Con rạch nhỏ, chỉ cần chiếc xuồng con, đủ luồn lách uốn lượn theo dòng kênh, con nước là được. Chiếc xuồng nhỏ neo trước nhà, một trận mưa đêm gần như chìm nghỉm, nắm đầu dây neo kéo lên, lắc qua lắc lại cho hết nước, chú Năm (Nguyễn Văn Năm, 57 tuổi, ngụ huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang) lấy cây dầm chèo một mạch là tới buổi chợ sáng.
Dân miệt vườn, lội sông giỏi như nhái, bơi xuồng nhanh như dân thành phố chạy xe. Muốn đi đường bộ về nhà không phải không có, nhưng trước cửa nhà dòm ra, con rạch nhỏ đã gắn với chú Năm từ thuở mới lọt lòng mẹ, tới bây giờ, quá nửa đời người, đã thành một thói quen tự nhiên, muốn đi đâu là bước xuống xuồng.
Ở miền Tây, chiếc xuồng nhỏ có mặt ở khắp mọi con rạch nhỏ, đi chợ hay sang nhà hàng xóm đám giỗ, đám cưới, bơi xuồng chừng năm, mười phút là tới. Cũng chiếc xuồng nhỏ đó, tía má ở nhà chở thằng Hai, con Út ra lộ, đón xe lên thành phố nhập học… và kèm theo đó, là giấc mơ học hành đỗ đạt, thành tài của bao đứa nhỏ xa nhà. Bến quê cũng chẳng cần phải rõ một bến bờ cụ thể nào, bởi nơi nào có thể neo lại chiếc ghe, chiếc xuồng thì đó là bến quê. Trước cửa nhà, chiếc xuồng nhỏ neo đậu mấy mùa mưa nắng… là bến quê trong lòng của đứa con xa xứ nào đó.
Hai năm trời dịch bệnh, thằng Út về nhà ít hơn, chiếc xuồng nhỏ nằm im lìm hàng mấy tháng trời. Chú Năm cũng không ra chợ, quanh quẩn với mớ cây nhà lá vườn đã đủ mấy bữa cơm nhà. Trong nhà có sẵn chiếc xe máy đời mới, nhưng hễ về nhà, thằng Út lại dặn chú Năm rước bằng chiếc xuồng ba lá. Có lẽ nhịp sống nơi thị thành, người ta đã đủ bộn bề, ngược xuôi với dòng xe cộ qua phố. Lắm khi chỉ thèm nghe tiếng mái dầm khua con nước trước cửa nhà, hay đám lá dừa nước xào xạc theo mỗi cơn gió… chợt thấy lòng mình bình yên đến lạ. Có lẽ, không nơi nào vỗ về và xoa dịu lòng người mỗi bận cùng cực, hiệu quả như quê nhà.
Nhịp sống thay đổi, đường quê cũng nhiều lối đi chứ không chỉ còn “độc quyền” kênh, rạch nhưng chiếc xuồng con, ghe nhỏ vẫn thân thuộc nơi miền sông nước, bởi đặc thù địa lý, trời sinh đất này lắm sông nhiều rạch, thì ắt hẳn phải cần xuồng ghe, dẫu thế nào thì mái chèo, cây dầm vẫn cứ khua con nước. Và hơn nữa, con người ta vẫn cần một bến quê để trở về, để lòng mình lắng lại sau những năm tháng bộn bề. Như chú Năm vẫn thường hay nhắc thằng Út: “Nhắm chừng mệt quá thì về nghen bay, giàu có thì không dám, chứ cơm ba bữa ngày khỏe re. Bữa nào, ăn sang thì bơi xuồng sang nhà chú Ba, bác Tám ê hề cá tôm”.
Đất quê chuyển mình theo nhịp sống đô thị, đám trẻ sau này chẳng còn mấy đứa mặn mà chuyện xuồng ghe sông nước. Nếu đường bộ phải đi vòng xa hơn, đám nhỏ cũng chấp nhận lượn xe máy oai hơn mấy lần bơi xuồng, vừa xưa, vừa chậm. Bến sông quê cũng chẳng còn mấy đứa để ý, chiếc ghe đậu mấy mùa mưa nắng, lá rụng đến nỗi mục cũng không ai hay.
Tốc độ bơi xuồng của chú Năm cũng chậm dần theo độ bạc của mái tóc, chiếc xuồng neo dưới con rạch trước nhà nhiều hơn. Trái gió trở trời, thằng Út cũng chở tía đi nhà thương bằng xe máy, chứ bơi xuồng thì bất tiện quá. Nhiều lúc muốn chậm lại giữa bộn bề cuộc sống, thằng Út lại chèo xuồng quanh nhà, sang thăm chú Ba, bác Tám rồi về.
Bến quê, cứ ở đó, người nhớ người quên, nhưng ắt hẳn ai đó đã một lần ngồi trên chiếc xuồng nhỏ, len theo con rạch, nghe đám dừa nước xạc xào, nhìn lớp phù sa bồi đắp đôi bờ… thì có lẽ cả cuộc đời, người ta khó mà quên quê hương, xứ sở. Và dẫu thăng trầm năm tháng đi qua, đò qua bến quê chở theo những câu chuyện đời, chuyện người, chuyện đất quê hương… bồi đắp tâm hồn bao thế hệ người con đất Chín Rồng.