Định vị thương hiệu ẩm thực Việt

Những ngày qua, sự kiện lần đầu tiên Michelin - cẩm nang ẩm thực hàng đầu thế giới Michelin Guide - gắn sao cho nhà hàng tại Việt Nam đã được cộng đồng mạng và đông đảo người dân hồ hởi bàn luận với nhiều cung bậc cảm xúc.
Với nhiều món ăn mang hương vị Việt, quán Ngon được nhiều du khách lựa chọn khi đến Hà Nội
Với nhiều món ăn mang hương vị Việt, quán Ngon được nhiều du khách lựa chọn khi đến Hà Nội

“Mỏ vàng” ẩm thực

Ẩm thực Việt với những món ăn đặc trưng, đậm đà, ngon miệng, ít béo, hài hòa, tốt cho sức khỏe, đã tạo dựng được “chỗ đứng” đối với du khách quốc tế. Không chỉ dừng lại ở phở, nem, bánh mì… mà còn nhiều món ngon khác của Việt Nam đã chinh phục người sành ăn trên khắp thế giới.

Nhiều chuyên trang, tạp chí du lịch ẩm thực nổi tiếng thế giới đã dành không ít lời ca ngợi về Việt Nam, đặc biệt là ẩm thực đường phố. Cuối tháng 1-2023, chuyên trang du lịch Travel and Leisure của Mỹ đã vinh danh Việt Nam là điểm đến có nền ẩm thực hàng đầu châu Á, đồng thời gợi ý những điểm đến tốt nhất để du khách khám phá ẩm thực ở Việt Nam là Hà Nội, Đà Nẵng, TPHCM với những món ăn nên thử như phở, bánh mì, bánh cuốn… Chuyên trang này cũng nhận định rằng, nếu có một nền văn hóa ẩm thực nào có vị thơm ngon, đậm đà, khó cưỡng thì đó chắc chắn là ẩm thực Việt Nam.

Trước đó, ẩm thực Việt Nam cũng nằm trong danh sách 10 quốc gia có nền ẩm thực hấp dẫn hàng đầu thế giới do độc giả chuyên trang du lịch nổi tiếng The Travel (Canada) bình chọn. Món bún chả có mặt trong danh sách “Các món ăn ngon nhất mùa hè” do tạp chí CNN bình chọn và “10 món đường phố tuyệt nhất thế giới” trên National Geographic. Bánh mì Việt Nam cũng từng được tạp chí National Geographic vinh danh là “1 trong 11 món ăn đường phố ngon nhất thế giới”…

Ẩm thực Việt không chỉ hấp dẫn khách du lịch đơn thuần mà nhiều nguyên thủ các nước khi đến Việt Nam cũng đã lựa chọn ẩm thực để khám phá, làm điểm nhấn cho chuyến đi. Tổng thống Mỹ Barack Obama khi đến thăm Việt Nam năm 2016 đã chọn bún chả để thưởng thức. Ngay sau đó, quán bún chả này được gắn với tên gọi “Bún chả Obama” và là một trong những điểm đến thu hút du khách quốc tế khi đến Hà Nội.

Trong chuyến thăm của Thủ tướng Canada Justin Trudeau, tại TPHCM, ông cũng chọn thưởng thức cà phê vỉa hè của Việt Nam. Mới đây nhất, hình ảnh Thủ tướng Australia Anthony Albanese cùng các cộng sự trong một quán bia ở phố Đường Thành (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) cũng gây “sốt”.

Thủ tướng Australia Anthony Albanese thưởng thức bia hơi Hà Nội ở phố Đường Thành (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) trong chuyến thăm Việt Nam mới đây. Ảnh: QUANG PHÚC
Thủ tướng Australia Anthony Albanese thưởng thức bia hơi Hà Nội ở phố Đường Thành (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) trong chuyến thăm Việt Nam mới đây. Ảnh: QUANG PHÚC

Ấn tượng với ẩm thực Việt, ông Gwendal Poullennec, Giám đốc quốc tế của Michelin Guide, chia sẻ: “Hà Nội hội tụ những hương vị đậm chất Bắc bộ của ẩm thực truyền thống Việt Nam, đề cao độ tươi ngon tự nhiên, được gia giảm với nhiều loại gia vị và rau thơm khác nhau. TPHCM là một thành phố sôi động và có tốc độ phát triển nhanh, mang đến cho du khách nguồn năng lượng độc đáo với một nền ẩm thực đa dạng. Hai địa phương có những món ăn đặc trưng khác nhau nhưng nhìn chung đều đóng góp cho nền ẩm thực khu vực và toàn cầu”.

Nâng tầm ẩm thực Việt

Mặc dù có lịch sử phát triển lâu đời, với những món ăn đã được truyền thông thế giới không ngừng ca tụng trong những năm qua nhưng ẩm thực Việt Nam vẫn chưa khai thác hết thế mạnh và tiềm năng để tăng tính cạnh tranh, thu hút du khách. Vì vậy, theo ông Nguyễn Thường Quân, Chủ tịch Hội Đầu bếp Việt Nam, việc Michelin Guide - danh hiệu danh giá trong ngành ẩm thực thế giới - vinh danh những thương hiệu nhà hàng, món ăn uy tín tại Hà Nội và TPHCM, được nhiều người kỳ vọng sẽ tạo nên cú hích có tính lan tỏa mạnh mẽ giá trị và thương hiệu ẩm thực Việt Nam.

"Lần đầu tiên Việt Nam được ghi danh với Michelin, sẽ thôi thúc các đầu bếp, nhà hàng, người yêu ẩm thực chú tâm hơn trong ngành dịch vụ, ẩm thực, du lịch"

Ông Nguyễn Xuân Quỳnh - Tổng thư ký Hội Đầu bếp Việt Nam

“Ở tất cả những nơi Michelin dừng chân, ẩm thực của vùng đất đó sẽ nhanh chóng được phủ sóng toàn cầu với một vị thế hoàn toàn mới. Việt Nam cũng không nằm ngoài quy luật này”, ông Nguyễn Thường Quân nói.

Cùng chung nhận định này, nghệ nhân ẩm thực Ánh Tuyết cho rằng, đây là cơ hội để nâng tầm và vị thế trên bản đồ ẩm thực thế giới. Trước đây, đã có nhiều chuyên gia nước ngoài ca ngợi món ăn Việt Nam, song đó vẫn là những câu chuyện mang tính cá nhân. Bước vào hệ thống đánh giá của Michelin, nghĩa là chúng ta đã đạt quy chuẩn quốc tế.

“Lần đầu tiên Việt Nam được ghi danh với Michelin, sẽ thôi thúc các đầu bếp, nhà hàng, người yêu ẩm thực chú tâm hơn trong ngành dịch vụ, ẩm thực, du lịch”, ông Nguyễn Xuân Quỳnh, Tổng thư ký Hội Đầu bếp Việt Nam, nhận định.

Tuy nhiên, bên cạnh những hồ hởi vui mừng bởi việc 4 sao đầu tiên của Michelin đã được gắn cho 4 nhà hàng Việt thì cũng có nhiều tranh cãi về việc xếp hạng và vinh danh các hàng quán trong “danh sách nhà hàng được Michelin đề xuất” (Michelin Selected) và “danh sách quán ăn ngon với giá cả phải chăng” (Bib Gourmand). Nhiều ý kiến cho rằng có những quán được chọn nhưng hương vị chưa thực sự ấn tượng, nổi bật so với các quán ăn cùng loại khác; rằng quán phở ngay đầu ngõ vị cũng ngon hơn… Thậm chí có người còn tỏ ý bức xúc về việc tại sao lại không thấy hàng bánh mì, bún bò Huế… được đề xuất.

Tranh cãi về ẩm thực có lẽ khó có hồi kết, bởi cảm nhận về khẩu vị của mỗi người mỗi khác. Ví như câu chuyện phở thì dùng thêm chanh hay giấm cũng từng bùng nổ tranh cãi trên nhiều diễn đàn. Ông Peter Cường, Bếp trưởng nhà hàng Ănăn Saigon, được gắn sao Michelin lần này, chia sẻ: “6 năm trước, việc mở nhà hàng Ănăn Saigon ở TPHCM không hề dễ dàng. Trong 6 tháng liền, chúng tôi đã vô cùng khó khăn khi không tìm được khách hàng, bởi đây là một trải nghiệm ẩm thực khá mới mẻ và cần nhiều thời gian để khách hàng cảm nhận, yêu thích. Tôi nghĩ chúng tôi đã làm việc rất nỗ lực để đạt được thành quả như ngày hôm nay”.

Ẩm thực Việt nhiều tiềm năng và đã có sức ảnh hưởng, lan tỏa mạnh, song thế mạnh này chưa được khai thác hiệu quả. Mơ ước về xây dựng một bản đồ ẩm thực Việt được nhiều tổ chức, người yêu ẩm thực ấp ủ từ lâu nhưng vẫn chưa trở thành hiện thực. Tại thời điểm này, có lẽ chỉ mới duy nhất Hải Phòng là đã có bản đồ ẩm thực và Foodtour Hải Phòng với bánh mì cay, bánh đa cua, dừa dầm… đã thu hút hàng ngàn du khách đến với thành phố cảng này. Một vài địa phương như TPHCM, Hà Nội, Huế… cũng đã có những sản phẩm du lịch văn hóa ẩm thực nhưng còn manh mún và chưa làm bật được giá trị ẩm thực Việt.

Khi văn hóa ẩm thực trở thành thương hiệu quốc gia thì đây sẽ là kênh quảng bá, truyền thông hiệu quả nhất để thúc đẩy phát triển du lịch, mở rộng kênh tiêu thụ lương thực, thực phẩm của Việt Nam ra thị trường thế giới, góp phần phát triển kinh tế đất nước.

* Ông NGUYỄN TRÙNG KHÁNH, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch: Tạo xu hướng thu hút du khách

Chúng tôi cho rằng những nhà hàng, đơn vị kinh doanh được công bố gắn với thương hiệu Michelin sẽ là tiền đề rất quan trọng để tăng cường công tác đầu tư, đảm bảo chất lượng dịch vụ, cung cách dịch vụ cũng như xây dựng thực đơn. Đây là bước tiến lớn, quan trọng trong việc tiếp cận chất lượng phục vụ thế giới. Khi Michelin đến Việt Nam, sẽ tạo ra xu hướng mới cho khách du lịch đến Việt Nam.

* Ông NGUYỄN THƯỜNG QUÂN, Chủ tịch Hiệp hội Đầu bếp Việt Nam: Cất cánh dựa trên nội lực

Michelin Guide Việt Nam sẽ không dừng lại ở một cuốn sổ đỏ ghi danh các nhà hàng hay cơ sở ăn uống chất lượng, đẳng cấp, mà còn mở ra cách tiếp cận mới để du lịch ẩm thực Việt có thể cất cánh nhanh hơn dựa trên nội lực của mình. Một khi có được sự khởi đầu này, cùng nỗ lực hoàn thiện để phát huy thế mạnh bản sắc đi kèm sự đảm bảo về chất lượng và sự ổn định, sẽ có động lực để ẩm thực đường phố Việt làm được những điều mà ẩm thực đường phố Singapore, Thái Lan đã gặt hái trong thời gian qua.

Tin cùng chuyên mục