Chính phủ và chính quyền các cấp với mục tiêu duy nhất là bảo vệ tính mạng, sức khỏe, cuộc sống của người dân bằng mọi giá; trong điều kiện giao thoa khá nhiều các “cửa” lẫn “ngõ” của đường biên giới trên bộ, hệ thống y tế công cộng tuy phủ khắp nhưng chất lượng dịch tễ không cao, năng lực quản trị xã hội của hệ thống chính quyền cơ sở khá “mong manh”, sau giai đoạn đầu còn nhiều lúng túng, đã dần tìm ra “phác đồ” điều trị, chăm sóc, kiểm soát dịch bệnh phù hợp, tương thích, hiệu quả trên từng nhóm bệnh nhân/vùng dịch bệnh/vùng nguy cơ dịch bệnh…
Một cuộc khảo sát qua điện thoại với sự tham gia của 1.334 người được chọn ngẫu nhiên về “cảm nhận và trải nghiệm của người dân về một số biện pháp ứng phó với đại dịch Covid-19 của các cấp chính quyền”, do Chương trình Phát triển của Liên hiệp quốc (UNDP) tại Việt Nam phối hợp với các đối tác nghiên cứu thực hiện, được công bố trong tuần này.
Cuộc khảo sát trên phần nào cho thấy tính “cảm biến” của người dân trước ứng phó của chính quyền trong đại dịch Covid-19. Cả trên 3 trụ cột là quản trị xã hội, hoạt động y tế, chính sách an sinh, đều bộc lộ những ưu và khuyết trong chính “cảm nhận và trải nghiệm” của mỗi người được phỏng vấn.
Chẳng hạn như sự ủng hộ của người dân vào các chính sách của Chính phủ qua từng giai đoạn chống dịch, ủng hộ mạnh mẽ ở giai đoạn dịch vừa xâm nhập, nhưng sau đó có phần lo lắng vì giảm sút hiệu quả hoạt động, cách thức xử lý từ năm 2021.
Một đặc điểm được nhận diện rõ ràng: dù phải “sống chung” dài hạn trong lệnh phong tỏa, giãn cách xã hội, thậm chí là giãn cách xã hội nghiêm ngặt, nhưng đặt giữa những “đứt gãy” kinh tế, khó khăn chung về gánh nặng cơm áo với bảo vệ an toàn sức khỏe, người dân vẫn chọn các biện pháp phòng chống dịch của chính phủ và chính quyền các cấp.
Hay như những “trải nghiệm” của người dân về các hỗ trợ xã hội. Mặc dù Chính phủ đã chỉ đạo các bộ ngành, địa phương triển khai nhanh chóng các nghị quyết về chính sách an sinh, các gói hỗ trợ nhưng thực tế, hiệu quả thực thi vẫn chậm, không đồng đều.
Đặc biệt, các thủ tục để được “giải ngân” cho doanh nghiệp - là đồng nhất trực tiếp hỗ trợ cho công nhân, người lao động lại khá phức tạp, chồng chéo, không khả thi. Trong việc tiếp cận các nguồn hỗ trợ từ Trung ương đến địa phương, riêng nhóm dân số trẻ, nhất là nhóm di cư trở về địa phương, lại chưa được nhận sự hỗ trợ tương đối, kịp thời.
Cũng trong lĩnh vực an sinh, ở một khía cạnh khác, ngoài sức gồng gánh của chính quyền, có thể nói, sự san sẻ áp lực chăm lo, hỗ trợ, cứu tế cho người dân, nhất là nhóm dân nghèo tại các đô thị vốn nằm ngoài hệ thống an sinh xã hội, từ các tổ chức phi chính phủ, nhóm xã hội, cá nhân hoạt động mạnh mẽ, hiệu quả.
Tuy nhiên, vai trò của họ lại ít hoặc chưa được đánh giá cao và nhìn nhận một cách chính thức. Đây rõ ràng là một thực tế cần được “nghiệm thu” để có những chính sách phù hợp, tập hợp thêm sức mạnh xã hội để cùng chung sức vượt qua đại dịch nói riêng và các biến cố, khủng hoảng xã hội nói chung.
Điểm lưu ý cuối cùng là “đánh giá” của người dân về hành chính và ứng dụng công nghệ trong thời gian đại dịch. Các dịch vụ hành chính công điện tử chưa được sử dụng thuần thục và bài bản trong năm 2021. Ở các khâu xét nghiệm, khám chữa bệnh liên quan đến Covid-19, thay vì “không tiếp xúc” thì nền hành chính quan liêu dựa trên giấy tờ vẫn còn tạo ra các loại “thủ tục”, “giấy tờ” khiến nguy cơ lây lan dịch bệnh tăng và người dân cảm thấy phiền hà hơn.
Đa số những người được hỏi ý kiến đều mong muốn đơn giản hóa các thủ tục hành chính trong tất cả các trụ cột từ y tế đến an sinh xã hội, hơn thế nữa còn là kỳ vọng về việc nâng cấp các dịch vụ công điện tử, nhằm tạo nhiều “phương tiện không tiếp xúc” tiện ích để tương tác hiệu quả hơn giữa chính quyền và người dân.
Định lượng được “cảm nhận và trải nghiệm” của người dân là rất quan trọng, nhất là trước sự ứng phó của hệ thống chính quyền các cấp. Một mặt đây là “thước đo” về năng lực, trách nhiệm, hệ quả thực thi của bộ máy công lực; mặt khác là bước tích lũy “dữ liệu” cần thiết để Chính phủ và bộ máy chính quyền các cấp có thêm kinh nghiệm, kỹ năng và những kỳ vọng mà người dân chờ đợi, đòi hỏi trong việc ứng phó đối với biến thể mới cũng như từng chu kỳ tăng giảm của quá trình phục hồi và tái thiết thành phố sau đại dịch.