Lượng khách tăng mạnh
Mặc dù mới 3 tháng đầu năm, nhưng tỉnh Bạc Liêu đã đón trên 1,6 triệu lượt khách (khách quốc tế đạt khoảng 37.150 lượt), đạt trên 40% kế hoạch, tăng 95% so với cùng kỳ năm 2022. Nhờ đó, doanh thu dịch vụ du lịch đạt khá cao (khoảng 1.415 tỷ đồng), tăng 105% so với cùng kỳ; trong đó doanh thu nhà hàng - khách sạn ước đạt 535 tỷ đồng, tăng 135% so với cùng kỳ. Bà Trần Thị Lan Phương, Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Bạc Liêu, cho biết: “Sở dĩ du lịch có bước khởi sắc vì thời gian qua công tác xúc tiến, quảng bá du lịch được triển khai tích cực; các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch chuẩn bị tốt các điều kiện để sẵn sàng phục vụ du khách. Hiện ngành du lịch tập trung nâng cấp cơ sở vật chất, chất lượng dịch vụ tại 10 điểm du lịch tiêu biểu của tỉnh, nhằm phục vụ tốt hơn khi du khách đến tham quan, du lịch tại Bạc Liêu”.
Còn tại Tiền Giang, nhờ các nỗ lực phục hồi du lịch nên các tháng đầu năm 2023, lượng du khách đến Tiền Giang cũng tăng mạnh. Trong quý 1-2023, toàn tỉnh Tiền Giang đón trên 230.000 lượt du khách, tăng hơn 29% so cùng kỳ, trong đó có gần 38.000 lượt khách quốc tế. Doanh thu trực tiếp từ hoạt động du lịch đạt 155 tỷ đồng, tăng 144% so với cùng kỳ.
Tương tự, tính đến tháng 3, tỉnh Cà Mau đón hơn 565.440 lượt khách, bằng 32% kế hoạch; tổng doanh thu đạt trên 713 tỷ đồng. Ông Trần Hiếu Hùng, Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Cà Mau, cho biết, UBND tỉnh đã ban hành chương trình sự kiện “Cà Mau - Điểm đến 2023” với các chuỗi sự kiện như: Lễ hội tri ân Quốc tổ; ngày hội khinh khí cầu; ngày hội bánh dân gian Nam bộ lần 3; sự kiện Hương rừng U Minh; Festival tôm; giải Đất Mũi marathon… Thông qua chuỗi sự kiện này nhằm quảng bá, giới thiệu tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, đồng thời thu hút du khách trong và ngoài nước đến Cà Mau.
Nâng cao chất lượng, thêm sản phẩm mới
Nhằm phục vụ tốt và an toàn cho du khách trong dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5, ông Bùi Quốc Thái, Giám đốc Sở Du lịch Kiên Giang cho biết, vừa chỉ đạo các địa phương, đơn vị có điểm tham quan nghỉ dưỡng trên địa bàn tăng cường quản lý hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch. Dự kiến, lượng du khách trong và ngoài nước chọn Kiên Giang (trọng điểm là đảo Phú Quốc) làm điểm đến dịp này sẽ tăng khoảng 80% so với cùng kỳ, ước đạt trên 500.000 lượt khách, khoảng 20% trong số đó là khách quốc tế. Còn theo Sở VH-TT-DL tỉnh Tiền Giang, để chuẩn bị phục vụ du khách trong dịp lễ 30-4 và 1-5 tới, tỉnh đã hỗ trợ các nhà cổ, các hộ ở làng nghề nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ du khách; mở thêm các tour, tuyến du lịch mới hấp dẫn du khách. Đồng thời, khôi phục và phát triển các làng nghề truyền thống gắn với hoạt động kinh doanh, phát triển du lịch trên địa bàn như làng nghề bánh phồng Cái Bè, làng nghề truyền thống dệt chiếu Long Định, làng nghề truyền thống làm tủ thờ Gò Công... nhằm nâng cao chất lượng các điểm đến, tạo sự đa dạng và hấp dẫn du khách.
Tại tỉnh Long An, dịp lễ 30-4 và 1-5 năm nay, một số công ty lữ hành giới thiệu 2 tuyến du lịch mới của Long An dọc theo đôi dòng Vàm Cỏ. Du khách có thể lựa chọn hành trình xuôi dòng Vàm Cỏ Đông tìm về lịch sử với những điểm đến như Vàm Nhựt Tảo, đồn Rạch Cát, hàng cau vua Tân Trụ; hoặc cũng có thể theo dòng Vàm Cỏ Tây để trải nghiệm cảm giác ăn uống trên sông, thả đèn hoa đăng cầu bình an, may mắn… Giám đốc Trung tâm Thông tin, Xúc tiến Du lịch tỉnh Long An Đỗ Thị Kim Dung cho biết, du lịch đường sông ở Long An là sản phẩm hoàn toàn mới, mang đến cho du khách những trải nghiệm, cảm nhận mới về vùng đất Long An dung dị mà không kém phần đặc sắc. Tuyến này sẽ mở ra hướng mới cho du lịch đường sông giữa Long An và TPHCM.
Dịp lễ 30-4 và 1-5 năm nay, nhiều điểm du lịch, tuyến tham quan mới ở Cà Mau cũng thu hút nhiều đoàn khách đăng ký trải nghiệm như tham quan cột mốc tọa độ quốc gia GPS 0001, biểu tượng Mũi Cà Mau; trải nghiệm xuyên rừng Vườn quốc gia Mũi Cà Mau; ngắm bình minh - hoàng hôn nơi Đất Mũi; cùng người dân địa phương chèo xuồng đi soi ba khía, đặt lợp bắt cua, bắt cá thòi lòi…