Hoang vắng
Có mặt tại thành phố mới Nhơn Trạch vào những ngày đầu tháng 7, chúng tôi thấy khu vực quy hoạch thành phố hàng ngàn hécta, có đường sá khang trang, nhưng rất ít dân cư sinh sống. Đoạn vòng xoay giữa trung tâm là nút giao 2 tuyến đường Lê Hồng Phong và Nguyễn Văn Cừ (xã Long Thọ) có hàng chục hécta đất nông nghiệp được các hộ dân trồng mì và nhiều loại cây ngắn ngày; nhiều điểm tư vấn ký gửi, mua bán nhà đất, hướng dẫn tham quan dự án, rao bán đất nền, đất nông nghiệp.
Đặc biệt là Dự án HUD&XDHN Thành Hưng là một trong những dự án lớn nhất có diện tích 223ha gồm 3 khu biệt thự, nhà vườn và nhà phố dọc tuyến đường Lê Hồng Phong, N1, N2. Dự án không có người ở, cỏ mọc um tùm, đặc biệt có 24 căn biệt thự diện tích 800-1.000m2 đang xây dang dở, chưa được tô trát, bỏ hoang do không ai ở.
Theo một lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Nai, thành phố mới Nhơn Trạch được quy hoạch bài bản, quy củ với nhiều tuyến giao thông kết nối, cầu cảng, nhưng hiện nay vẫn rơi vào cảnh đìu hiu, ít người ở. Nguyên nhân do thiếu kết nối hạ tầng, khu dân cư thiếu các dịch vụ tiện ích, các công trình xã hội chưa được đầu tư...
Dẹp các dự án “ma”
Để triển khai quy hoạch thành phố mới Nhơn Trạch, UBND tỉnh Đồng Nai đã phê duyệt 74 dự án lớn với gần 5.000ha đất được giao cho các nhà đầu tư, nhưng chỉ 12 dự án được thực hiện dở dang rồi ngưng hẳn. Do đó, giới bất động sản tại TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương thường gọi đây là thành phố của những dự án “ma”, hay “cú lừa đảo của thập niên”.
Ghi nhận của PV báo SGGP tại dự án khu chợ và dân cư Dân Xuân (thị trấn Hiệp Phước) do Công ty CP Bất động sản Dân Xuân làm chủ đầu tư, được UBND tỉnh Đồng Nai giao đất đợt 1, với diện tích 13,6ha, thời gian hoạt động 50 năm, tiến độ thực hiện 2010-2016 và được gia hạn đến năm 2018. Nhưng đến nay, chủ đầu tư vẫn chưa thực hiện xong bồi thường giải phóng mặt bằng, chưa triển khai thi công các hạng mục dự án. Do đó, UBND tỉnh Đồng Nai đã giao Sở KH-ĐT rà soát hồ sơ dự án, xử lý dứt điểm.
Còn tại dự án Khu dân cư Vĩnh Thanh gần 120ha do Công ty CP Đầu tư phát triển Sông Đà (TPHCM) làm chủ đầu tư, không tiến hành theo đúng tiến độ đã quy định nên UBND tỉnh đã quyết định không tiếp tục gia hạn. Dự án này kéo dài nhiều năm không thực hiện, đã gây bức xúc trong nhân dân. Với việc hủy bỏ dự án, người dân địa phương sẽ được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và thực hiện các quy định về quyền sử dụng đất. Tương tự, tại các xã Long Thọ, Phước An, Phú Thạnh, tình trạng phân lô, bán nền trên đất nông nghiệp cũng diễn ra phức tạp, nguy cơ gia tăng các dự án “ma”.
Từ năm 1994, huyện Nhơn Trạch được thành lập trên cơ sở tách từ huyện Long Thành (cũ). Năm 1996, UBND tỉnh Đồng Nai phê duyệt đề án thành phố mới Nhơn Trạch diện tích 410,84km2 với định hướng sẽ trở thành đô thị loại II của tỉnh Đồng Nai và là thành phố vệ tinh của TPHCM. Từ đó đến nay, việc quy hoạch - xây dựng thành phố mới Nhơn Trạch đã tạo nên 4-5 cơn “sốt” đất rất lớn, nhất là mới đây, khi UBND tỉnh Đồng Nai và TPHCM liên tục họp bàn nhiều cuộc về phương án xây cầu thay phà Cát Lái để tạo đột phá kết nối giữa khu Đông Sài Gòn với các tỉnh miền Đông Nam bộ. |