14 năm giữ ấm bếp lửa
Bếp chay từ thiện được sư Thích Nữ Như Giác, trụ trì chùa Bảo Vân, thành lập vào năm 2006. Địa chỉ nhân ái này nhanh chóng quen thuộc với những bệnh nhân hoàn cảnh khó khăn đang điều trị tại các bệnh viện ở TPHCM. Để có khoảng 3.000 suất ăn chay miễn phí mỗi ngày, các tình nguyện viên phải bắt đầu chuẩn bị nguyên liệu từ lúc 2 giờ sáng.
Đến 5 giờ, các bếp đồng loạt đỏ lửa để kịp đưa phần ăn đến các bệnh viện: Chấn thương chỉnh hình, 115, Nhi đồng 1… vào lúc 8 giờ sáng. Phần còn lại được phát ở khu vực gần bếp, chủ yếu cho bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Ung bướu TPHCM. Ca phát cơm sáng kết thúc trước 11 giờ trưa để tiếp tục chuẩn bị ca nấu thứ hai cho bữa cơm chiều.
Đội tình nguyện viên chia thành 12 tổ, mỗi tổ 15 người, lần lượt túc trực mỗi tổ một tháng để phục vụ, nấu cơm tại bếp. Nhiều người trong số đó ở các tỉnh xa, tình nguyện góp một phần công sức với bếp ăn.
Bà Nguyễn Thị Em (57 tuổi, quê ở huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp), người đã đến với bếp chay này từ 6 năm qua, chia sẻ: “Tôi cảm nhận được hoạt động của bếp ăn rất ý nghĩa, thấm đẫm tình người nên mong muốn tham gia. Mỗi năm, tôi đến và ở lại một tháng, có năm còn ở suốt 2-3 tháng liền để nấu cơm phục vụ bệnh nhân nghèo. Tôi sẽ tiếp tục gắn bó với bếp ăn từ thiện này cho đến khi bản thân không còn làm được nữa”.
Đồng cảm với những bệnh nhân cơ nhỡ, chị Châu Thị Bích Lệ, cũng là một tình nguyện viên của bếp, nghẹn ngào tâm sự: “Tôi cũng từng chăm người nhà bệnh nặng, từng túng thiếu cùng cực nên thấu hiểu sự bế tắc và cần được giúp đỡ của những người khó khăn. Tâm nguyện của tôi là được góp một chút công sức nhỏ bé của mình giúp bệnh nhân nghèo có được bữa cơm nóng hổi, có sức điều trị và sớm vượt qua bạo bệnh”.
Để dùng cơm chay miễn phí, thân nhân người bệnh đem giấy tạm đóng viện phí tới bếp ăn để làm thẻ cơm. Mỗi thẻ dùng trong 60 ngày. Hết thời hạn, chỉ cần đem giấy tạm ứng viện phí mới đến để được cấp lại thẻ. Vào thời gian nhất định trong ngày, mỗi người mang hộp đựng cơm và thức ăn đến tự nhận phần của mình, ai ăn nhiều lấy nhiều, ăn ít lấy ít để tránh lãng phí.
Bà Lý Thị Ửng, quản lý bếp ăn chùa Bảo Vân, cho biết: “Bệnh nhân nghèo tại các bệnh viện ở TPHCM tốn rất nhiều khoản chi phí, từ viện phí, thuốc men đến cái ăn, cái mặc. Có gia đình phải vay mượn khắp nơi, bán hết tài sản mà thời gian điều trị thì kéo dài không biết đến bao giờ. Thấu hiểu điều đó nên chúng tôi luôn cố gắng duy trì công việc từ thiện này, với tâm niệm giảm được gánh nặng cho người bệnh được chút nào hay chút đó”.
Chia sẻ khó khăn với bệnh nhân nghèo
Phía sau hàng ngàn bệnh nhân điều trị tại các bệnh viện là hàng ngàn gia đình đang phải từng ngày đối mặt với bài toán chi tiêu, với những âu lo, bất trắc trong suốt quá trình điều trị. Để giúp gia đình bệnh nhân nghèo yên tâm chữa bệnh cho người thân, 14 năm qua, bếp chay từ thiện chùa Bảo Vân vẫn bền bỉ hoạt động.
Bà Vũ Thị Mai (56 tuổi, quê ở Bình Thuận), chăm chồng đang điều trị tại Bệnh viện Ung bướu TPHCM, tâm sự: “Chồng tôi bị khối u ác tính ở phổi, hàng tháng tiền hóa trị và các chi phí khác lên tới hàng chục triệu đồng. Gia đình tôi đã đến mức khánh kiệt, tất cả tài sản có giá trị trong nhà đều đã bán hết lấy tiền chữa trị cho ông ấy. Tôi đã dùng cơm chay từ thiện ở đây 1 năm nay và tiết kiệm được một khoản chi phí đáng kể. Tôi thật sự biết ơn các nhà hảo tâm đã giúp đỡ chúng tôi”.
Bên cạnh phát cơm từ thiện, bếp chay từ thiện chùa Bảo Vân còn hỗ trợ viện phí cho những bệnh nhân thuộc diện hộ nghèo. Theo đó, tùy tình trạng bệnh, tùy số tiền viện phí phải đóng mà bệnh nhân được giúp từ 700.000 đồng đến 2 triệu đồng, mỗi 6 tháng lại nhận hỗ trợ một đợt.
Ngoài ra, bếp ăn còn thường xuyên tham gia tổ chức gian hàng 0 đồng dành cho bệnh nhân khó khăn tại Bệnh viện Ung bướu vào thứ 2, 4, 6 mỗi tuần. Bệnh nhân được phát phiếu vào mua sắm các nhu yếu phẩm thiết yếu như đường, sữa, kem đánh răng, nước tương... với trị giá tối đa 100.000 đồng/tháng.