“Độ” pin, động cơ xe điện: Tiềm ẩn nhiều rủi ro

Nhu cầu sử dụng xe máy điện, xe đạp điện (xe điện) tăng nhanh trong những năm gần đây. Sau một thời gian sử dụng, pin của xe xuống cấp, nhiều người thường tìm đến các cơ sở nhờ “độ” pin, “độ” động cơ để xe chạy xa hơn, khỏe hơn.

Theo các chuyên gia, điều này tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn. Đa số nguyên nhân cháy nổ xe điện thường do các chủ xe đã “độ” pin, động cơ để tăng phạm vi sử dụng hoặc dùng bộ sạc không đúng chuẩn của nhà sản xuất.

Diễn ra phổ biến

Hiện nay, nhiều loại xe điện trên thị trường lưu trữ điện bằng ắc-quy chì hoặc pin, quãng đường di chuyển, độ bền, khả năng lưu trữ theo thời gian cũng khác nhau. Sau một thời gian sử dụng, ắc-quy và pin xuống cấp nên nhiều người tìm đến các dịch vụ “độ” pin để kéo dài quãng đường di chuyển, đồng thời rút ngắn thời gian sạc.

Tại các hội nhóm trên mạng xã hội, việc rao bán các loại xe điện “độ” động cơ, “độ” pin diễn ra rất sôi nổi; nhiều video clip hướng dẫn cách “độ” chế pin, nâng công suất các loại xe điện. Thậm chí, nhiều người đã lên mạng Internet tìm hiểu và đặt mua phụ tùng, linh kiện về tự “độ” để tăng tốc độ của xe, kéo dài thời gian sử dụng.

Ông Lê Đức Huy (ngụ huyện Nhà Bè, TPHCM) cho biết, đầu năm 2022, ông mua một chiếc xe máy điện, chạy được 1 năm thì bình ắc-quy có dấu hiệu xuống cấp, chỉ chạy được 40km/lần sạc. Nghe theo quảng cáo trên mạng xã hội, ông tìm đến một cơ sở “độ” pin xe điện tại quận 7, để “độ” pin sắt lithium với giá 8 triệu đồng/khối pin, nâng quãng đường di chuyển từ 150-180km/lần sạc, gấp đôi so với ắc-quy lúc mua xe mới.

“Mặc dù mới sử dụng được 6 tháng, nhưng tôi thấy pin bắt đầu có dấu hiệu xuống cấp, lúc sạc pin rất nóng, cũng không dám sạc pin qua đêm vì sợ chập cháy. Quãng đường di chuyển cho mỗi lần sạc chỉ còn lại khoảng 1/3 so với lúc mới thay, liên hệ chủ cơ sở thì họ nói do động cơ gây hao điện, cần phải “độ” lại động cơ để tiết kiệm pin hơn”, ông Huy kể.

G4a.jpg
Nhiều người tìm đến các cơ sở độ pin, độ động cơ để xe chạy khỏe hơn. Ảnh: BÙI TUẤN

Theo anh H., một thợ chuyên “độ” pin xe điện ở quận 12, TPHCM, những người “độ” pin, động cơ xe điện với mong muốn xe khỏe hơn, chạy quãng đường xa hơn đa số là sử dụng các mẫu xe điện cũ giá rẻ, hết thời gian bảo hành. Việc “độ” pin khá đơn giản, thường thì thợ sẽ ghép nhiều viên pin nhỏ để tạo thành khối pin lớn, tận dụng mạch quản lý pin BMS (Battery Management System) của xe cũ, sau đó đi lại hệ thống dây điện, quấn băng keo chống cháy, chống nước.

Loại pin được nhiều thợ “độ” chọn là pin sắt lithium, vì loại này có dung lượng lưu trữ điện năng cao. Tuy nhiên, thực tế vẫn có nhiều thợ vì lợi nhuận nên thường trộn các loại pin cũ, pin tái chế, pin kém chất lượng để “độ” pin cho khách, gây mất an toàn khi sử dụng.

Nguy cơ chập cháy thiết bị

Theo các chuyên gia, quy trình sản xuất pin xe điện trải qua nhiều công đoạn, mất rất nhiều thời gian thử nghiệm ở những môi trường, điều kiện khác nhau và đòi hỏi tuân thủ các quy định nghiêm ngặt của pháp luật. Trong khi đó, các cơ sở “độ” pin, động cơ thường làm theo kinh nghiệm, thói quen, không qua các bước thực nghiệm, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ, gây mất an toàn cho người sử dụng.

TS Nguyễn Trọng Nhân, Trường Đại học Công nghiệp TPHCM, cho biết, một bộ pin an toàn cần rất nhiều yếu tố cấu thành, như mạch bảo vệ linh kiện điện tử, chất lượng khối pin. Xe điện khi “độ” lại pin thì chắc chắn không đảm bảo an toàn khi sử dụng, đặc biệt là nguy cơ chập cháy thiết bị.

Đa số xe điện thường được “độ” bằng pin sắt lithium vì có dung lượng cao, nhưng pin lithium có thể tỏa nhiệt cao do quá tải hoặc dùng sai cách. Chưa kể có những thợ còn trộn những loại pin kém chất lượng để “độ” cho khách, nguy cơ chập cháy khi xe đang vận hành là rất cao, trên thực tế tình huống này đã xảy ra ở một số trường hợp.

“Nhu cầu nâng cấp pin là chính đáng, nhưng cách an toàn nhất là thay đúng loại pin nguyên bản của nhà sản xuất. Hiện nay, Việt Nam chưa có quy chuẩn kiểm định cụ thể về chất lượng pin cho xe điện. Trong khi chờ các chuẩn về pin xe điện ban hành thì người dùng không nên sử dụng phương pháp “độ” pin, đặc biệt là những xe thường xuyên di chuyển quãng đường dài, vì tiểm ẩn rất nhiều rủi ro. Về mặt pháp lý, việc “độ” pin hoặc động cơ, thay đổi kết cấu của xe là vi phạm pháp luật, đặc biệt khi “độ” động cơ xe thì các chỉ số kỹ thuật, chỉ số tiêu hao năng lượng sẽ khác đi, phần nào gây ảnh hưởng đến hệ thống mạch điện và giảm tuổi thọ của pin”, TS Nguyễn Trọng Nhân chia sẻ.

Còn theo luật sư Đỗ Doãn Đại, Đoàn Luật sư TPHCM, hiện việc “độ” pin, công suất xe điện diễn ra phổ biến ở nhiều nơi, do sự thiếu kiểm soát của các cơ quan chức năng. Việc “độ” pin và công suất xe điện là hành vi bị nghiêm cấm theo quy định của Luật Giao thông đường bộ năm 2008 (sửa đổi bổ sung năm 2019).

“Cụ thể, chủ phương tiện không được tự thay đổi kết cấu, tổng thành, hệ thống của xe không đúng với thiết kế của nhà chế tạo hoặc thiết kế cải tạo đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Trường hợp vi phạm, chủ xe điện có thể bị phạt tiền từ 800.000 đồng đến 4 triệu đồng. Riêng đối với xe đạp điện, hiện chưa có quy định xử phạt nào đối với hành vi thay đổi kết cấu, hệ thống của xe, tuy nhiên hành vi này không được khuyến khích bởi sẽ gây mất an toàn cho người sử dụng”, luật sư Đỗ Doãn Đại nêu ý kiến.

Tin cùng chuyên mục