Để tái cơ cấu một nền nông nghiệp manh mún, nhỏ lẻ, tự phát, kéo theo tình trạng mất mùa mất giá... phải bắt đầu từ tổ chức lại sản xuất. Dẫn ví dụ trái thanh long, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, trước tết, giá thanh long giảm còn 3.000-4.000 đồng/kg và không thể dự báo được thị trường, nhiều nơi bán đổ bán tháo, nông dân lo lắng. Nhưng cùng trái xoài, trái thanh long đó khi đưa lên kệ, đóng gói, bao bì đẹp đã cho mức giá cao hơn nhiều lần.
Theo Bộ trưởng Bộ NN-PTNT, lâu nay các ngành chức năng chỉ hướng dẫn nông dân sản xuất chứ chưa chỉ cách nông dân làm giàu, nghĩa là dạy cách bán nông sản, bán niềm tin cho khách hàng. “Người nông dân chỉ được hỗ trợ để nâng cao sản lượng mà chưa được giúp nâng cao giá trị bởi tư duy sản xuất nông nghiệp lấy năng suất, sản lượng làm mục tiêu, trong khi tư duy kinh tế lấy giá trị gia tăng làm mục tiêu”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT dẫn ví dụ kiểu mẫu nông dân thông minh khi thời gian qua, dù giá phân bón, vật tư nông nghiệp tăng cao nhưng đã có những nông dân tiếp cận sản xuất theo hướng hữu cơ, tận dụng phụ phẩm nông nghiệp để làm phân bón, giảm áp lực giá phân bón đang tăng cao, nhờ thế chất lượng sản phẩm còn được cải thiện, giá bán cao hơn; đồng thời cho biết Bộ NN-PTNT đang có kế hoạch phối hợp với một số đơn vị đẩy mạnh chương trình huấn luyện nông dân, thúc đẩy nông dân đẩy mạnh liên kết, hợp tác, hình thành thế hệ nông dân chuyên nghiệp. Khi đã hình thành nông dân chuyên nghiệp thì ngay cả trong khó khăn, họ cũng tìm được hướng đi.
Từ góc độ địa phương, việc thực hiện chiến lược sẽ giúp địa phương cân nhắc nguồn lực cho nông nghiệp nông thôn. Bộ trưởng Bộ NN-PTNT đề nghị đừng nôn nóng đem đồi chè, ruộng lúa ra làm bất động sản. Bất động sản có thể thu tiền ngay nhưng về lâu dài giá trị của miếng đất đó thu lại bao nhiêu nhờ trồng lúa, cây ăn trái thì chưa được nghiên cứu, đánh giá.