Vắng vẻ và nhếch nhác
Để người dân có chỗ buôn bán tập trung và dẹp bỏ chợ tự phát, năm 2004, TPHCM cho xây chợ Phú Hữu thuộc phường Phú Hữu (TP Thủ Đức) trên khu đất khoảng 2.000m2, quy mô 160 sạp hàng, kinh phí 1,2 tỷ đồng, sức chứa hàng ngàn người. Lúc khởi công, tiểu thương kỳ vọng, chợ sẽ là nơi mua bán tấp nập, giúp họ nuôi sống gia đình. Nhưng đưa vào sử dụng được thời gian ngắn, chợ lâm vào cảnh “vắng như chùa Bà Đanh” và bỏ hoang từ đó đến nay.
Một ngày cuối tháng 2 vừa qua, men theo đường song hành xe lửa Bắc - Nam, phóng viên rẽ vào con đường nhánh ngoằn ngoèo số 45 dẫn vào khu phố 2, phường Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức. Hầu hết đường ở đây rất nhỏ hẹp, có đoạn chỉ đủ lọt thỏm 2 xe máy. Càng đi vào sâu, dân cư bên trong càng đông đúc. Anh Lê Đức Tùng, người dân ngụ khu phố 2 cho hay, hệ thống hạ tầng ở đây gần như chưa được đầu tư. Cả khu vực rộng hơn 40ha chỉ có một số đường giao thông chính, nhưng cũng chỉ rộng khoảng 5m; các đường giao thông còn lại không theo quy hoạch nào, chỉ rộng 1-3m, vừa khó đi vừa không đáp ứng yêu cầu phòng cháy, chữa cháy. Thậm chí, một số khu vực bị bỏ hoang, cỏ dại mọc thành ao tù, gây mất vệ sinh và mỹ quan đô thị. Việc thoát nước của khu vực này chủ yếu thoát tràn qua các mương hở, nên thường gây ngập úng cục bộ, ô nhiễm môi trường.
Thiếu nguồn lực đầu tư nên một số dự án khu TP Thủ Đức cũng “đóng băng” nhiều năm. Tại phường Tam Phú, Dự án Công viên văn hóa - thể dục thể thao đã có chủ trương quy hoạch từ trước năm 2000, nhưng mãi đến năm 2008 mới được công bố. Tại Quyết định số 1622/2008 ngày 20-8-2008 của UBND quận Thủ Đức (cũ) về phê duyệt đề án quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị tỷ lệ 1/2000 khu Công viên văn hóa - thể dục thể thao phường Tam Phú, nêu rõ, cần xây dựng công viên văn hóa phục vụ sinh hoạt, giải trí cho đông đảo người dân địa phương cũng như các khu vực lân cận.
Từ quyết định này, gần 126ha đất của người dân trong vùng được quy hoạch công viên với nhiều hạng mục như: công trình khu thiếu nhi, khu vui chơi giải trí, khu thể dục thể thao, khu văn hóa triển lãm, khu phục vụ và quản lý công viên; khu quảng trường, không gian mặt nước và cây xanh, khu vườn tượng… Đến nay, dự án chưa thấy hình hài mà chỉ thấy nhiều nơi cỏ, cây mọc um tùm.
“Năm 2007, gia đình tôi cất nhà, nhưng gần 15 năm nay vẫn chưa làm được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chỉ vì vướng quy hoạch khu Công viên văn hóa - thể dục thể thao phường Tam Phú. Ở khu vực này có hàng trăm hộ gia đình lâm vào hoàn cảnh như vậy”, bà Trương Thị Hoài (69 tuổi, ngụ ở đường Tam Bình, phường Tam Phú) thổ lộ.
Chỉ có giá đất tăng cao
Khu vực phường Trường Thạnh, nhiều tuyến đường vẫn trong tình trạng đất bỏ hoang, cỏ mọc ngút ngàn, chưa được bê tông... Dù dịch vụ dân sinh và hạ tầng kỹ thuật còn thiếu thốn, nhưng đất mặt tiền một số tuyến đường khu vực phường Trường Thạnh đang được rao bán với giá lên đến gần 100 triệu đồng/m2. Anh Nguyễn Nho Hoàng, một người đang tìm mua đất tại TP Thủ Đức, nói: “Ai tìm mua đất mới hiểu. Nhà đất bên quận 9 (cũ) đã bị đẩy lên rất cao, trong khi đó cơ sở hạ tầng thì yếu kém, có chỗ không khác gì nông thôn. Hơn một năm trôi qua, việc lên TP Thủ Đức bản chất chỉ là đổi cái tên, cái ruột thì y chang, vậy mà người ta đã thi nhau nâng giá nhà, giá đất ăn theo”.
Ông Nguyễn Đình Trực, lãnh đạo một doanh nghiệp bất động sản có trụ sở tại TP Thủ Đức, cho biết, kể từ khi Thủ Đức chính thức lên thành phố vào đầu tháng 1-2021, hiệu quả về kinh tế - xã hội vẫn chưa rõ nét. Khi có việc đến liên hệ cơ quan công quyền, cơ chế vẫn bị trói buộc vì phải xin ý kiến nhiều tầng nấc. Từ quận lên thành phố, đó là một dấu mốc của đời sống đô thị TPHCM, song nếu như chỉ là một sự sáp nhập mang tính cơ học, mà thiếu đi cơ chế, chính sách đột phá thì Thủ Đức sẽ khó phát triển như kỳ vọng. Thêm nữa, hạ tầng kỹ thuật - xã hội tuy đã được đầu tư nhưng chưa đồng bộ; môi trường đầu tư, sản xuất kinh doanh gắn với quy hoạch còn nhiều bất cập.
“Ở Thủ Đức hiện có gần 200 dự án bất động sản, song vì vướng mắc pháp lý nên chưa thể triển khai. Tôi nghĩ TP Thủ Đức cần được phân cấp, phân quyền mạnh hơn nữa, thì khi người dân, doanh nghiệp cần giải quyết thủ tục hành chính sẽ đỡ hơn nhiều”, ông Trực bộc bạch.
Theo Hiệp hội Bất động sản TPHCM, việc chậm đưa đất vào khai thác gây nhiều hệ lụy: Nhà nước không thu được thuế, tiền sử dụng đất và các loại phí; với xã hội, dự án không thi công, bị bỏ hoang làm xấu đi bộ mặt đô thị; về phía người dân, quyền lợi bị “treo” hàng thập niên, thiệt thòi lớn. Để giải quyết tình trạng này, các địa phương chọn giải pháp thu hồi dự án. Hiện nay, các địa phương mới dừng lại ở việc thu hồi quyết định chấp thuận đầu tư, chấp thuận chủ đầu tư nếu dự án chậm triển khai mà khó thu hồi được đất, nhất là trong trường hợp đất do chủ đầu tư tự đền bù, giải phóng mặt bằng, bởi luật quy định Nhà nước chỉ được thu hồi đất trong một số trường hợp cần thiết, mà không đề cập đến trường hợp dự án chậm triển khai.
Theo ghi nhận, vào cuối năm 2021, HĐND TPHCM đã tổ chức giám sát và UBND TPHCM rà soát lại trên 2.800 dự án bất động sản, phát triển đô thị, trong đó có 600 dự án hoàn thành, hơn 1.500 dự án đang triển khai thực hiện. |
Điểm sáng Phú Mỹ Hưng và khu Nam |