Theo ông Ngô Tấn Cư, do đây là hầm đường bộ nằm trên Quốc lộ 1A, là tuyến giao thông huyết mạch của Quốc gia, nên không có chuyện cắt điện, mặc dù đến nay Công ty CP Quản lý và Khai thác hầm đường bộ Hải Vân (HAMADECO) vẫn chưa thanh toán cho Điện lực Đà Nẵng số nợ hơn 2,6 tỷ đồng tiền điện trong kỳ 3 của tháng 9 và 3 kỳ của tháng 10.
Trước đó, ngày 26-10, Công ty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng đã gửi văn bản đến Bộ trưởng Bộ GTVT về việc chậm thanh toán tiền điện của HAMADECO cho Điện lực Liên Chiểu (thuộc Công ty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng).
Ông Ngô Tấn Cư cho rằng việc HAMADECO chậm thanh toán tiền điện ngoài vi phạm luật còn ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của đơn vị và thu nhập của người lao động.
“Việc cung cấp điện cho hầm Hải Vân là phụ tải đặc biệt quan trọng ảnh hưởng đến huyết mạch giao thông của cả nước nên Công ty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng không thể thực hiện ngừng cung cấp điện theo quy định của Luật Điện lực. Đơn vị gửi công văn đến Bộ trưởng Bộ GTVT và HAMADECO chỉ vì lý do chậm trễ đóng tiền điện chứ không có chuyện sẽ ngưng cung cấp điện ở hầm Hải Vân”, ông Ngô Tấn Cư khẳng định. |
“Để đảm bảo quản lý vận hành hầm Hải Vân 1, HAMADECO đã ứng trước để chi trả các chi phí thường xuyên như điện vận hành, tiền lương cán bộ, chi phí bảo dưỡng thiết bị… Trước tình hình trên, HAMADECO đã gửi công văn đề nghị Công ty CP Đầu tư Đèo Cả thanh toán chi phí vận hành hầm còn lại của quý II-2018 và 2 tháng cuối của quý III”, ông Hưởng cho biết. |
Hầm Hải Vân 1 được Nhà nước đầu tư bằng nguồn vốn vay JBIC của Nhật Bản, công trình hoàn thành đưa vào sử dụng tháng 6-2005. Từ 2005 đến năm 2015, chi phí để thực hiện công tác quản lý vận hành và tuyến đường QL1 qua đèo Hải Vân được Nhà nước chi trả. |