Đô thị hiện đại “phố trong làng, làng trong phố”

Lật giở quyển Album ảnh gia đình giai đoạn những tháng, năm đầu sau ngày Sài Gòn và miền Nam được giải phóng 30-4-1975, ông Ba Hòa (ngụ xã Thới Tam Thôn, huyện Hóc Môn) giới thiệu từng tấm ảnh ở quê nhà Hóc Môn, vùng ngoại thành Củ Chi, Bình Chánh, Thủ Đức… mà những người thân trong gia đình đã chụp. Ký ức của Sài Gòn - Chợ Lớn, Gia Định lại ùa về trong tôi, hồi tưởng về dặm đường nửa thế kỷ Sài Gòn - TPHCM…

Đô thị thông minh, đô thị sáng tạo

Mùa hè năm 1976, từ quê nhà xã Thới Tam Thôn (huyện Hóc Môn), 3 chị em tôi được ba má đưa xuống Sài Gòn ở tạm trong khách sạn Sài Gòn trên đường Thái Lập Thành (sau đổi thành đường Đông Du, quận 1). Căn phòng khách sạn chỉ hơn 20m² khá sạch sẽ, tiện nghi. Toàn bộ lầu 3 và 4 khách sạn được Sở Thương nghiệp lúc bấy giờ bố trí tạm cho cơ quan má tôi, mỗi cán bộ, nhân viên được 1 phòng vừa làm việc, vừa ở.

Mỗi ngày, 3 chị em thay phiên nhau qua phà, đi chợ bên Thủ Thiêm. Khu vực Thủ Thiêm trước năm 1975 và năm đầu sau giải phóng là quận 9, sau này nhập vào huyện Thủ Đức với 22 xã, 1 thị trấn. Vùng Thủ Thiêm, huyện Thủ Đức ngày đó chỉ có chừng hơn chục căn nhà lầu 2, 3 tầng nằm 2 bên con đường nhỏ (nay là đường Lương Định Của) dẫn từ dưới bến phà lên, hai bên bạt ngàn dừa nước và những con rạch nhỏ nối chằng chịt.

Người dân Thủ Thiêm ngày đó chủ yếu là lao động nghèo kiếm sống bằng đủ nghề, từ bốc vác ở cảng, chèo thuyền dưới sông, rạch, buôn bán ở chợ trời Hàm Nghi, đánh giày, đạp xích lô, đến làm dịch vụ cho các khách sạn, nhà hàng trên các đường phố sầm uất trung tâm Sài Gòn. Một bộ phận cư dân còn lại mưu sinh, kiếm sống trên vùng đất kênh rạch chằng chịt, trồng lúa, rau xanh, đánh bắt tôm cá đưa ra chợ Thủ Thiêm ngay bến phà bán cho cư dân từ trung tâm Sài Gòn phía bên kia sông qua mua.

Ở các quận của Sài Gòn trước và năm đầu sau giải phóng 1975, như: Hóc Môn, Củ Chi, Nhà Bè, Bình Chánh và Thủ Đức đều là vùng đất nông nghiệp, dân cư thưa thớt, nhà cửa đơn sơ, giao thông đi lại khó khăn, chủ yếu bằng xe ngựa, xe bò đi trên đường đất bụi mù mịt, điện thắp sáng không có, nước sinh hoạt chủ yếu từ các giếng đào dùng chung cho sản xuất…

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư trong các bộ sách viết về Sài Gòn - TPHCM 300 năm cũng nói nhiều đến Sài Gòn - TPHCM trước và sau năm 1975 với gần 3 triệu dân, tập trung chủ yếu ở các quận nội thành; các quận Hóc Môn, Củ Chi, Bình Chánh, Nhà Bè, Thủ Đức trước khi đổi thành huyện ngoại thành đều là đất nông nghiệp, hầu như không có nhà máy, công xưởng nào hoạt động.

Trong những năm qua, tại nhiều địa bàn các quận huyện đã có những bước phát triển vượt bậc trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là giao thông với các trục lộ xuyên tâm, các tuyến đường vành đai và nội ô được mở rộng, kết nối ra các vùng đô thị mới, đô thị vệ tinh trong tương lai.

Nổi bật nhất có thể nói đến TP Thủ Đức với tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên và nâng cấp xa lộ Hà Nội có mặt đường rộng 153m, trở thành tuyến đường đẹp và có nhiều cảnh quan xanh nhất ở TPHCM hiện nay. Trục đường xuyên tâm ở cửa ngõ phía Đông này kết nối với cực phát triển của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đi qua các trung tâm công nghiệp lớn, khu công nghệ cao, đô thị thông minh, đô thị sáng tạo, tương tác cao của TPHCM trong tương lai.

Chủ tịch UBND TP Thủ Đức Hoàng Tùng thông tin, TP Thủ Đức đang hướng tới là nơi có chất lượng sống tốt và môi trường làm việc hấp dẫn; tạo dựng cảnh quan đô thị hiện đại và sinh thái; gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa và đặc trưng đô thị sông nước, thích ứng với biến đổi khí hậu. Ngày nay, mỗi lần đến TP Thủ Đức, người dân không khó nhận ra sự thay đổi hàng ngày, hàng giờ ở đô thị sáng tạo, tương tác cao này.

Theo ông Nguyễn Phú Tài, ngụ khu phố 8, phường Hiệp Phú (TP Thủ Đức), khu phố Hiệp Phú sầm uất, khang trang này những năm trước và sau 1975 đều là đất trống chỉ lèo tèo mấy căn nhà lá của những người lượm ve chai. 6 xã vùng bưng của Thủ Đức ngày đó như: Phước Long, Long Trường, Trường Thạnh, Tăng Nhơn Phú, Phú Hữu và Long Bình, sông rạch chằng chịt, đi lại cách trở, dân cư thưa thớt, sống chủ yếu nghề nông…

Giờ thì khác xa rồi, nhiều tuyến đường giao thông kết nối với các khu đô thị hiện đại, trường học, Khu Công nghệ cao… đáp ứng nhu cầu học tập, làm việc, sinh sống của hàng vạn người đến từ khắp mọi miền đất nước.

img-6235-original-4570-2676.jpeg
Cầu Phú Mỹ – cây cầu dây văng hiện đại bắc qua sông Sài Gòn, kết nối quận 7 với TP Thủ Đức, góp phần quan trọng vào sự phát triển hạ tầng giao thông của TPHCM. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Ở hướng Nam thành phố, từ những vùng đầm lầy ngập nước, nông nghiệp là chủ yếu, khu vực huyện Nhà Bè, một phần quận 8 và quận 7 (trước năm 1975 đến sau giải phóng), huyện Bình Chánh đã hình thành một đô thị hiện đại, thông minh, sáng tạo, kết nối cao, thu hút công dân từ khắp nơi, cả trong và ngoài nước đến đây học tập, làm việc và sinh sống lâu dài.

Ông Nguyễn Hoàng Khánh, một doanh nhân trong ngành ô tô có nhiều năm sinh sống tại khu biệt thự Mỹ Văn, Phú Mỹ Hưng, phường Tân Phú (quận 7), có gia đình định cư tại Canada nhiều năm qua, nhưng ông vẫn chọn ở lại, vì những tiện ích, không gian, môi trường sống không ở đâu bằng.

“Tôi mong muốn, trong tương lai gần thành phố sẽ phát triển thêm nhiều khu dân cư, khu đô thị mới có mức sống văn minh, hiện đại như Khu Phú Mỹ Hưng, để ai cũng được hưởng thụ những giá trị phát triển của một thành phố đầu tàu kinh tế, phát triển hàng đầu của cả nước này”, ông Khánh chia sẻ.

Ở hướng Tây thành phố, ông Tô Văn Hưng, cư dân tại phường An Lạc (quận Bình Tân), đã sinh sống nơi đây gần 60 năm, chỉ tay về hướng Bến xe Miền Tây, ông Hưng nói: Trước kia là đồng trống mênh mông, ngập nước quanh năm, đi lại khó khăn, dân cư thưa thớt…Chỉ một thời gian ngắn đã mọc lên những khu đô thị mới khang trang. Và một ngày không xa sẽ có những trung tâm y tế và chăm sóc sức khỏe, trung tâm y sinh hóa dược, giáo dục-đào tạo, thương mại và dịch vụ, nông nghiệp sinh thái...

img-1725-original-67-610.jpg
Cầu vượt Củ Chi, nút giao thông khác mức phía Tây Bắc TPHCM góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng ngoại thành Củ Chi, TPHCM

Ông Nguyễn Văn Lạc, ngụ xã An Nhơn Tây (huyện Củ Chi) đã sống khu vực cửa ngõ Tây Bắc thành phố từ những năm 1950, phấn khởi cho biết, so với những ngày đầu đất nước mới thống nhất, bộ mặt vùng đất Củ Chi thay đổi nhiều lắm, điện-đường-trường-trạm… liên tục mọc lên phục vụ đời sống người dân. Đó là chưa kể trong tương lai không xa từng mái nhà, từng con người phải thích ứng cuộc sống với những khu công nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sinh thái, hữu cơ và các khu đô thị sinh thái….

Ông hào hứng: “Tôi sinh ra và lớn lên trên vùng đất Củ Chi này từ hơn 70 năm nay, người dân vùng đất có bề dày lịch sử này rất vui mừng trong tương lai không xa sẽ tiếp tục phát triển, trở thành một vùng đô thị thấm đẫm những giá trị của văn hóa, lịch sử và con người Sài Gòn - Gia Định xưa”.

Hình thành các đô thị vệ tinh

Trải lên bàn làm việc tấm bản đồ mới nhất vùng TPHCM, Chủ tịch UBND TP Thủ Đức Hoàng Tùng giới thiệu các đô thị vệ tinh của TPHCM trong tương lai theo Quy hoạch TPHCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Chính phủ phê duyệt. Theo đó, TPHCM tiếp tục là đô thị đặc biệt, theo mô hình thành phố đa trung tâm gồm đô thị trung tâm và các đô thị Thủ Đức, Củ Chi - Hóc Môn, Bình Chánh, quận 7 - Nhà Bè và đô thị sinh thái biển Cần Giờ. Đến năm 2050, hoàn thành việc xây dựng TPHCM theo mô hình thành phố đa trung tâm.

Chủ tịch UBND TP Thủ Đức Hoàng Tùng cho biết, thêm các đô thị vệ tinh phát triển theo hướng mở rộng không gian xây dựng đô thị trên cơ sở khuyến khích chuyển đổi, tái thiết, hoàn thiện các khu vực phát triển hiện có, nâng tầng cao xây dựng, nâng cao hệ số sử dụng đất, bổ sung không gian mở và không gian cây xanh công cộng, đảm bảo các yêu cầu về hạ tầng.

TPHCM sẽ phát triển đô thị và nông thôn theo hướng “làng trong phố, phố trong làng”, kết hợp giữa bảo tồn các giá trị vốn có và phát triển bền vững. Hình thành không gian phát triển mới cho TPHCM theo định hướng đa trung tâm, đa chức năng và hình thành các khu đô thị tri thức sáng tạo, các khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ; phát triển phù hợp với các vùng đệm, vùng sinh thái giữa các đô thị và các đô thị với khu vực đô thị trung tâm.

Ở Hóc Môn, Chủ tịch UBND huyện Dương Hồng Thắng chia sẻ, huyện Hóc Môn sẽ phát triển thành đô thị vệ tinh, giúp giảm tải áp lực dân cư và giao thông cho khu vực nội thành khi đó Hóc Môn cùng với Củ Chi hình thành đô thị phía Bắc TPHCM.

Đến năm 2030 Hóc Môn phải hoàn thiện cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng sống của người dân, tạo nền tảng để trở thành một phần trong đô thị phía Bắc của TPHCM. Không gian đô thị sẽ hình thành các trung tâm mới tại khu vực giao với quốc lộ 22 với Vành đai 3, khu vực sông Vàm Thuật và sông Sài Gòn. Quỹ đất nông nghiệp còn nhiều tại huyện sẽ được khai thác phục vụ phát triển đô thị, kết hợp công viên văn hóa và các dự án dịch vụ.

Để nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, góp phần tạo nên diện mạo mới trong phát triển đô thị, theo Phó Chủ tịch UBND TPHCM Bùi Xuân Cường, thời gian tới, thành phố tập trung vào các dự án trọng tâm như: Xây dựng đường cao tốc TPHCM - Mộc Bài; đường vành đai đô thị: Vành đai 2, Vành đai 3, Vành đai 4; các cầu lớn gồm cầu Cần Giờ, Thủ Thiêm 4, Đồng Nai 2, Phú Mỹ 2; đường sắt: Thủ Thiêm - Long Thành, TPHCM - Cần Thơ; các tuyến đường sắt đô thị; cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, cảng hành khách quốc tế Nhà Rồng - Khánh Hội, Phú Thuận...

Nguồn lực cho đầu tư ở giai đoạn này được thành phố xác định chủ yếu ở cơ chế huy động, sử dụng nguồn lực, thu hút đầu tư từ xã hội hóa, bảo đảm trong thời gian ngắn nhất có thể hoàn thành một số dự án có tính kết nối các vùng để thúc đẩy đầu tư các đô thị vệ tinh trong tương lai.

TPHCM là đô thị toàn cầu, văn minh, hiện đại

Mục tiêu tổng quát là phát triển TPHCM là đô thị toàn cầu, văn minh, hiện đại, nghĩa tình, năng động, sáng tạo; là thành phố có nguồn nhân lực chất lượng cao, dịch vụ - công nghiệp hiện đại, đầu tàu về kinh tế xanh, kinh tế số, xã hội số, trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại - dịch vụ, văn hóa, giáo dục, khoa học - công nghệ của cả nước, hội nhập quốc tế sâu rộng, có vị thế nổi trội trong khu vực Đông Nam Á, tốc độ tăng trưởng kinh tế và GRDP bình quân đầu người thuộc nhóm đứng đầu cả nước và vượt qua ngưỡng thu nhập cao; là thành phố có chất lượng cuộc sống cao, giàu bản sắc, môi trường bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu. Về kinh tế, TPHCM phấn đấu đến năm 2030, GRDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt 385 - 405 triệu đồng, tương đương 14.800 - 15.400 USD.

Nguồn: Quy hoạch TPHCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

Tin cùng chuyên mục