Sáng 29-10, tại Hà Nội, Bộ NN-PTNT và Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam phối hợp tổ chức hội nghị đề xuất giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp ngành gỗ chuẩn bị phục hồi trong bối cảnh bình thường mới, sẵn sàng kế hoạch đẩy mạnh xuất khẩu những tháng cuối năm và năm 2022.
Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong tháng 9-2021 đạt 701 triệu USD, giảm 39,5% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên trong cả 9 tháng, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ vẫn đạt 11,11 tỷ USD, tăng 30,6% so với cùng kỳ năm 2020.
Theo kết quả khảo sát của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, do ảnh hưởng của dịch bệnh, đã có hơn một nửa số doanh nghiệp tại Bình Dương, Đồng Nai, TPHCM phải ngừng hoạt động; các doanh nghiệp còn lại cũng phải cắt giảm công suất, cố gắng duy trì được khoảng 60% - 70% lượng công nhân làm việc.
Ngoài ra, do các quy định giãn cách xã hội nên các hoạt động lưu thông, vận chuyển, lưu giữ hàng hóa cũng gặp rất nhiều khó khăn, dẫn đến giá trị sản xuất, xuất khẩu sự sụt giảm đáng kể, nhất là trong 3 tháng 7 - 8 và 9. Tuy nhiên đến nay, dịch Covid-19 đã cơ bản hoặc đang dần được kiểm soát ở các địa phương; nhiều nơi đang “từng bước mở cửa” và cho phép mở lại các hoạt động sản xuất kinh doanh tại địa bàn trong trạng thái "bình thường mới".
Theo chuyên gia Tô Xuân Phúc thuộc Tổ chức Forest Trends, hầu hết các doanh nghiệp gỗ đã có kế hoạch phục hồi sản xuất trong bối cảnh "bình thường mới". Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp hiện nay đang lo thiếu lao động và đề nghị chính quyền địa phương hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn lao động.
Nhiều đại biểu dự hội nghị cũng cho rằng, Chính phủ đã có chủ trương chuyển hình thái phòng chống dịch từ chiến lược “Zero Covid” ở giai đoạn đầu sang chiến lược “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid -19”, trong đó có mục tiêu “đảm bảo sự thống nhất thực hiện theo quy định, hướng dẫn của các bộ ngành, đồng thời phát huy tính chủ động, sáng tạo của địa phương trong kiểm soát tình hình dịch bệnh, tạo điều kiện khôi phục sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội... Đây là tín hiệu vui cho toàn xã hội, trong đó có cộng đồng doanh nghiệp gỗ.
Ông Bùi Chính Nghĩa, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN-PTNT) cho biết, từ tháng 10-2021, sản xuất và xuất khẩu gỗ - lâm sản đã có dấu hiệu tăng trưởng trở lại so với tháng 9 của năm 2021. Đây là nỗ lực của các doanh nghiệp và cũng là cam kết của doanh nghiệp trong xây dựng kế hoạch phục hồi sản xuất – xuất khẩu những tháng cuối năm để hướng tới mục tiêu 14,5 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu gỗ và lâm sản của năm 2021.
Những tháng cuối năm, các cơ quan quản lý nhà nước sẽ tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp, tạo môi trường thuận lợi cho sản xuất, chế biến và xuất khẩu gỗ, đặc biệt là thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 128 của Chính phủ.
Theo ông Bùi Chính Nghĩa, Nghị quyết số 128 của Chính phủ là tiền đề để không khơi thông cho quá trình hoạt động sản xuất. Các doanh nghiệp cần nhận diện đúng tình hình và các cơ hội để xây dựng chiến lược, kế hoạch phục hồi trong tình hình mới.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp nhận định, mục tiêu đạt 14,5 tỷ USD xuất khẩu gỗ và lâm sản trong năm 2021 là “trong tầm tay”. Song, điểm quan trọng với các doanh nghiệp là phải duy trì được đơn hàng và kế hoạch xuất khẩu với các đối tác như đã thỏa thuận. Như vậy, chúng ta sẽ mới giữ được bạn hàng để đảm bảo các chỉ tiêu trong những tháng cuối năm và kế hoạch của năm 2022 sắp tới.