Rác thải bừa bãi khắp nơi
Lưu thông trên nhiều tuyến đường, không khó bắt gặp những bịch rác nằm trên các miệng cống thoát nước, trụ cột điện hay gốc cây. Thậm chí đang có một nghịch lý, ở nhiều nơi đề bảng “cấm đổ rác” thì ngay chính chỗ ấy rác thải lại càng nhiều. Không ít người dân vẫn có thói quen vứt rác tùy tiện, vứt ở đâu, vứt lúc nào cũng được.
Tuyến đường Vành đai Tây, phường An Khánh, TP Thủ Đức chỉ dài hơn 500m nhưng chính quyền phường phải cắm tới 2 bảng “cấm đổ rác”, ấy thế mà rác vẫn đổ đầy dưới 2 tấm bảng này. Có khi rác thải để lâu không được thu gom, chất thành đống to, vừa ô nhiễm môi trường, vừa gây mất mỹ quan đô thị.
Cầu Sài Gòn đã được đầu tư nâng cấp, rộng đẹp, bên cạnh đó là tuyến metro hiện đại đang hình thành, thế nhưng ngay chân cầu hướng về quận Bình Thạnh có một bãi rác tự phát, các đơn vị cứ thu gom được một, hai ngày thì rác lại bỏ đầy. Rất nhiều chiếu rách, nệm cũ, hộp xốp… được vứt ngổn ngang. Tình trạng này kéo dài đã lâu nhưng chưa thấy các đơn vị liên quan có phương án khắc phục.
Rác thải không chỉ bủa vây nhiều tuyến đường mà một số kênh rạch cũng rơi vào tình trạng ngập ngụa trong rác. Nhiều năm qua, kênh Hy Vọng (quận Tân Bình), rạch Xuyên Tâm (quận Bình Thạnh), kênh Tham Lương - Bến Cát nối dài… đang phải oằn mình gánh chịu một khối lượng lớn rác thải từ những hành vi thiếu ý thức của một số người dân. Rác thải ngập kênh, nước không tiêu thoát, là một trong những nguyên nhân gây ngập lụt cho thành phố trong mùa mưa, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, làm sụt giảm chất lượng cuộc sống của người dân. “Rác thải nhiều. Buổi tối ngủ mà mở cửa là mùi hôi thối xộc vào nhà. Hàng chục năm nay chúng tôi phải sống chung với ô nhiễm. Tôi thấy cũng có đơn vị đến thu gom nhưng đâu lại vào đấy”, một người dân sống cạnh kênh Hy Vọng than thở.
Không chỉ vỉa hè, tuyến đường, lòng kênh mà tại một số khu dân cư cũng chịu tình trạng rác thải tràn lan. Tại khu dân cư H.L. (khu Trung Sơn, huyện Bình Chánh) có công viên nhỏ được trồng nhiều cây xanh cùng bãi cỏ xanh mát, là nơi để người dân tập thể dục, thư giãn. Thế nhưng, cứ sau mỗi buổi tối là công viên này lại đầy rác, nào là hộp xốp đựng đồ ăn, lon hoặc chai nước ngọt, bịch ni lông, ly nhựa… Cứ 7 giờ sáng, nhân viên thuộc công ty vệ sinh lại phải cột dây vào thùng xốp, rồi kéo quanh khắp công viên để nhặt rác. Chỉ sau 30 phút, thùng xốp đã đầy rác! Hôm nào rác nhiều, anh nhân viên phải làm việc gần 2 tiếng đồng hồ mới trả lại sự sạch sẽ cho công viên và công việc này lặp lại gần như mỗi ngày.
Chưa hết, một hành vi cực kỳ phản cảm là tiểu tiện bừa bãi, có lúc là ở gốc cây, trụ cột điện ven đường, cũng diễn ra phổ biến. Để ngăn chặn tình trạng này, tại những khu đất trống, hoặc một tường nhà, một góc đường vắng vẻ, thường thấy dòng chữ “cấm tiểu tiện” viết nguệch ngoạc lên tường hoặc lên một tấm bảng. Thế nhưng, cũng giống như việc cấm đổ rác, chính những nơi này lại bị nhiều người tùy tiện phóng uế, gây hôi thối.
Cần giải pháp mạnh
Theo lý giải của các cơ quan chức năng, mặc dù đã có nhiều quy định pháp luật chế tài các hành vi xả rác, phóng uế bừa bãi ra môi trường, nhưng các hình thức này vẫn chưa đủ sức răn đe.
Trao đổi với chúng tôi, ông Quách Kiều Long, Trưởng phòng TN-MT quận 3, cho biết, hiện quận đang áp dụng Nghị định 55/2021/ND-CP, Luật Môi trường 2020 và Chỉ thị 19 của thành phố để tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân trong bảo vệ môi trường, tuy nhiên việc vi phạm vẫn cứ tái diễn. Năm 2021, quận đã xử phạt 32 trường hợp với số tiền là 36,45 triệu đồng. Trong thời gian tới, quận sẽ tiếp tục đồng bộ giải pháp kết hợp tuyên truyền nâng cao nhận thức; đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, đặc biệt là xử phạt để xóa bỏ tình trạng xả rác, phóng uế bừa bãi.
Bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó Giám đốc Sở TN-MT TPHCM, cho biết, để chấn chỉnh tình trạng vi phạm vệ sinh nơi công cộng trên địa bàn, sở đã tham mưu, đề xuất và đã được UBND TP chấp thuận 5 giải pháp. Theo đó, thành phố sẽ giao thẩm quyền kiểm tra, lập biên bản vi phạm hành chính về vệ sinh nơi công cộng cho Đội quản lý trật tự đô thị và Đội thanh tra xây dựng địa bàn; quy định xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi đổ, bỏ chất thải rắn xây dựng không đúng quy định; xây dựng cơ chế phối hợp, cung cấp thông tin vi phạm từ người dân; công khai thông tin đối tượng vi phạm; xây dựng hương ước, quy ước bảo vệ môi trường tại cộng đồng dân cư; cho phép cơ quan địa phương được sử dụng hình ảnh trích xuất từ camera an ninh, camera giao thông để lập biên bản vi phạm hành chính về vệ sinh nơi công cộng.
“Tình trạng vệ sinh môi trường của thành phố trong thời gian qua đã có cải thiện nhưng vẫn cần phải khắc phục, như hành vi ứng xử với môi trường của một bộ phận người dân vẫn còn kém, tái phát sinh điểm ô nhiễm. Trong thời gian tới, Sở TN-MT tiếp tục phối hợp sở ngành, UBND quận, huyện tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân thải bỏ rác đúng nơi quy định. Mặt khác, sở cũng đề nghị các địa phương đẩy mạnh công tác xử phạt thông qua hình ảnh vi phạm ghi nhận bằng camera. Tôi nghĩ đây là giải pháp hết sức tích cực để nâng cao ý thức của người dân”, bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ cho biết.
Chia sẻ kinh nghiệm từ thế giới, PGS-TS Phùng Chí Sỹ, Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam, cho rằng, nguyên nhân chính việc xả thải vẫn là ý thức của người dân chưa cao, trách nhiệm cộng đồng kém, thờ ơ trước những hành vi vi phạm của người khác; xử phạt chưa nghiêm. Bên cạnh đó, hệ thống kiểm tra, giám sát, xử phạt cũng rất yếu, hệ thống camera mỏng nên không quản lý được hành vi xả rác trộm của người dân. Về giải pháp trước mắt, cần tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân hiệu quả hơn; hình thức xử phạt, chế tài cần mạnh tay hơn. Đặc biệt, đối với chính quyền, cần phải nhìn nhận đầy đủ để có ứng xử đúng mực. Hiện nay, rác thải ở Việt Nam đúng nghĩa là rác, trong khi ở các nước, rác thải lại là nguồn tài nguyên vô cùng quý giá. Nếu không muốn rác thải bị vứt đi, xả bừa bãi ra đường phố, kênh rạch thì phải biến rác thành nguyên liệu có giá trị thông qua việc đẩy mạnh tái chế.
MINH HẢI
---------------------------
Buộc các dự án bất động sản phải rào chắn, tránh thành bãi đổ rác
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM, hiện nay, tại khu vực nội thành cũng như ngoại thành có khá nhiều dự án bất động sản “bất động”, biến thành nơi đổ rác bậy, phóng uế, làm cho đô thị mất mỹ quan nghiêm trọng. Để đem lại mỹ quan đô thị, đối với những dự án chưa thi công, thành phố buộc chủ đầu tư phải rào chắn, phát quang cỏ dại sạch sẽ, nếu không sẽ xử phạt mạnh tay; đối với đất do người dân sở hữu nếu chưa xây nhà cũng phải làm tương tự. Tại nhiều nước trên thế giới, nếu đất bỏ hoang mà cỏ mọc cao quá gang tay, chính quyền đem máy tới cắt cỏ, rồi đưa giấy phạt, chi phí cao hơn so với thực tế, hết sức nghiêm khắc.
LƯƠNG THIỆN