“Khát” lao động
Đầu năm 2022, khi dịch được kiểm soát, hàng trăm DN ở Bình Dương đã đăng tuyển lao động với số lượng lớn, từ vài trăm đến vài ngàn người. Anh Nguyễn Văn Linh, nhân viên phòng nhân sự một DN trong Khu công nghiệp (KCN) Sóng Thần (TP Dĩ An, tỉnh Bình Dương), cho biết: “Công ty ngưng hoạt động để phòng chống dịch trong nhiều tháng nên phải thu hẹp sản xuất, nhiều công nhân về quê từ giữa năm 2021 đến nay chưa trở lại, khiến công ty thiếu lao động ở tất cả các khâu. Hiện áp lực lớn của phòng nhân sự không chỉ là triển khai các biện pháp phòng chống dịch mà còn là công tác tuyển mới lao động để đảm bảo sản xuất kinh doanh”.
Tình trạng “khát” lao động cũng đang diễn ra tại Công ty TNHH nhãn mác và bao bì Maxim Việt Nam (KCN VSIP, TP Thuận An, Bình Dương) do nhu cầu mở rộng sản xuất, tăng sản lượng. Hiện công ty đang phải gấp rút tuyển dụng bổ sung 200 người nên dán thông báo tuyển dụng tại cổng nhà máy, đăng tuyển dụng trên website Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Bình Dương, thậm chí cử bộ phận nhân sự tràn ra các trục đường lớn, các ngả rẽ vào khu, cụm công nghiệp để nhận hồ sơ.
Trước đó, ngay khi tỉnh Bình Dương triển khai các biện pháp từng bước thích ứng với tình hình dịch bệnh, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, hàng chục DN đã gửi đề nghị hỗ trợ đến ngành chức năng để tuyển dụng lao động. Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương đã gửi văn bản giới thiệu một số DN có nhu cầu tuyển dụng lao động đến liên đoàn lao động các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương để hỗ trợ cung cấp thông tin tuyển dụng đến người dân.
Tăng lương, phúc lợi
Để giữ chân NLĐ đã quen việc, đã được đào tạo cho từng vị trí, nhiều DN trên địa bàn tỉnh Bình Dương đang áp dụng các chế độ chăm sóc tốt cho đội ngũ nhân sự hiện có. Tại Công ty TNHH MTV Gỗ Hoàng Thông (TP Dĩ An), chính sách lương năm 2022 tăng từ 6%-10% so với năm 2021, chi phí tuyển dụng cũng đầu tư trên 2 tỷ đồng để kịp thời bổ sung nguồn lao động thiếu hụt. Bên cạnh đó, công ty cũng phối hợp với các ngành chức năng tại nhiều địa phương ở miền Bắc, miền Trung để tuyển dụng, tổ chức xe đưa đón, mua vé máy bay đưa NLĐ vào Bình Dương, đồng thời bố trí nơi ăn ở để NLĐ yên tâm làm việc. Công ty TNHH Hison Vina (KCN Bình Đường, TP Dĩ An, tỉnh Bình Dương) cũng áp dụng nhiều chính sách để thu hút lao động như trả lương đối với lao động mới tối thiểu từ 7-8 triệu đồng/người/tháng (tăng từ 1-2 triệu đồng/người/tháng so với trước đây); thưởng nóng cho NLĐ mới và người giới thiệu NLĐ mới với mức 1 triệu đồng/người; tặng đồ gia dụng; hỗ trợ chi phí ăn ở…
Theo ông Phạm Văn Tuyên, Phó Giám đốc Sở LĐTB-XH tỉnh Bình Dương, để tăng sức thu hút và giữ chân NLĐ, các doanh nghiệp cần thực hiện tốt các chính sách tiền lương, thưởng, các chế độ phúc lợi theo quy định, thực hiện tốt công tác chăm lo đời sống NLĐ, góp phần nâng cao đời sống công nhân.
Theo Sở LĐ-TB-XH tỉnh Đồng Nai, từ sau Tết Nguyên đán năm 2022, nhiều DN tại tỉnh Đồng Nai có nhu cầu mở rộng sản xuất nên đăng tuyển NLĐ. Trong năm 2022, dự báo nhu cầu tuyển dụng của các DN là hơn 130.000 người và chỉ riêng 2 tháng đầu năm đã có 191 DN có nhu cầu tuyển dụng hơn 23.000 người. Tuy nhiên, hiện thị trường lao động phổ thông đang khan hiếm. Đơn cử như KCN Bàu Xéo (huyện Trảng Bom) cần tuyển gần 6.000 lao động để phục vụ kịp tiến độ đơn hàng của các DN đã ký kết với đối tác và dù có nhiều chính sách hỗ trợ rất tốt, nhưng DN vẫn đang “đỏ mắt” tìm lao động phổ thông. |