Đổ tiền dọn rác, rác lại hoàn rác - Bãi rác giữa Khu đô thị mới Thủ Thiêm

LTS: Những dòng kênh đen, ô nhiễm tại TPHCM như Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Tân Hóa - Lò Gốm… đã được đầu tư hàng ngàn tỷ đồng để chỉnh trang, trở nên sạch đẹp, góp phần cho thành phố thêm thơ mộng. Vậy nhưng hiện nay, những dòng kênh ấy đang dần bị bức tử trở lại bởi sự thiếu ý thức, vô trách nhiệm của nhiều người dân lẫn cơ quan chức trách… 


Những khu đô thị mang danh xưng “mới”, “văn minh”, nhưng rác thải đổ bừa bãi khắp khu dân cư, lối phố, khiến cho du khách cũng ngán ngại. Để bạn đọc hình dung, PV Báo SGGP đã theo công nhân vệ sinh, “mật phục” các chuyến xe thu gom rác… ghi nhận sự thật: rác vẫn hoàn rác!  

Suốt hơn 3 tuần của tháng 3 vừa qua, PV cải trang dưới nhiều vỏ bọc khác nhau, thay đổi xe liên tục để “mật phục” tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP Thủ Đức, TPHCM) và hiểu được tại sao nơi đây lại giăng rất nhiều băng rôn cảnh báo phạt vì xả rác.

Lén lút đổ rác


Qua khỏi cầu Thủ Thiêm, ngay bên dạ cầu tay trái, chúng tôi đếm có 4 bảng băng rôn nền đỏ, chữ vàng bay phần phật trong gió: “UBND phường Thủ Thiêm - TP Thủ Đức, khu vực cấm đổ rác, phạt tiền từ 3-5 triệu đồng đối với hành vi vứt, thải, đổ rác sinh hoạt không đúng nơi quy định…”. Ngay con đường đi vào khu biệt thự Lan Anh cũng có cắm bảng “cấm đổ rác”. Thế nhưng, ngay ở những vị trí này, rác lại rất nhiều, vứt thành đống, các dấu tích đã xúc dọn vào các khu đất trống bên trong hầu hết là xà bần xây dựng.

Đổ tiền dọn rác, rác lại hoàn rác - Bãi rác giữa Khu đô thị mới Thủ Thiêm ảnh 1 Băng rôn cấm đổ rác dưới chân cầu Thủ Thiêm
Theo lời của một cán bộ phường: “Chính quyền cứ ra quân dọn dẹp, làm sạch tối hôm nay thì sáng mai rác lại bỏ đầy. Các đối tượng đổ rác trộm thường thay đổi giờ giấc liên tục, có khi là 11-13 giờ, có khi nửa đêm, cũng có lúc trời chạng vạng tối, thậm chí khi bình minh vừa ló dạng. Nhằm đối phó với “tội phạm” này, phường thường xuyên căng băng rôn cảnh báo và cử cán bộ bắt tại trận kẻ đổ rác bậy”. Chúng tôi xin được gia nhập “đội bắt đổ rác trộm” và được các cán bộ ở phường Thủ Thiêm đồng ý. Cứ trưa nắng, đội chúng tôi gồm công an khu vực, quản lý đô thị… lại “lấp ló” tại chân cầu Thủ Thiêm. Bốn ngày trôi qua, không có động tĩnh gì. Cũng thật lạ, trong những ngày chúng tôi “mật phục” không thấy bóng dáng kẻ đổ rác trộm hay dấu đổ rác mới!


Cảm nhận “đội bắt đổ rác trộm” chưa phát huy hiệu quả, chúng tôi đổi phương án tiếp cận: tự đi một mình. Chúng tôi phải đổi vai liên tục, có khi là khách đi tìm chỗ câu cá, khi là khách vãng lai ghé uống cà phê… Thế nhưng, hơn một tuần núp mình dưới gầm cầu để tránh cái nắng chói chang, hay những đêm tối ngồi ở gốc cây theo dõi, cũng không phát hiện trường hợp nào (!?). Thấy khó hiểu vì trước đó những khu vực này thường xuyên là nơi tập kết rác. Chúng tôi hỏi dò một người dân và được biết, các đối tượng đổ rác trộm đã “chuyển địa bàn” xuống một bãi đất trống dưới gầm cầu Thủ Thiêm, sát mép sông Sài Gòn. Tại đây luôn có 2-3 thanh niên xăm trổ đầy mình, thường xuyên lởn vởn qua lại.

Xác định được “mục tiêu”, chúng tôi “mật phục” vào một buổi trưa và phát hiện một chiếc xe ba bánh cũ kỹ chở đầy xà bần vòng xuống chân cầu, chạy thẳng vào khu đất. Sau khi chạy khuất vào sâu bên trong, chừng 5 phút sau, chiếc xe rồ ga chạy ra, thùng xe trống trơn. Chiếc xe mang biển số 60 T2-1xxx. Bám theo đuôi xe, chúng tôi theo lộ trình ngược lên cầu Thủ Thiêm chạy về địa chỉ 1xx đường Nguyễn Văn Lạc, phường 21, quận Bình Thạnh. Đây là cơ sở vật liệu xây dựng N. Trưa hôm sau, chúng tôi tiếp tục có mặt tại bãi rác tầm 11 giờ và tiếp tục ghi nhận một xe ba bánh cũ kỹ, mang biển số 60 Y3xxxx chở đầy ắp xà bần xây dựng tiến tới. Tài xế kéo ga thật nhanh, trong tích tắc xe đã chui vào bãi đất trống bên trong. Nhoắng cái, đổ xong rác và xe quay ra, ôm vòng lên cầu Thủ Thiêm, chạy về địa chỉ số nhà 2xxx Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận 1, đang được đập phá. 

Cách chân cầu Thủ Thiêm không xa, là một bãi rác “lộ thiên” ven đường số 1, bên hông chung cư tái định cư phường An Phú, TP Thủ Đức. Tình trạng đổ rác ở khu vực này rất phức tạp, rác sinh hoạt nhiều, xà bần cũng lắm. Khu đất biến thành bãi rác có diện tích rất lớn, kéo dài sang đường Mai Chí Thọ. Bên trong hầu hết là xà bần xây dựng, đổ thành từng ụ lớn. Xen lẫn với núi rác là vài ngôi nhà tạm có người ở, nuôi nhiều chó dữ. 

Những ngày tìm hiểu ở đây, chúng tôi nhận thấy xe chở rác và người gác bãi rác có tín hiệu riêng. Mỗi lần xe chở rác đến sẽ bấm 2 tiếng còi, sau khi xe vào bên trong thì có người lấy cây tre chắn ngang lối vào. Xe chở rác vào đây là loại vận tải lớn. Chẳng hạn, một chiếc xe ben 3,5 tấn mang biển số 54Z-4xxx chở rất nhiều xà bần xây dựng chạy thẳng vào bãi rác. Khi xe trống trở ra, chúng tôi bám theo, chiếc xe chạy lòng vòng hồi lâu rồi dừng lại ở địa chỉ 1xx Trần Não (phường Bình An, TP Thủ Đức). Tại đây, ngôi nhà đang tiến hành sửa sang lại. Chờ 45 phút, xà bần xây dựng đã được cho vào các bao rồi chất đầy lên xe, tài xế lại chạy về bãi rác đã đổ trước đó.

Có cung, ắt có cầu

Đóng vai đang có nhu cầu dọn xà bần, chúng tôi liên hệ với một số chủ xe chở thuê mà chúng tôi bắt gặp những ngày trước đó. Liên hệ số điện thoại 0904738xxx, chúng tôi được báo giá là 200.000 đồng/xe và có thể chạy trong khung giờ từ 13-16 giờ.  Liên hệ với số 0394965.xxx, một tài xế xe ba gác chở hàng thuê ở khu vực phường An Khánh, TP Thủ Đức, chúng tôi nhận được báo giá 250.000 đồng/xe xà bần, 300.000 đồng/xe rác, muốn vận chuyển lúc nào cũng được. Thắc mắc giá hơi cao, bác tài giải thích, vì phải đóng cho chủ bãi rác từ 50.000-100.000 đồng (tùy loại rác). 

Thấy chúng tôi tỏ ra lo lắng nếu lỡ bị chính quyền bắt tại trận, một tài xế trấn an: “Không sao đâu, sẽ lo liệu được. Giới chở rác thải đều biết khu vực này có thể đổ mọi thứ rác, xui lắm mới bị bắt. Trong tình huống xấu nhất thì bỏ xe lại. Bởi xe dùng để chở loại này đã cà tàng lắm rồi, chẳng đáng giá bao nhiêu”. Quả đúng là qua quan sát, những chiếc xe ba gác chở rác, xà bần đi đổ trộm đều đã tã! Ngoài việc đổ trộm rác, chúng còn tiềm ẩn mối nguy hại mất an toàn giao thông rất lớn.

Trước thực trạng đổ rác bậy, gây ô nhiễm môi trường, mất vệ sinh, nhưng thật trớ trêu khi chính quyền địa phương lại tỏ ra bất lực. Ông Phạm Thanh Phương, Chủ tịch UBND phường An Phú, TP Thủ Đức, cho biết, không chỉ người tại chỗ mà các đối tượng ở khu vực khác cũng sang đổ… lén. Mặc dù phường thường xuyên ra quân thanh tra, kiểm tra, thậm chí còn cho lắp rào chắn bằng các trụ bê tông để không cho các đối tượng chạy vào, nhưng cũng “không ăn thua”, vì chúng “làm việc” rất nhanh gọn, phường không kịp phản ứng.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Kiên, Chủ tịch UBND phường Thủ Thiêm, cũng đau đầu về tình trạng đổ rác trộm bừa bãi. Theo ông Kiên, địa bàn đang phát triển đô thị mạnh, nhiều bãi đất trống đang chờ thực hiện dự án đã biến thành nơi đổ rác thải trộm rất phức tạp, mất vệ sinh. Mặc dù UBND phường đã cắm rất nhiều bảng cấm đổ rác, nếu vi phạm có thể bị phạt nặng, nhưng nạn đổ rác trộm không xử lý được triệt để. Trong năm 2021, với hầu hết thời gian xảy ra dịch bệnh nên tình trạng đổ rác trộm ít hơn, nhưng phường Thủ Thiêm cũng đã bắt và xử phạt 2 trường hợp với số tiền là 8 triệu đồng, tạm giữ phương tiện. 

“Việc thanh tra, kiểm tra, xử phạt là vô cùng khó khăn, chúng tôi không đủ nhân lực, vật lực. Vì vậy, phường đang triển khai các biện pháp như: rào tôn che chắn các bãi đất trống, đường vắng, tiến hành phủ rộng hệ thống camera để theo dõi, quản lý. Đồng thời, phường cũng đang đẩy mạnh phối hợp với các địa phương lân cận, đơn vị có liên quan để cùng nhau xử lý tình trạng này”, ông Nguyễn Văn Kiên nêu giải pháp.

Năm 2022, thành phố chi 3.311 tỷ đồng dọn rác
Theo Sở Tài chính, năm 2020, thành phố đã chi 3.008 tỷ đồng cho công tác thu gom, vận chuyển rác thải; trong đó khối quận, huyện là 1.491 tỷ đồng; Sở TN-MT là 1.516 tỷ đồng. Con số này năm 2021 là 3.063 tỷ đồng. Năm 2022, thành phố đã dự toán chi 3.311 tỷ đồng; khối quận, huyện khoảng 1.604 tỷ đồng; Sở TN-MT là 1.707 tỷ đồng.

Tin cùng chuyên mục