“Đò dọc”: Mang văn hóa Nam bộ xưa đến với bạn đọc nay

Qua Đò dọc (NXB Trẻ), người đọc hôm nay có thể hiểu hơn về văn hóa xưa khi nhà văn Bình Nguyên Lộc đã ghi nhận tỉ mỉ với sự trân trọng và niềm thích thú cách sinh hoạt cũng như lời ăn tiếng nói đậm bản sắc riêng của người Nam bộ lúc bấy giờ.

Đò dọc là một trong những tiểu thuyết được đánh giá cao nhất của nhà văn Bình Nguyên Lộc, ra mắt vào những năm cuối thập niên 50 của thế kỷ trước. Tác phẩm kể câu chuyện về gia đình ông bà Nam Thành với bốn cô con gái, từ Bạc Liêu (Tây Nam bộ) lên Sài Gòn rồi từ Sài Gòn trôi dạt về miệt Thủ Đức (Đông Nam bộ) theo những biến động trong xã hội. Từ Sài Gòn về làng thuốc Linh Chiểu, ở nơi mà nhà lân cận cách xa “cỡ hú một tiếng dài mới nghe”, gia đình kẻ chợ này không khỏi thấy cô đơn lạc lõng.

29f861807189ded78798.jpg
"Đò dọc" được xem là một trong những tiểu thuyết được đánh giá cao nhất của nhà văn Bình Nguyên Lộc

Dưới ngòi bút mô tả rất thực và đời của nhà văn Bình Nguyên Lộc, cái không khí miền quê buồn tẻ, bằng phẳng được lột tả sinh động, với những cơn mưa xóa mờ tất cả, với tiếng côn trùng, ễnh ương kêu, với những công việc ruộng vườn quanh quẩn. Cái nơi chốn ấy càng đặc biệt tai hại với bốn cô con gái đang tuổi lấy chồng, khiến các cô “nghe như mình bị cả thế gian bỏ quên”.

Lạc lõng, không bạn bè, khi gia đình tình cờ cứu được chàng họa sĩ tên Long bị tai nạn xe và để chàng dưỡng thương tại nhà, các cô gái đã trót cùng nhau trao tấm lòng cho cùng một người duy nhất. Giữa sự nóng ruột muốn gả con của ông bà Nam Thành, những yêu thương bồng bột của tuổi trẻ, chuyện éo le lên đến đỉnh điểm, xảy ra những đố kỵ, tranh giành khi “nhơn dục làm loạn tâm”.

Bi kịch này càng khiến người ta đau xót vì nhà văn Bình Nguyên Lộc rất khéo dụng tâm mô tả sự gắn bó và yêu thương nhau của gia đình này. Ngòi bút kể chuyện tự nhiên của ông gợi nhớ đến không khí gia đình của những tác phẩm kinh điển như Little Women (Những người phụ nữ bé nhỏ) của Louisa May Alcott. Bốn cô con gái được xây dựng với những cá tính rõ nét, nhưng ai cũng yêu thương nhau, có gia giáo, đều duyên dáng theo cách của riêng họ. May thay, những điều đẹp đẽ vẫn lấp lánh trong trang văn của nhà văn bậc thầy này, và mối trân trọng tình cảm gia đình cuối cùng đã hóa giải tất cả.

28680aa3467de923b06c.jpg
Một số tác phẩm của nhà văn Bình Nguyên Lộc được NXB Trẻ ấn hành trong thời gian qua

Là nhà văn hóa, Bình Nguyên Lộc mô tả khung cảnh đời sống của người dân Nam bộ với sự tỉ mỉ, hứng thú và tái hiện chúng rất sinh động, rất đời. Căn nhà của gia đình ông bà Nam Thành toát lên vẻ truyền thống với những “lọ sành Lái Thiêu”, “vách trỉ long mốt”, “mâm gỗ mít tròn”, “phên tre”. Bạn đọc sẽ thích thú khi bắt gặp những dụng cụ xưa, vừa quen vừa lạ, như đèn măng sông, cần vọt, cái lu, con vịt sứ trắng cho người bệnh uống nước, máy chiếu phim; hay những loại cây cỏ trong cảnh thiên nhiên ở vùng quê như trái lồng mứt, cỏ bù xít…

Nhưng đặc sắc nhất phải kể đến ngôn ngữ của Đò dọc. Như những tác phẩm của Sơn Nam, của Vương Hồng Sển, tác phẩm của Bình Nguyên Lộc cũng là một kho tàng lời ăn tiếng nói của người bình dân Nam bộ. Bạn đọc yêu ngôn ngữ và muốn tìm hiểu cách nói của dân tộc mình ở những giai đoạn khác nhau sẽ rất thích cuốn sách này, bởi vì chính Bình Nguyên Lộc là một người rất yêu ngôn ngữ.

Tin cùng chuyên mục