá niêm yết. Lực lượng QLTT cũng đồng loạt ra quân kiểm tra tình hình kinh doanh xăng dầu tại một số cửa hàng trên địa bàn TPHCM.
QLTT TPHCM cho biết, một số cửa hàng xăng dầu tạm ngưng bán hàng nằm trên địa bàn TP Thủ Đức, quận Gò Vấp, quận 3, 4, 5, 8… Trong đó, cửa hàng xăng dầu Hiệp Hải Hà - DNTN Hiệp Hải Hà (1193 đường Phạm Thế Hiển, phường 5, quận 8) hết xăng lúc 7 giờ, vẫn mở cửa bán dầu; cửa hàng xăng dầu Ký Thủ Ôn - DNTN Ký Thủ Ô (397 đường Liên tỉnh 5, phường 5, quận 8) hết xăng lúc 7 giờ, vẫn mở cửa bán dầu; cửa hàng xăng dầu - Chi nhánh 16, Công ty cổ phần Vật tư - Xăng dầu (442 đường Cách Mạng Tháng Tám, phường 11, quận 3) hết xăng E5; cửa hàng bán lẻ xăng dầu Comeco (42 đường Tôn Thất Thuyết, phường 4, quận 4) hết xăng buổi sáng, vẫn mở cửa bán dầu…
Người dân “rồng rắn” chờ đợi đến lượt đổ xăng tại cây xăng số 260A Lạc Long Quân, phường 10, quận 11, vào lúc 10 giờ ngày 10-10. Ảnh: LƯƠNG THIỆN
Trong ngày 10-10, ngay cả các cửa hàng trong hệ thống Petrolimex cũng thiếu xăng dầu để bán. Tại cửa hàng nằm tại góc ngã tư đường Trần Phú - Lê Hồng Phong (quận 5, TPHCM) khoảng 18 giờ, nhân viên huơ tay thông báo hết xăng khi có xe vào đổ. Đến tối, cửa hàng xăng này bán trở lại, mặc dù trời mưa nhưng đông đảo khách hàng chen chúc vào mua xăng.
TPHCM kiến nghị rà soát các chi phí trong cơ cấu tính giá cơ sở xăng, dầu
Ngày 10-10, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Phan Thị Thắng đã ký Văn bản số 3680/UBND-KT gửi Bộ Công thương và Bộ Tài chính về tình hình cung ứng xăng dầu trên địa bàn TPHCM và đề xuất giải pháp tháo gỡ.
Theo văn bản, UBND TPHCM nêu nguyên nhân là có tình trạng các thương nhân không chủ động nhập hàng để kinh doanh (vì bị thua lỗ) nên có thời điểm thiếu nguồn hàng cung cấp cho hệ thống phân phối; đồng thời, cùng với một số lý do khách quan (ảnh hưởng của bão, quá trình vận chuyển xăng dầu có gián đoạn...) dẫn đến tình trạng thiếu hàng cục bộ, chưa đảm bảo việc cung ứng đầy đủ, thường xuyên, liên tục cho yêu cầu sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và nhu cầu tiêu dùng thiết yếu của người dân.
Ngoài ra, khó khăn của Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil trong việc duy trì hoạt động kinh doanh đã phần nào ảnh hưởng đến nguồn cung xăng dầu cho thị trường thành phố (thời điểm trước, mức dự trù bình quân của doanh nghiệp khoảng 100.000-120.000m3/tháng, sản lượng bán bình quân khoảng 1.160m3/ngày; tuy nhiên, hiện nay doanh nghiệp đã ngưng nhập khẩu xăng dầu). Mặt khác, hiện nay giá xăng dầu trong nước chưa phản ánh đầy đủ các chi phí kinh doanh xăng dầu, dẫn đến việc phân bố mức chiết khấu trong hệ thống kinh doanh xăng dầu bị hạn chế, nhiều cửa hàng bán lẻ xăng dầu không có chiết khấu để bảo đảm bù đắp chi phí và duy trì hoạt động kinh doanh.
UBND TPHCM kiến nghị Bộ Tài chính rà soát và tính toán lại các mức chi phí trong cơ cấu tính giá cả cơ sở mặt hàng xăng dầu như: mức chi phí kinh doanh định mức, lợi nhuận định mức. Đồng thời, rà soát lại phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam (premium) và các loại thuế, nhằm tính đúng, tính đủ, hài hòa lợi ích giữa các chủ thể tham gia thị trường xăng dầu trên cơ sở phù hợp với thực tế phát sinh và các quy định hiện hành. Bộ Công thương xem xét, đề nghị Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, các cơ quan, đơn vị có liên quan quan tâm hỗ trợ giải quyết các khó khăn của doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu; xem xét, hỗ trợ nâng hạn mức tín dụng cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu (nhất là các doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu) góp phần tạo nguồn, đảm bảo cung ứng xăng dầu cho thị trường.
Hiện các tỉnh, thành ĐBSCL đã báo cáo, kiến nghị Bộ Tài chính, Bộ Công thương về việc điều chỉnh mức chiết khấu cho cửa hàng bán lẻ, tăng nguồn cung, kể cả chu kỳ điều chỉnh giá để khắc phục tình hình thiếu hụt nguồn cung ứng xăng dầu.
ĐBSCL cũng khan hàng
Kiên Giang, Đồng Tháp - mỗi tỉnh có trên 600 cửa hàng xăng dầu, An Giang có trên 580 cửa hàng, nhưng trong ngày 10-10, nhiều cửa hàng nhỏ báo không còn xăng để bán. Người dân phải chạy lên trung tâm huyện cách khá xa, nhưng cũng chỉ mua được 20.000-30.000 đồng/xe máy.
Chiều 10-10, Sở Công thương tỉnh Cà Mau cho biết, tại thị trấn Sông Đốc (huyện Trần Văn Thời) có 3 cửa hàng xăng dầu hết xăng dầu cục bộ do thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối xăng dầu, không đủ nguồn để cung cấp.
Còn tại Long An, bà Châu Thị Lệ, Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh, cho biết, hiện nay nhiều doanh nghiệp xăng dầu trên địa bàn lấy xăng từ nguồn cung ngoài tỉnh, than lỗ và nguồn cung xăng không có nên đóng cửa, khiến cơ quan chức năng địa phương khó kiểm soát.
Trong khi đó, ông Lê Khánh Hưng, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Kiên Giang, cho hay, trong ngày 10-10, do có thông tin xăng chuẩn bị tăng giá theo chu kỳ điều chỉnh giá, nên số lượng người dân đi mua xăng tăng cao khiến nguồn cung cấp xăng trong tỉnh càng thiếu hụt trầm trọng.
Tối 10-10, Bộ Công thương có thông tin gửi báo chí khẳng định, những ngày gần đây, có hiện tượng một số doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ xăng dầu xin đóng cửa hoặc tạm ngừng kinh doanh, tập trung tại một số tỉnh, thành phố như TPHCM, An Giang, Bình Phước, Đắk Lắk… Bộ Công thương khẳng định, chỉ có hơn 100 cửa hàng đóng cửa trong tổng số 17.000 cửa hàng đang hoạt động, nên đây là hiện tượng không phổ biến.
Theo Bộ Công thương, hiện nay, tồn kho xăng dầu của các doanh nghiệp vẫn cơ bản đáp ứng đủ cho nhu cầu tiêu dùng xăng dầu trong nước, đồng thời nguồn cung xăng dầu của các doanh nghiệp vẫn liên tục được bổ sung từ nguồn nhập khẩu và mua trong nước.