Sáng 7-9 tại Hà Nội, Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN-PTNT) tổ chức cuộc họp trực tuyến với các doanh nghiệp để bàn cách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, chế biến và xuất khẩu đồ gỗ.
Theo báo cáo, 8 tháng qua, giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản cả nước ước đạt 11,2 tỷ đô la Mỹ, tăng hơn 42% so với cùng kỳ năm ngoái, đáng chú ý là xuất siêu 9,1 tỷ USD, cao nhất so với các ngành trong lĩnh vực nông nghiệp, góp phần quan trọng vào tăng trưởng của nền kinh tế năm 2021.
Tuy nhiên, đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4 đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất, chế biến của các doanh nghiệp ngành gỗ, đặc biệt tại khu vực phía Nam - nơi tập trung trên 70% tổng số doanh nghiệp ngành gỗ, với giá trị xuất khẩu chiếm gần 80% tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và lâm sản của cả nước. Ước tính đã có hơn một nửa số doanh nghiệp phải tạm ngừng hoặc đóng cửa và giảm công suất hoạt động do dịch.
Trong những tháng cuối năm, dịch bệnh còn tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, nếu không tháo gỡ khó khăn, có những giải pháp linh hoạt thì rất khó đạt mục tiêu xuất khẩu 14,5 tỷ USD trong năm nay.
Ông Nguyễn Quốc Khanh, Chủ tịch Hiệp hội gỗ và lâm sản TPHCM đề nghị cần có lộ trình và chính sách hỗ trợ thống nhất giữa các bộ ngành và địa phương trong triển khai thực hiện để tạo niềm tin cho doanh nghiệp yên tâm xây dựng định hướng và kế hoạch của doanh nghiệp; giảm chi phí, bảo hiểm xã hội, thuế và lãi suất ngân hàng.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh nhận định, hiện nay, các thị trường có nhu cầu rất lớn đối với đồ gỗ Việt Nam thì đã kiểm soát và phục hồi sản xuất như Hoa kỳ, các nước trong Liên minh châu Âu. Bộ NN-PTNT đề nghị các doanh nghiệp nỗ lực giữ các thị trường truyền thống, đảm bảo đơn hàng trong các tháng cuối năm nay và đầu năm sau. Bộ NN-PTNT sẽ đồng hành cùng doanh nghiệp, có những kiến nghị tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp gỗ.