Ngược với làng nghề đúc đồng Phước Kiều hoạt động ngày đêm để kịp các đơn hàng giao cho khách trước tết, thì tại huyện Tiên Phước, các doanh nghiệp trầm hương đang phải đối mặt với nhiều khó khăn vì hàng bán rất chậm...
Một cửa hàng bán đồ đồng ven quốc lộ 1A xã Điện Phương (Điện Bàn, Quảng Nam)
Nhiều đơn hàng
Làng nghề đúc đồng Phước Kiều là 1 trong 6 làng nghề trên địa bàn thị xã Điện Bàn được UBND tỉnh Quảng Nam công nhận danh hiệu làng nghề truyền thống, Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể “Phước Kiều đúc nhôm đồng”.
Hiện làng nghề đúc đồng Phước Kiều có hơn 45 tổ chức, hộ sản xuất kinh doanh, thu hút khoảng 100 lao động. Trong đó, có 5 doanh nghiệp vừa làm nhiệm vụ tổ chức sản xuất, vừa tiêu thụ sản phẩm cho làng nghề.
Ông Dương Ngọc Tiễn, chủ một cơ sở đúc đồng tại làng nghề Phước Kiều, Điện Phương, Điện Bàn cho biết, năm nay ngoài làm các mặt hàng truyền thống như chuông, tượng và đồ trang trí nội thất, cơ sở của ông còn đúc nhiều bộ cồng chiêng.
Hiện ông phải tức tốc hoàn thành 10 bộ để giao cho khách trước Tết Nguyên đán.
Giải thích vì sao tết mà phải làm cồng chiêng, ông Tiễn chia sẻ: “Thời gian qua bão lũ liên tục đã ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành của rất nhiều đơn đặt hàng cồng chiêng trong năm. Không chỉ cơ sở tôi mà nhiều cơ sở khác cũng vậy. Ra Giêng có rất nhiều lễ hội, nhất là của dân tộc thiểu số, vì vậy ngoài làm hàng tết như đồ lư đồng, chuông, tượng, đồ trang trí nội thất, tôi phải hoàn thành số cồng chiêng này cho kịp. Khách đặt những mặt hàng này hầu hết từ các tỉnh Tây Nguyên...”.
Nhiều cơ sở khác trong làng cũng đang tiến hành làm khuôn mẫu để đúc cồng chiêng cho người Ê Đê theo đơn đặt hàng từ các tỉnh Đắk Lắk, Kon Tum... Hàng lư đồng bán lai rai trong năm, ngày tết có vẻ chững lại, chủ yếu khách đến đặt những mặt hàng đạt chuẩn cao, còn lại đa số mua từ các cửa hàng tại Điện Phương.
Sản phẩm tượng, chuông cho các chùa chiền cũng rất nóng. Vừa rồi cơ sở tôi cũng đã hoàn thành 2 pho tượng, 1 pho tượng 900kg và 1 pho tượng cao khoảng 2,7m cho chùa Long Hoa (Đà Nẵng). Đầu tháng 3 tới, làng Phước Kiều sẽ hoàn thành 2 chuông đồng cao hơn 2m, nặng hơn 1 tấn cho Đền tưởng niệm Sơn Mỹ (Quảng Ngãi).
Nhìn chung, tết năm nay làng nghề rất sôi động, rộn ràng và phấn khởi. Trong năm 2017, làng đã hoàn thành hơn 500 bộ cồng chiêng, tổng doanh thu ước khoảng hơn 7 tỷ đồng”, ông Tiễn thông tin thêm.
Đi dọc theo quốc lộ 1A khu vực xã Điện Phương, Điện Bàn (Quảng Nam), có thể dễ dàng nhìn thấy hai bên đường rất nhiều cửa hàng bán đồ đồng, chuông, lư, chiêng, thanh la, trống mõ, nồi..., đặc biệt thời gian gần đây có bán thêm áo dài khăn đóng, đồ lễ để phục vụ các ngày rằm, lễ cúng...
Bà Nguyễn Thị Mỹ Liên đã hơn 20 năm sản xuất và bán mặt hàng này, cho biết hàng tết chủ yếu bán lư đồng và một số hàng phục vụ sắp đặt trang thờ. Ngoài những mặt hàng gia đình sản xuất ra, cửa hàng nhập hàng từ Huế, Sài Gòn... Còn sức mua chuẩn bị tết thì tháng Chạp mới bán được, nhất là những ngày cận tết. Khi đó công nhân cũng như nhiều người dân mới có thời gian nghỉ và có tiền mua về chuẩn bị bàn thờ tết. Ngày thường bán chủ yếu khách vãng lai và khách du lịch.
Nỗi niềm trầm hương Tiên Phước
Nếu như những làng nghề khác đang tất bật chuẩn bị hàng hóa cho dịp Tết Nguyên đán thì nhiều doanh nghiệp trầm hương tại huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam đang rất lo lắng vì mặt hàng này bỗng dưng chậm lại trong nhiều năm gần đây.
Năm nay, phần vì mưa lũ đã làm ngã đổ hư hại rất nhiều cây dó trầm, thời tiết lạnh quá thì sâu sẽ ăn lá nhiều, dẫn đến cây cũng bị chết; phần vì mặt hàng truyền thống này không thể cạnh tranh giá cả với những mặt hàng pha tẩm hương liệu bày bán ngoài thị trường.
Hương nụ (trầm cục) 2 triệu đồng/kg, hương thẻ loại 1 có giá 1 triệu đồng/kg. Hàng không có trộn hóa chất, chủ yếu là trầm xay mịn trộn với keo (vỏ bời lời) kết dính thành, vậy nên giá thành cũng tương đối cao. Nếu 100g hương trầm (Tiên Phước) loại thường có giá 20.000 đồng thì hương pha tẩm ngoài thị trường bày bán chỉ khoảng 10.000 đồng, rất thơm. Vậy nên đa số người dân chọn những loại giá rẻ lại thơm để mua về dùng trong gia đình...
Theo bà Phạm Thị Sanh, Công ty TNHH Mỹ nghệ thương mại và dịch vụ trầm hương Lương Hậu (xã Tiên Kỳ, huyện Tiên Phước, Quảng Nam), mấy năm gần đây thương lái đến mua và bán sang Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản cũng giảm mạnh.
“Chồng tôi phải đi TPHCM để tìm kiếm khách hàng. Hàng bán được chủ yếu hương trầm, trầm nụ, trầm cảnh, trầm núi, trầm miếng... nhưng rất chậm. Gia đình tôi sản xuất và bán những mặt hàng này đã hơn 10 năm nay. Tuy nhiên thời gian gần đây hàng bán chậm dần, đến thời điểm này vẫn chưa thấy chút không khí mua hàng chuẩn bị cho tết...”, bà Sanh lo lắng.
Tại huyện Tiên Phước còn rất nhiều cơ sở, doanh nghiệp: Cơ sở Dũng Phượng, Công ty TNHH Hương Trầm, Công ty TNHH Hoàng Mỹ... đang rất lo lắng về mặt hàng này ngày càng chậm dần.
Theo tìm hiểu, ngoài sự cạnh tranh giá cả với nhiều mặt hàng tẩm hương liệu khác, thì một trong những nguyên nhân khiến hàng trầm hương Tiên Phước kém hấp dẫn là do chưa có cơ sở gia công, đánh bóng sản phẩm.
“Nghề làm trầm cảnh chủ yếu làm thủ công, nhưng hiện nay trên địa bàn chưa có thợ tay nghề cao để làm ra sản phẩm trầm mỹ nghệ hoàn chỉnh nên sản phẩm kém hấp dẫn. Cơ sở tư thương lại ngày càng nhiều, giá cả không ổn định, nhiều doanh nghiệp phải chấp chận bán lỗ để thu hồi vốn”, bà Nguyễn Thị Nga (cơ sở Hoàng Trưởng), nói.
Hiện nay hầu hết doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh trầm hương tại huyện Tiên Phước, ngoài việc đi tìm khách hàng tại các thành phố lớn còn đang kỳ vọng vào Hội Thủ công mỹ nghệ trầm hương Tiên Phước có hướng hỗ trợ để làng nghề phát triển.
Theo ông Dương Văn Thủ, Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng huyện Tiên Phước, không phải đến bây giờ các sản phẩm trầm hương Tiên Phước mới đối diện tình trạng tiêu thụ kém, mà từ vài năm qua đầu ra cho sản phẩm cũng bế tắc.
Nguyên nhân do thị trường Trung Quốc không tiêu thụ khiến sản phẩm trầm hương như trầm cảnh tồn rất nhiều. Riêng các loại hương, trầm miếng, trầm vòng dù có đầu ra cho thị trường nội địa nhưng nhìn chung cũng chỉ cầm chừng.
“Chúng tôi đang hướng dẫn các cơ sở chuẩn bị hàng hóa để làm hội chợ xuân dưới tỉnh, hy vọng qua đó sản phẩm được nhiều người biết đến và có thể tiêu thụ nhiều hơn, chứ như hiện tại thì thấy chưa khởi sắc lắm”, ông Thủ chia sẻ.