Có một TPHCM… độc bản
Theo đạo diễn Lê Minh Hoàng, nếu nhìn TPHCM bằng lăng kính nào cũng hấp dẫn. Chẳng có nơi nào thoải mái, tự do nhưng cũng đầy áp lực như ở thành phố phương Nam này. “Bạn bè xung quanh tôi, đa phần là dân tứ xứ đến đây lập nghiệp. Dù chưa giàu có hay thành đạt, nhưng họ đều là những người chân thành, tình cảm và tốt bụng. Và tôi muốn làm Sài Gòn trong cơn mưa để ghi lại những điều đó” - anh chia sẻ những cảm xúc trước khi bắt đầu bộ phim.
Và rồi, trên màn ảnh rộng, TPHCM nhiều lần trở thành trạm dừng chân của tình yêu, tuổi trẻ, sự nhiệt huyết với đầy đủ các cung bậc cảm xúc. Những cơn mưa bất chợt hay dai dẳng không chỉ là khung nền đặc trưng của bối cảnh thành phố, mà đã trở thành một nhân vật, cũng là chứng nhân trong câu chuyện tình của một đôi trẻ. Bộ phim có những cảnh quay được thực hiện vào thời khắc đặc biệt: đêm giao thừa, chợ hoa tết… đậm đặc không khí đời thường.
TPHCM hiện lên trên màn ảnh của Giao lộ 8675 bằng hình ảnh của thành phố hôm nay: những chiếc xe buýt 2 tầng giữa phố phường tấp nập, quán ốc đêm, không khí rộn ràng trong một quán bar cho giới trẻ, cơn mưa bất chợt, quán cơm tấm lúc rạng sáng, ly cà phê sữa đá lúc mặt trời ló dạng… Thành phố trong phim có cả cái tĩnh lặng và ồn ã, cái tôi và cái ta, cái riêng và cái chung, cũ và mới… quyện vào nhau.
Sẽ khó có thể đếm hết TPHCM là bối cảnh của bao nhiêu bộ phim. TPHCM là một đô thị hào nhoáng, sang trọng trong: Tiệc trăng máu, Âm mưu giày gót nhọn, Gái già lắm chiêu, Để mai tính, Em chưa 18, Chiếm đoạt… Hay một thành phố đầy hoài niệm trong Cô ba Sài Gòn, Song lang, Em và Trịnh… Những xóm ngụ cư, con hẻm lao động bình dân trong: Ròm, Thanh sói, Bố già, Nhà bà Nữ, Mai, Có căn nhà nằm nghe nắng mưa...
Đó là TPHCM, ôm hết vào mình sự đa dạng, để rồi hiện lên trên màn ảnh bằng sự đa diện hết sức… độc bản.
Đó cũng là lý do, trong Sài Gòn, anh yêu em, đạo diễn Lý Minh Thắng đan cài đến 5 câu chuyện khác nhau: một cặp nghệ sĩ già là bạn tâm giao, xem cải lương như hơi thở sống còn; một cô gái mải mê với công danh sự nghiệp và rồi “tình cũ không rủ cũng tới”; hai mẹ con coi nhau như bạn, thủ thỉ tâm tình từng chuyện thường nhật; hai chàng trai tìm thấy nhau giữa chốn phồn hoa nhờ mùi nước hoa và một cặp vợ Việt - chồng ngoại yêu thành phố qua từng trang sách. “Phim không bao quát tất cả về TPHCM mà là những kỷ niệm, cảm xúc riêng về mảnh đất này” - đạo diễn Lý Minh Thắng chia sẻ. Cũng với cái tình riêng đậm đặc dấu ấn cá nhân, đạo diễn Chung Chí Công đã nhìn TPHCM qua Trời sáng rồi, ta ngủ đi thôi có cả sự mộng mơ, nhung nhớ và luyến tiếc. Những góc nhỏ quen thuộc đầy giản dị, chân thành và đầy ắp sự bao dung với những người con tứ xứ. Bộ phim có thể ví như bức tranh tự họa nét hoài niệm độc đáo của TPHCM.
Trước đây tôi sính ngoại, bị hấp dẫn bởi những thứ mới lạ. Đi công tác nước ngoài về, tôi hay so sánh thế này, thế nọ. Đến khi gặp nhiều thứ xáo trộn, phải tập sống hướng về bên trong và thực tại, tôi bắt đầu nhận ra các giá trị gần gũi xung quanh và đó là sự thay đổi để tôi thực hiện Sài Gòn trong cơn mưa, bộ phim như lời tự tình với mảnh đất dưới chân mình - Đạo diễn LÊ MINH HOÀNG
“Phục dựng” đô thị điện ảnh
Trong một chuyên đề nghiên cứu được thực hiện bởi nhà lý luận phê bình Đặng Thanh Lộc có đưa ra dẫn chứng: “Trên tờ tuần báo Nam Kỳ số 50 ngày 6-10-1898 có đăng quảng cáo về buổi chiếu phim ở trước dinh Tổng đốc Chợ Lớn (nay là đường Châu Văn Liêm). Đó được coi là buổi chiếu và địa điểm chiếu phim đầu tiên tại Việt Nam mà các nhà nghiên cứu sưu tầm được. Như vậy, chỉ chưa đầy 3 năm kể từ buổi chiếu khai sinh ra điện ảnh thế giới do anh em Lumière tổ chức ngày 28-12-1895, tại quán cà phê ở Paris, nghệ thuật thứ 7 đã du nhập vào Việt Nam, trước hết là ở Sài Gòn”.
Thước phim quay đầu tiên tại Việt Nam, cũng được thực hiện tại Sài Gòn do người Pháp thực hiện dưới dạng những mẩu thời sự và được trình chiếu vào tháng 5-1899. Trước 1975, Sài Gòn từng có rạp chiếu bóng lớn nhất là rạp Quốc tế với 1.800 chỗ ngồi với thiết bị kỹ thuật, âm thanh hiện đại. Cũng trong giai đoạn này, bộ phim Chiều kỷ niệm của đạo diễn Lê Mộng Hoàng đã thu hút hơn 100.000 lượt khán giả. Đến thập niên 1990, bộ phim Sau những giấc mơ hồng với sự tham gia của những ngôi sao điện ảnh thời đó như: Lý Hùng, Thu Hà, Lý Thu Thảo… đã được trình chiếu suốt 5 tháng.
Khi nhìn ngược về lịch sử, Sài Gòn - TPHCM luôn là mảnh đất sôi động của điện ảnh. Và cho đến hôm nay, không ai có thể phủ nhận TPHCM chính là trung tâm điện ảnh của cả nước. Tính riêng trên địa bàn thành phố hiện có hàng trăm tổ chức, hàng ngàn cá nhân hoạt động trong lĩnh vực điện ảnh, thuộc nhiều thành phần và loại hình khác nhau. Hoạt động điện ảnh tại TPHCM có rất nhiều tiềm năng, từ lực lượng sáng tác, đội ngũ làm phim cho đến công chúng yêu điện ảnh. Điện ảnh TPHCM hiện chiếm khoảng 40% thị phần cả nước. Do đó, khát vọng và mục tiêu xây dựng TPHCM trở thành thành phố điện ảnh, đồng thời gia nhập mạng lưới thành phố sáng tạo của UNESCO trên lĩnh vực điện ảnh hoàn toàn khả dĩ.
Đề án “Phát triển ngành công nghiệp văn hóa TPHCM đến năm 2030” chỉ ra, thành công nhất của điện ảnh thành phố trong thời gian qua là việc xã hội hóa. Dấu ấn xã hội hóa có từ những năm 1990 với cơn sốt phim “mì ăn liền” nhưng đặc biệt mạnh mẽ từ đầu những năm 2000 trở lại đây. Có rất nhiều hãng phim, cơ sở sản xuất phim tư nhân ra đời và hoạt động hiệu quả. Phát triển xã hội hóa điện ảnh cũng đồng nghĩa với việc khuyến khích, phát huy vai trò của các cơ sở sản xuất và hãng phim tư nhân. Với khoảng hơn 100 cơ sở sản xuất phim, trong đó 30 cơ sở hoạt động thường xuyên, đã cùng hỗ trợ nhau sản xuất nhiều phim hay, có giá trị mọi mặt để phục vụ khán giả.
Tín hiệu mừng cho điện ảnh TPHCM là sau khi Luật Điện ảnh (sửa đổi) có hiệu lực từ đầu năm 2023 đã góp phần cởi trói cho nhiều hoạt động. Cụ thể, cuối năm 2023, thành phố đã tổ chức liên hoan phim ngắn và sẽ tổ chức định kỳ 2 năm 1 lần. Đặc biệt, từ ngày 6 đến 13-4, lần đầu tiên thành phố tổ chức Liên hoan phim Quốc tế TPHCM (HIFF). Tại sự kiện, có riêng một hạng mục Ho Chi Minh City on Screen (TPHCM trên màn ảnh). Bà Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh Bộ VH-TT-DL, khẳng định, các hoạt động chuyên nghiệp của HIFF phản ánh sự năng động, sáng tạo với nhiều tiềm năng phát triển của điện ảnh TPHCM. Để “phục dựng” lại một đô thị điện ảnh như đã từng, TPHCM cần có “cơ chế đặc thù” để những tiềm năng trở thành thế mạnh.
Trong mục tiêu đề ra, các ngành công nghiệp văn hóa sẽ đóng góp vào GRDP của TPHCM, đến năm 2025 ngành điện ảnh có tốc độ phát triển trung bình khoảng 12%/năm, đạt trên 5.000 tỷ đồng (phim Việt Nam đạt khoảng 30% doanh thu), đóng góp khoảng 0,4% GRDP. Trong khi đó, đến năm 2030 sẽ đóng góp khoảng 0,56% GRDP với tốc độ phát triển trung bình khoảng 13%, đạt khoảng 10.000 tỷ đồng (phim Việt Nam đạt khoảng 50% doanh thu).