Gieo gì gặt nấy!
Đến Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Đắk Lắk ở Buôn Ma Thuột vào xế chiều, cả một không gian rộng lớn chỉ có gia đình chúng tôi tham quan. Sắp đến giờ đóng cửa nhưng nhân viên đều vui vẻ nán lại chờ. Hơn 1.000 hiện vật được lựa chọn trưng bày trong 3 không gian chính: Đa dạng sinh học, Văn hóa dân tộc và Lịch sử.
Thông tin được chuyển tải có lớp lang qua các bài viết lớn nhỏ, chú thích, hình ảnh và video, tất cả liên kết chặt chẽ với hiện vật qua cách trưng bày hiện đại.
Cũng không lạ, thiết kế nội thất trưng bày do các chuyên gia Pháp thực hiện. Nhưng khi trao đổi với nhân viên, chúng tôi được biết, ngoài một số đoàn du lịch, khách lẻ thật sự không nhiều. Đa phần trong số đó là khách nước ngoài.
Chẳng phải chỉ Bảo tàng Buôn Ma Thuột mà hầu như các bảo tàng trên cả nước đều rơi vào cảnh đìu hiu. Hôm ra Hà Nội, tôi dẫn con gái đến Bảo tàng Hà Nội - được xem có quy mô lớn nhất Việt Nam - cũng chỉ hai mẹ con và vài khách nước ngoài.
Còn các bảo tàng nổi tiếng khác như: Bảo tàng Lịch sử Việt Nam tại Hà Nội và TPHCM, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Bảo tàng Mỹ thuật cung đình Huế, trên 80% khách tham quan là người nước ngoài.
Tôi đã lặng lẽ quan sát: Các em xem hiện vật hoặc đọc các hướng dẫn, chú thích về các thời kỳ lịch sử một cách thờ ơ. Hình như xem để mà xem, không phải để biết. Và, quan trọng là ồn như cái chợ vỡ, tiếng gọi nhau í ới chụp hình vang khắp nơi. Có vẻ, với các em nó là điểm “check-in” ngồ ngộ để lưu lại hình ảnh kỷ niệm một chuyến đi chơi, hơn là để bổ sung kiến thức cho bài học. Nói cho ngay, kiểu đi đại trà như vậy khó mà “bình tĩnh” để tìm hiểu. Cộng với trình độ giữa học sinh các lớp rất khác nhau, và sự thiếu vắng hướng dẫn vào bảo tàng “phải đi nhẹ, nói khẽ”.
Trong khi đó, bao lần đứng ở Paris, tôi đã ngẩn ngơ ngắm từng nhóm học sinh vây quanh từng bức tượng ở Bảo tàng Louvre, vườn Luxembourg hay ngay tại Khải Hoàn Môn quen thuộc.
Ở vườn Luxembourg, khi dừng lại trước tượng Nữ thần Tự Do của Frédéric Auguste Bartholdi (nguyên bản để Pháp làm bản sao lớn hơn tặng cho Mỹ), tôi đã hòa cùng nhóm học sinh chỉ khoảng 10 em đang chăm chú quan sát bức tượng, để xem các em làm gì? Các em tìm hiểu rất kỹ, thậm chí lấy thước đo từng chi tiết, bàn luận với nhau từ chất liệu đến cái thần của tượng, đến tác giả.
Phát hiện có khách du lịch Mỹ cũng đứng xem, thế là một cuộc đàm luận sôi nổi giữa các em và họ khi so sánh 2 bức tượng ở Pháp và Mỹ. Những hình ảnh như vậy có thể thấy khắp nơi, kể cả ở các bảo tàng mỹ thuật mà đối với học sinh là “rất khó nhằn” như Orangerie, Orsay, Petit Palais...
Năm 2013, 3 bảo tàng Việt Nam được TripAdvisor (website du lịch lớn nhất thế giới) bình chọn vào tốp 25 bảo tàng hấp dẫn nhất châu Á: Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, song khách Việt vẫn vắng bóng.
Lý giải thực trạng trên, TS Phạm Quốc Quân, nguyên Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, cho rằng: Do dân trí thấp và đời sống kinh tế nghèo nàn nói chung, đã hạn chế điều kiện hưởng thụ văn hóa của họ.
Khái niệm xem bảo tàng như một địa chỉ văn hóa để trau dồi thêm kiến thức, nghe chừng khá xa lạ với một bộ phận không nhỏ dân chúng. Bên cạnh đó, chương trình giáo dục các cấp nặng từ chương, thiếu hẳn các hoạt động thực tế sinh động phụ trợ cho bài học. Các bài học Lịch sử, Công dân, Địa lý... khô khan đầy thiếu sót, lại học chay là chính - bảo sao các thế hệ không quay lưng với lịch sử, với bảo tàng và cả với việc tạo nên thói quen nghiên cứu.
Tôi chợt nhớ câu ngạn ngữ: Gieo suy nghĩ, gặt hành động; gieo hành động, gặt thói quen; gieo thói quen, gặt tính cách; gieo tính cách, gặt số phận. Giáo dục - văn hóa đã gieo được gì trên con người Việt Nam hôm nay!?
“Tiên trách kỷ, hậu trách nhân’’
Hiện nay, cả nước có 150 bảo tàng, trong đó có 17 bảo tàng tư nhân. Các bảo tàng đã sưu tầm, lưu giữ được gần 3 triệu tài liệu, hiện vật, trong đó đã có 30 hiện vật và nhóm hiện vật được Thủ tướng Chính phủ công nhận là bảo vật quốc gia.
Gần đây lại đang nổi lên hiện tượng xây dựng các bảo tàng “khủng” về quy mô đang diễn ra ở nhiều tỉnh, thành. Bảo tàng Hà Nội đã được đầu tư hơn 2.300 tỷ đồng, khánh thành từ năm 2010, vậy mà hoạt động khá vắng vẻ. Ông Trương Minh Tiến, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội, mới đây đã trần tình với báo chí: Bảo tàng vẫn đang giai đoạn trưng bày tạm thời.
Thật khó để mà hiểu: thời gian 9 năm mà vẫn ở cảnh... tạm thời!? Dự án Bảo tàng Lịch sử quốc gia với mức đầu tư dự kiến ban đầu lên đến 11.277 tỷ đồng; tuy nhiên trước ý kiến của dư luận và chưa bố trí được kinh phí, Bộ Xây dựng đã thông báo hoãn tới năm 2021 mới tiến hành xây.
Ở TPHCM, dự kiến Bảo tàng TPHCM xây dựng tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2) với diện tích 1,8ha. Nay, Sở VH-TT TPHCM trình phương án mới xây tại khuôn viên Công viên Lịch sử - văn hóa dân tộc (phường Long Bình, quận 9) với diện tích 8ha, đầu tư hơn 1.430 tỷ đồng. Và, Bảo tàng TPHCM tại đường Lý Tự Trọng, quận 1 vẫn tiếp tục giữ lại.
Câu hỏi thời thượng ắt được đặt ra: “Xây lớn để làm gì?”. Cựu Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Hoàng Tuấn Anh đã từng thừa nhận một thực tế: Chúng ta đầu tư cho bảo tàng phần hình thức 1, nhưng nội dung mới chỉ dừng lại từ 0,3 - 0,5.
Thiết kế nội thất và trưng bày hiện vật cũng là một vấn đề lớn hiện nay của các bảo tàng Việt Nam. TS Phạm Quốc Quân cho rằng, sự thờ ơ của người dân cũng từ những yếu kém của bảo tàng: Hoạt động trưng bày vẫn cũ kỹ, thiếu khoa học, chưa đa dạng, chưa đem lại sự hấp dẫn và hứng thú cho thế hệ trẻ. Sự đầu tư hiện nay cho công nghệ, trưng bày, ánh sáng, nghe nhìn chưa tương xứng, chưa hiện đại theo kịp đà phát triển của thời kỹ thuật số.
Góp vào tình trạng “đìu hiu” của các bảo tàng, cũng phải kể đến cơ chế xây dựng bảo tàng. GS-TS Nguyễn Văn Huy, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, bóc tách: Sai lầm lớn nhất là cơ chế xây dựng bảo tàng được giao cho ngành xây dựng chủ trì.
Do không am hiểu về văn hóa bảo tàng, kết cục khi bên xây dựng giao nhà thì không phù hợp với chức năng khoa học của bảo tàng hiện đại. Không gian kiến trúc nhiều khi thiếu sự kết nối, khiến bảo tàng khó có thể sắp đặt hiện vật một cách logic, theo chủ đề câu chuyện trải dài theo bề dày lịch sử.
Đánh giá của một số nhà nghiên cứu: Hiện nay, tại Việt Nam chỉ có 3 bảo tàng là Bảo tàng Chăm, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam (Viện Viễn Đông Bác cổ cũ) và Bảo tàng Dân tộc học (mới xây dựng) là đạt các tiêu chuẩn về khoa học, trưng bày, các hoạt động nghiên cứu, phục chế. Ngoài ra, hệ thống bảo tàng Việt Nam thiếu đa dạng.
Hầu hết tập trung chủ yếu vào tính chính trị, lịch sử dân tộc qua các thời kỳ, mà vắng bóng các loại bảo tàng chuyên ngành để khai thác các tư liệu, hiện vật còn nằm rải rác trong dân. Hoặc những loại bảo tàng khoa học đời sống giúp nâng tầm kiến thức văn hóa cho người dân.
Bảo tàng được thế giới xem như một thiết chế xác định đẳng cấp văn hóa của một dân tộc. Vậy, tại sao hệ thống bảo tàng Việt Nam lại nhạt nhòa trong sự thờ ơ của chính người dân trong nước? Tại sao các vị doanh nhân lớn lại chỉ tập trung vào việc xây những khu tâm linh đồ sộ, mà bỏ quên mảng văn hóa gìn giữ hồn cốt cha ông? Quá nhiều câu hỏi đặt ra cho một xã hội đang náo nhiệt giữa những phù phiếm!