Vắng bóng người
Với mục đích lo toan chỗ ở cho người dân tái định cư, TPHCM đã giao Ban quản lý Đầu tư xây dựng công trình nâng cấp đô thị làm chủ đầu tư xây dựng khu tái định cư Vĩnh Lộc B trên mặt bằng rộng 30ha tại xã Vĩnh Lộc B, với quy mô đến 45 block chung cư, cung cấp nơi ở mới cho gần 2.000 hộ bị giải tỏa ở các quận 1, 6, 8, Bình Tân, Phú Nhuận… Nhưng rồi người dân khó có thể an cư lạc nghiệp được, do nơi đây quá đìu hiu nên người lao động nghèo thành thị khó có thể làm gì để kiếm sống.
14 giờ ngày 2-10, chúng tôi tìm đến để xác minh thông tin cư dân nơi đây phản ánh. Từ xa đã thấy những block nhà chung cư nối nhau, xếp vuông vắn với màu sơn xanh và trắng nổi bật, tạo nên hình ảnh một khu dân cư đầy sức sống. Nhưng đến nơi mới hay thực tế lại khác. Con đường Trần Hải Phụng từ chân cầu Dân Sinh dẫn vào nội khu gập ghềnh đá và bụi. Nghe chúng tôi hỏi chuyện, anh bảo vệ Nguyễn Minh Sang đang ngáp vắn ngáp dài giữa bãi cỏ ở khu nhà B2 hờ hững nói: “Cứ rảo một vòng đi rồi biết”.
Lòng vòng rảo qua những tuyến đường Số 1, Số 2 rồi Số 3…, lâu lắm mới thấy có một người đi xe máy chạy qua. Chỉ ngôi trường tiểu học Vĩnh Lộc B và trường THPT cạnh đó có nghe tiếng nói cười, do đang giờ ra chơi. Tại đây cũng có một siêu thị Co.opmart, nhưng cửa khép hờ, không bóng người. Ghé vào block nhà A1, thấy có một quán cà phê ở tầng trệt, nhưng vắng hoe, cũng không thấy chủ quán đâu. Vòng qua block nhà A2 , toàn bộ vỉa hè bị cỏ mọc loang lổ. Ngay trên lối ra vào cầu thang, bậc thềm đã bị sụt lún, một cây đu đủ mọc lên cao hơn 3m chen với đám cỏ dại. Khu B, khu C… cũng vắng không một bóng người. Các căn hộ khóa cửa im ỉm không có người ở. Lối lên cầu thang phủ đầy bụi đất. Tất cả đìu hiu, hoang tàn, lạnh lẽo. Trong cả khu tái định cư rộng mênh mông này hiện mới có hơn 300 hộ dân dọn đến ở, vẫn còn hơn 1.600 căn hộ đang bỏ hoang, phủ bụi thời gian.
“Đói việc”
Anh Lữ Quốc Hưng (nhà số 1.03 block C6, về đây từ năm 2011) cho biết: “Trước tôi ở Đầm Sen còn đi làm công nhân, từ ngày lên đây là… thất nghiệp luôn. Nay công việc của tôi là sáng sớm đưa 2 con trở ngược vào quận 11 để học, chiều đón về, ở nhà rảnh rỗi thì đi dọn cỏ cho bà con kiếm ít tiền. Cỏ ở đây mọc nhiều mà chẳng ai dọn dẹp do người ở thưa thớt”.
Bà Huỳnh Thị Kim Lan (nhà số 2.2 block C7, cũng về đây cùng đợt với hộ anh Hưng, hiện đang mở quán bán cà phê) than: “Đưa dân về đây tái định cư giống như đem con bỏ chợ. Chẳng làm ăn buôn bán gì được, tôi mở quán cà phê, nhưng cả ngày chỉ có vài người hàng xóm ghé uống. 3 người con của tôi đều làm việc trong nội thành, người làm ở quận 5, người làm ở quận Bình Thạnh, sáng tờ mờ đã phải đi, về đến nhà cũng tầm 7 - 8 giờ tối, đi làm xa cực lắm nhưng ở quanh đây đâu có chuyện gì làm để mà sống”.
Cũng với tình cảnh tương tự, bà Bùi Thị Tuyết (nhà số 3.2 block B1.3, trước bán bún ở chợ Phạm Thế Hiển, nhà ven sông bị sạt lở nên được bồi thường và tái định cư tại đây) kể: “Nhà tôi 9 người, chồng bị tai biến, 3 đứa con đi làm trong nội thành, tôi ở nhà chăm sóc 4 cháu nhỏ và lo cơm nước cả nhà. Nhớ nghề cũ, tôi định sắm gánh bún ra bán nhưng con cái can ngăn vì ở đây bán cho ai ăn, nên thôi. Căn hộ của tôi, Nhà nước bán giá 332 triệu đồng, tôi đóng 58 triệu đồng từ tiền đền bù trước đây, còn lại trả góp, tháng nào giấy nợ cũng đến, nhận vẫn nhận nhưng ăn còn không đủ, tiền đâu mà trả”.
Khu tái định cư Vĩnh Lộc B đưa vào sử dụng đã lâu nhưng đến bây giờ con đường Trần Hải Phụng vẫn chưa được trải nhựa, tối đến không một bóng đèn chiếu sáng. Đường sá đi lại khó khăn, xa nơi làm việc, dân cư vắng vẻ, nên nhiều hộ tái định cư đã sang nhượng căn hộ với giá 500 - 600 triệu đồng bằng hình thức giấy ủy quyền, rồi trở vào nội thành thuê nhà ở để tiện đi làm kiếm sống. Một bác hưu trí vừa sang nhượng căn hộ ở tầng 2, block B2, tâm sự: “Chỉ người già mới ở đây. Ở đây giống đi kinh tế mới hồi trước vậy, có điều nhà cửa khang trang hơn, nhưng chỉ để ở thôi, không có gì để làm”.