Thực hiện chưa đầy đủ
Ngày 21-8, Hãng tin Reuters dẫn nguồn tin Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ cho biết thêm 4 tàu chở lương thực đã rời các cảng của Ukraine, nâng tổng số tàu rời khỏi các cảng trên biển Đen của Ukraine theo thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc do LHQ làm trung gian lên thành 31 tàu. Theo Bộ trưởng Hạ tầng cơ sở Ukraine Oleksandr Kubrakov, sẽ có thêm khoảng 10 tàu chuẩn bị rời các cảng Odessa, Chornomorsk và Pivdennyi. Thế nhưng, sẽ phải mất nhiều ngày trên biển, những tàu này mới có thể cập cảng các nước khác và thêm nhiều thời gian để số lương thực trên tàu phân phối tới người dùng.
Đây mới chỉ là một phần của thỏa thuận ngũ cốc được ký một tháng trước và thế giới đang ngồi đếm từng chuyến tàu đến 3 cảng của Ukraine chở ngũ cốc mang ra thị trường thế giới. Phần còn lại, là các mặt hàng lương thực và phân bón Nga, cũng phải được trở lại thị trường mà không gặp trở ngại nào từ các lệnh trừng phạt, dù trực tiếp hay gián tiếp, đến nay vẫn chưa được thúc đẩy. Phát biểu tại trung tâm điều phối chung ở Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) ngày 20-8, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres nhấn mạnh: Phần khác của gói thỏa thuận này là quyền tiếp cận không bị cản trở các thị trường toàn cầu của lương thực và phân bón Nga, vốn không nằm trong danh sách trừng phạt. Điều quan trọng là tất cả các chính phủ và khối tư nhân hợp tác đưa những mặt hàng đó vào thị trường. Đưa thêm lương thực và phân bón ra khỏi Ukraine và Nga là yếu tố rất quan trọng để tiếp tục bình ổn thị trường hàng hóa và hạ giá cho người tiêu dùng.
Yếu tố ổn định thị trường
Theo ông Guterres, những quốc gia đang áp đặt trừng phạt Nga đã khẳng định rằng những biện pháp này không có hiệu lực với các mặt hàng phân bón và lương thực. Tại cuộc họp báo cùng Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Hulusi Akar, ông Guterres cũng nói rõ các chính sách trừng phạt đã ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu lương thực và phân bón Nga. Dù phương Tây khẳng định không áp đặt trừng phạt các mặt hàng này của Nga, nhưng với các lệnh trừng phạt ngân hàng Nga, các công ty vận chuyển bị ảnh hưởng “gián tiếp” đến việc xuất khẩu.
Do đó, người đứng đầu LHQ khẳng định quyết tâm sẽ làm tất cả, thúc đẩy đối thoại để đạt được mục tiêu trên. LHQ đang làm việc với Mỹ và EU để hỗ trợ trong vận chuyển, bảo hiểm và tài chính. Tổng Thư ký LHQ cảnh báo các mặt hàng trên của Nga phải đến được với các thị trường thế giới mà “không bị cản trở”. Nếu nguồn cung phân bón không đủ trong năm 2022 thì cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu có thể xảy ra vào năm tới. Việc đưa lương thực và phân bón của Ukraine và Nga ra thị trường là yếu tố rất quan trọng để ổn định thị trường hàng hóa và hạ giá cho người tiêu dùng.
Theo giới phân tích, chìa khóa để giải quyết vấn đề này nằm ở lựa chọn của các nước lớn. Để tránh một cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu, đòi hỏi sự phối hợp nhiều hơn giữa các nước lớn để chủ động hỗ trợ dỡ bỏ các rào cản, chứ không phải là các chính sách và cơ chế làm suy yếu các thỏa thuận quốc tế.