Đổ bệnh vì khói bụi

Hà Nội, TPHCM và nhiều đô thị lớn khác ở nước ta đang phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng do đô thị hóa mạnh mẽ và gia tăng phương tiện giao thông. 
Người dân đi đường phải trang bị khẩu trang để chống khói bụi. Ảnh: THÀNH TRÍ
Người dân đi đường phải trang bị khẩu trang để chống khói bụi. Ảnh: THÀNH TRÍ

Nhiều nghiên cứu và số liệu quan trắc chỉ số chất lượng không khí (AQI) cho thấy, ở Hà Nội nồng độ bụi PM 2.5 (loại khí bụi lơ lửng trong không khí gây nguy hiểm cho sức khỏe con người) thường xuyên gấp 2 -3 lần so với quy chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Tình trạng này đang khiến những người mắc các bệnh về hô hấp, ung thư, tim mạch có chiều hướng gia tăng...

“Ninja” ra đường mà vẫn lo

Thường xuyên phải đưa đón con đi học hàng ngày trên tuyến đường Nguyễn Xiển (Thanh Xuân, Hà Nội), mẹ con chị Lê Thị Thủy ở Khu tập thể Thuốc lá Thăng Long mỗi khi ra đường không chỉ khoác áo dài chống nắng từ đầu tới chân mà còn phải đeo khẩu trang, kính trắng, rồi trùm khăn kín cả mặt chẳng khác gì một “Ninja”, chỉ vì lo ngại khói bụi trên các tuyến đường đi qua. Chia sẻ với chúng tôi, chị Thủy ngao ngán: “Ngày nào đường Nguyễn Trãi, Nguyễn Xiển tới tận khu Linh Đàm cũng tắc, không chỉ giờ cao điểm sáng - chiều mà nhiều khi buổi trưa cũng kẹt xe. Tắc đường, khói xe cùng bụi bẩn từ nhiều công trình xây dựng hai bên đường khiến mỗi khi ra đường là mẹ con tôi và mọi người đều bị… xông khói, tắm bụi” .

Trong khi đó, nhiều hộ dân ở xung quanh tuyến đường Phạm Văn Đồng và Mai Dịch cũng trong tình cảnh chịu ô nhiễm nặng nề vì khói bụi và tiếng ồn. Vừa phải nằm viện hơn 10 ngày vì viêm đường hô hấp cấp, ông Nguyễn Văn Huấn (ở Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cho biết: “Tuyến đường này hàng ngày có rất nhiều xe tải chở vật liệu xây dựng và xe khách liên tỉnh qua lại, cùng với đó là mật độ xe máy cũng rất lớn nên khói bụi mịt mù và rất ồn. Nhiều nhà dân nơi đây dù đóng cửa suốt ngày nhưng vẫn bị bụi bám trắng xóa đồ đạc trong nhà. Nếu có việc phải đi ra ngoài đường, đeo đến 2 lớp khẩu trang y tế nhưng nhiều khi mặt vẫn đen sạm vì khói xe và bụi bẩn”.

Phương tiện giao thông tăng cao, cùng với ùn tắc, là nguyên nhân khiến lượng bụi PM 2.5 
ở thành phố luôn ở mức cao
 Chỉ số AQI được công bố hàng ngày trên Cổng thông tin điện tử của TP Hà Nội cho thấy, chỉ trong nửa cuối tháng 3-2019, lượng bụi siêu vi PM 2.5 dao động ở mức từ 115 tới 196, gấp 2 - 4 lần so với khuyến cáo của WHO. Đáng lo hơn, một số khu vực như Phạm Văn Đồng, Cầu Giấy, Nguyễn Trãi, Nguyễn Xiển, Minh Khai, Hà Đông có lượng bụi PM 2.5 lên trên 200, thậm chí có thời điểm tới 400 rất nguy hại. Mới đây, Tổ chức giám sát chất lượng không khí AirVisual đã công bố danh sách các quốc gia và thành phố ô nhiễm nhất thế giới năm 2018. Qua đó, dựa trên chỉ số lượng bụi siêu vi PM 2.5 trong không khí thì Hà Nội đứng thứ 2 ở Đông Nam Á và 12 thế giới về mức độ ô nhiễm.


Ảnh hưởng xấu tới sức khỏe

Theo nhiều chuyên gia môi trường, bụi trong không khí có nhiều loại, có thể là bụi vô cơ hoặc bụi hữu cơ; ở những môi trường đô thị, mật độ giao thông đông nên bụi hữu cơ rất nhiều. Đây là kết quả của việc đốt cháy nhiên liệu động cơ của các phương tiện giao thông, sản sinh ra nhiều tạp chất cacbon, sunphua, nitơ, lưu huỳnh và các hợp chất kim loại như chì… phát tán vào môi trường nên vô cùng độc hại. Bụi PM 2.5 là những hạt bụi li ti lơ lửng trong không khí có kích thước 2,5 micron trở xuống (nhỏ hơn khoảng 30 lần so với sợi tóc người) được hình thành từ các chất như cacbon, sunphua, nitơ và các hợp chất kim loại; bụi có khả năng luồn lách vào phổi và tĩnh mạch phổi, gây nên nhiều căn bệnh chết người.

Trước tình trạng ô nhiễm không khí tại nhiều thành phố ngày càng nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu tới sức khỏe của người dân, bác sĩ Nguyễn Ngọc Hồng, Trưởng khoa Bệnh Phổi nghề nghiệp - Bệnh viện Phổi trung ương, cho biết cơ chế tác động của những chất ô nhiễm trong không khí tới sức khỏe chủ yếu qua tiếp xúc với bụi hay môi trường ô nhiễm, lúc đó cơ thể sẽ có phản ứng ho kích ứng, hắt hơi giống triệu chứng cảm cúm. Đây là phản ứng thông thường của con người khi có các dị nguyên từ bên ngoài xâm nhập vào đường hô hấp. Với hàm lượng bụi PM 2.5 trong không khí ở mức cao rất dễ gây ảnh hưởng, xâm nhập vào hệ hô hấp của con người. Những chất này khi vào cơ thể, nhẹ thì gây kích ứng như hắt hơi, sổ mũi, còn trong trường hợp nặng có thể khiến con người có phản ứng ho, khạc đờm kéo dài, thậm chí  khó thở như ở những người có bệnh hô hấp, viêm phế quản mạn tính, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và làm nặng thêm vấn đề tim mạch. Lâu dài có thể gây rối loạn đường thở và khi bụi ô nhiễm đi vào sâu trong hệ hô hấp tới các phế nang sẽ ảnh hưởng tới chức năng phổi. 

Qua các nghiên cứu y khoa cho thấy, hàng ngày, mỗi người hít thở khoảng 10.000 lít không khí hoặc hơn tùy vào lứa tuổi và hoạt động thể lực. Nếu nồng độ bụi PM 2,5 trong không khí cao thì mức phơi nhiễm hàng ngày rất lớn và tăng nguy cơ bị các vấn đề sức khỏe cấp tính và mãn tính, như tăng nguy cơ mắc hen suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mãn, viêm phổi, các chứng bệnh hô hấp, tim mạch, tiểu đường và ung thư phổi. Do đó, các bác sĩ khuyến cáo, người dân sống ở các thành phố lớn, đặc biệt tại Hà Nội và TPHCM, nên chủ động dự phòng tác hại của ô nhiễm không khí. Với những ngày hoặc các thời điểm trong ngày khi chỉ số AQI kém, xấu đến nguy hại. nên giảm các hoạt động thể lực, hạn chế ra đường đặc biệt là giờ cao điểm và nếu phải ra ngoài đường thì nên sử dụng kính và khẩu trang có thể lọc bụi PM 2.5.

Bảo vệ da mùa nắng nóng

Theo bác sĩ chuyên khoa 2 Hoàng Văn Minh, phụ trách Phòng khám Da liễu - Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, để bảo vệ da mùa nắng nóng, cách đơn giản nhất là nên đội mũ rộng vành hơn 2,5cm, phủ được 2/3 khuôn mặt; sử dụng ô, đeo mắt kính màu sậm, màu đen, bịt kín khẩu trang. Khẩu trang nên chọn loại phủ kín mặt, chừa 2 mắt đeo kính, sử dụng màu đen, sậm (có tác dụng chống nắng 90%, khẩu trang màu sáng chỉ có tác dụng chống nắng 60%), khẩu trang phải dày, dệt chéo. Khẩu trang y tế màu xanh chỉ có tác dụng cản bụi, không có tác dụng chống nắng. Bên cạnh đó, nên dùng các sản phẩm chống nắng như kem, lotion, dạng xịt… để bảo vệ các vùng cơ thể không được quần áo che phủ như mặt, môi, cánh tay, bàn tay… lưu ý phải thoa kỹ để che hết. Trước khi mua, phải đọc kỹ xem có đúng là sản phẩm dùng để chống nắng hay không, với chỉ số bảo vệ chống nắng (SPF) từ 30 trở lên.

Khi sử dụng kem chống nắng cần lưu ý thoa trước 15 - 20 phút trước khi đi ra ngoài nắng. Kem chống nắng chỉ có tác dụng 2 - 3 tiếng, sau đó cần rửa mặt và thoa lại kem mới để có tác dụng bảo vệ tốt. Nếu để kem chống nắng tồn tại trên da quá lâu mà không thoa lại sẽ càng dễ gây ra bắt nắng. Đối với những người làm việc tại môi trường biển, ẩm ướt hay ra nhiều mồ hôi, cần sử dụng kem chống nắng chống thấm nước, hoặc cứ 1 - 1,5 giờ phải thoa lại kem một lần. Tuy nhiên, kem chống nắng sẽ có tác dụng phụ như gây kích ứng da, thoa quá kỹ có thể làm mất hấp thụ vitamin D.

THÀNH AN (ghi)

Tin cùng chuyên mục